Đánh thức Pác Rằng

Từ một bản nghèo nàn, lạc hậu, Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng được kiên trì đánh thức và vận động để người dân tự thay đổi. Đến nay, nơi này đã trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách gần xa.
Đánh thức Pác Rằng

Từ một bản nghèo nàn, lạc hậu, Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng được kiên trì đánh thức và vận động để người dân tự thay đổi. Đến nay, nơi này đã trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách gần xa.

        Cảnh đẹp, người hay

Từ trung tâm thành phố Cao Bằng, theo quốc lộ 3, chúng tôi leo đèo, đổ dốc, ôm cua 35km đường nhựa phẳng phiu thì đến địa phận bản Pác Rằng. Rẽ phải vào con đường bê tông chạy giữa những nương ngô vàng, rau xanh, đá xám, tiếng xe cộ dịu hẳn, nhường chỗ cho những tiếng đập chan chát của búa, phù phù của bễ, xèo xèo của sắt nóng nhúng vào nước… Rèn là nghề truyền thống của người Nùng An xứ này.

Người dân Pác Rằng bày bán nông sản do mình làm ra. Ảnh: TRƯỜNG HÀ

Người dân Pác Rằng bày bán nông sản do mình làm ra. Ảnh: TRƯỜNG HÀ

Dạo một vòng quanh bản dưới bóng những sóng vải chàm, điều làm chúng tôi thích thú nhất là khác với nhiều bản làng dân tộc ở miền núi phía Bắc, Pác Rằng rất sạch sẽ: đường đi lối lại được đổ bê tông hoặc lát gạch như vỉa hè ở thành phố, nước sạch theo ống dẫn đến từng hộ gia đình, hệ thống cống to, thông thoáng để thoát nước, hệ thống thu gom rác thải, và đặc biệt là không có cảnh người ở trên, gia súc ở dưới gầm sàn.

Thấy một ngôi nhà sàn nằm tựa lưng vào vách núi, nhìn ra cánh đồng thoáng đãng, chúng tôi vui chân rẽ vào. Đó là nhà anh Long Văn Hải, trưởng bản Pác Rằng. Pha ấm trà dây, rót mời rồi anh gọi vợ là chị Triệu Thị Dần ra chào khách. Ngôi nhà sàn của anh chị tường đá, vách trát đất trộn rơm, sàn gỗ, mái lợp ngói âm dương, làm năm 1996. Đây là một trong 5 ngôi nhà sàn ở bản được Ban Thực hiện dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mekong mở rộng của tỉnh Cao Bằng đầu tư cho mô hình du lịch cộng đồng. Tôi khá thú vị khi thấy một ngôi nhà sàn ở giữa một bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh nghèo Cao Bằng lại có khu công trình phụ khang trang, sạch sẽ, với nhà vệ sinh tự hoại, bình nước nóng, gương, lược, khăn tắm, dầu gội đầu, sữa tắm...

Chị Dần tâm sự, được dự án đầu tư xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh, gia đình bỏ thêm 4 triệu đồng để mua bình nước nóng từ năm 2009 đến nay. Được tập huấn các kỹ năng đón và phục vụ khách từ gần một năm nay nhưng chúng tôi mới chỉ là nhóm khách đầu tiên mang đến cơ hội thực tập cho anh chị. Nhưng không chút bỡ ngỡ, anh say sưa chỉ cho chúng tôi những bí quyết của nghề rèn, từ chọn loại thép tốt nhất là những thanh nhíp ô tô cũ, nung lửa vừa độ đến gõ búa đều tay để dàn mỏng lưỡi dao mỏng đều, dàn - tôi - nhúng nước - dàn liên tục trong 90 phút để có được con dao bóng đen, đẹp, sắc, dùng được ít nhất 15 năm. Đàn ông người Nùng An không biết rèn thì bị chê là bất tài. Chị thì tỉ mỉ kể từng công đoạn trồng bông, cán bông, se sợi, dệt vải quanh năm rồi nhuộm chàm, phơi, khâu, thêu cả tháng trời để làm ra một bộ thổ cẩm đẹp và bền đến 10 năm, có giá 3 triệu đồng/bộ của nam và 6 triệu đồng/bộ của nữ. Rồi anh dẫn chúng tôi ra đám ruộng trước nhà để xem đồng bào kè đá. Người Nùng làm ruộng bậc thang để trồng trọt nên rất chú trọng việc kè đá để giữ đất khỏi lở.

“Người chủ mảnh ruộng ở trên phải có trách nhiệm kè bờ dưới ruộng của mình, người ruộng dưới lại làm như thế. Cuối cùng ai cũng giữ được đất, nước để trồng lúa, ngô, đậu…”, anh Long Văn Chiến, một người đang kè ruộng giảng giải. Đồng bào lên núi nhặt, đẽo những hòn đá to, nhỏ khác nhau mang về ruộng. Tiếp đó, họ lựa chiều lồi, lõm của từng hòn để xếp chồng lên nhau, sửa cho phẳng rồi lấy đất bít vào các kẽ hở (gọi là kè khan) hoặc lấy xi măng trát. Những bờ rào đá ấy rất vững chãi, trâu, bò húc không đổ; dãi nắng dầm mưa cả trăm năm, không chỉ giúp bà con chống lở đất, giữ nước ở ruộng bậc thang mà còn tô điểm cho cảnh quan của bản, là nét văn hóa độc đáo.

Chúng tôi đi xem kè đá trở về thì trên chiếc chiếu trước hiên nhà, chị Dần đã chuẩn bị tươm tất một mâm cơm nóng hổi, thơm phức với những món ăn đặc sắc: khau nhục, rau dạ hiến xào thịt bò, heo quay mác mật, cá suối chiên giòn. Giữa núi rừng, vừa nhắm thức ăn ngon, lạ, vừa trò chuyện với những người Nùng An chân chất, hiếu khách, thật là luyến nhớ! Đêm xuống, chúng tôi lại cùng 11 thành viên đội văn nghệ và đông đảo bà con dân bản hòa trong những điệu hát hèo phươn, sli lượn… say đắm!

Chị Nông Thị Chỉnh bảo phong tục của người Nùng là năm nào cũng phải may một bộ quần áo mới. Để hoàn thiện một bộ quần áo thổ cẩm của nữ, chị mất 3 ngày.

Chị Nông Thị Chỉnh bảo phong tục của người Nùng là năm nào cũng phải may một bộ quần áo mới. Để hoàn thiện một bộ quần áo thổ cẩm của nữ, chị mất 3 ngày.

        Bắt đầu từ chuồng gia súc

Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mekong mở rộng được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ nhằm hỗ trợ các cộng đồng dân cư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, từng bước xóa đói giảm nghèo thông qua hoạt động du lịch. Bản Pác Rằng có 51 hộ gia đình với hơn 400 nhân khẩu dân tộc Nùng An, cư trú lâu đời trên diện tích hơn 167.000m². Giữa bốn bề núi cao, rừng rậm bao bọc, những nếp nhà sàn nằm quần tụ, có suối khe len lỏi, mỏ rộng trữ nước, ruộng bằng phẳng để canh tác bốn mùa. Người dân có nghề rèn, dệt vải, nhuộm chàm, đan lát, đục đá… có điệu hèo phươn, sli lượn, nàng ới… làm vui. Sau một năm điền dã, lập dự án, đầu năm 2009, Pác Rằng chính thức được chọn xây dựng điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh Cao Bằng.

Cửa ải đầu tiên mà Ban Thực hiện dự án phải vượt chính là cái chuồng gia súc. Bà Nhan Thị Minh Thi, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cao Bằng kiêm Phó Giám đốc Ban Thực hiện dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mekong mở rộng của tỉnh Cao Bằng, vẫn rùng mình khi nhớ lại ấn tượng của 5 năm về trước. Người Nùng An bao đời nay vẫn duy trì thói quen làm nhà sàn, xây bằng đá, gạch cổ, vách thưng bằng ván gỗ, tre nứa hoặc trát đất, mái lợp ngói âm dương. Gầm sàn là nơi để củi, nông cụ, nhốt gia súc, gia cầm. Mặt sàn là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của gia đình. Chỗ người ở và nơi nhốt vật nuôi chỉ cách nhau có một lớp ván gỗ, tre hoặc nứa. Động vật nhốt dưới gầm sàn ăn, ỉa, đái rồi lại dẫm, nằm đè lên phân, rơm, cỏ. Năm này qua năm khác, lớp phân này chồng lên lớp phân kia.

Bà Thi nhớ lại: “Bước vào bản, mùi hôi thối, khai nồng nặc xộc lên, ruồi, muỗi vo ve như trấu. Ai cũng lợm giọng, khịt mũi, ậm ọe. Chúng tôi thuyết phục chuyển chuồng trại ra xa nhà cho hợp vệ sinh thì bà con nhao nhao lên: “Bao nhiêu năm nhốt trâu, bò dưới gầm sàn quen rồi”, “Nhốt ngoài chuồng không giữ được, nhỡ kẻ xấu bắt mất mang sang Trung Quốc bán thì chết”... Ôn tồn giải đáp từng câu hỏi, mỗi lần vào chúng tôi lại tỉ tê một chuyện, gỡ vướng một chút. Ban Thực hiện dự án xây tặng mỗi nhà một chuồng hai ngăn cách xa nhà để nhốt trâu, bò. Nhưng lần tới vào lại thấy bà con nhốt dưới gầm sàn, hỏi sao chưa dọn gầm sàn, chưa chuyển chuồng trâu, bò, người viện cớ bận mùa màng, người bảo mệt. Thế là chúng tôi lại cởi giày, dép, xắn quần, áo, đeo khẩu trang lội vào gầm sàn phân ngập đến mắt cá chân để dọn dẹp…”. Thấy cán bộ nói dễ nghe, làm được việc nên dần dà bà con cũng làm theo. Mất cả năm trời!

Làm sạch được cái gầm sàn, các cán bộ dự án bắt đầu xây tặng mỗi gia đình một công trình phụ gồm nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại, một hầm biogas để bà con ủ phân gia súc, gia cầm làm khí đốt, tặng bếp gas để bà con đun, vừa sạch sẽ vừa đỡ phải lên rừng chặt củi. Rồi Ban Thực hiện dự án mời Công ty cổ phần Tư vấn quản lý dự án Việt Nam lập quy hoạch điểm du lịch cộng đồng làng rèn Pác Rằng đến năm 2025, xây nhà văn hóa trung tâm bản cao 2 tầng, rộng hơn 120m² làm nơi sinh hoạt cộng đồng, trưng bày hiện vật về đời sống dân bản, có hệ thống máy vi tính nối mạng internet, xây sân đỗ xe, sân thể thao cho cả bản, làm đường bê tông, đường lát gạch và dẫn nước sạch vào tận hộ gia đình, lắp ống hút khói vào từng lò rèn...

Hoạt động quan trọng nhất của dự án là nâng cao năng lực cho cộng đồng. Hàng năm, ban thực hiện dự án mở các lớp tập huấn cho bà con kỹ năng giao tiếp, đón và phục vụ khách, nấu ăn; mở lớp đào tạo cấp tốc tiếng Anh cho 20 người… Ông Tô Văn Thành, một người dân ở bản Pác Rằng, kể: “Lần nào xuống, chị Thi cũng khuyên bà con: “Khách du lịch đến thăm bản, bà con phải niềm nở đón tiếp, chỉ đường, trò chuyện vui vẻ. Người ta chụp ảnh thì mình phải tươi tắn giúp đỡ chứ đừng che mặt hay quay đi. Bà con tuyệt đối không được đòi tiền khách du lịch. Vì họ chụp ảnh mình để về giới thiệu cho bạn bè, người thân lên chơi, ăn, nghỉ ở bản. Thế là họ mang tiền về cho mình đấy!”.

Bản Pác Rằng nằm bên quốc lộ 3 đi cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, gần Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thăng Hen. Địa thế của bản rất đẹp, phía trước là cánh đồng nhỏ hướng ra quốc lộ, cuối bản có mỏ nước trong vắt không bao giờ cạn làm nên tên bản (trong tiếng Nùng, pác nghĩa là miệng, rằng là mỏ nước), phía sau bản tựa lưng vào núi có cánh rừng nguyên sinh đã tạo cho không gian, cảnh quan, môi trường sinh thái nơi đây vẻ tươi đẹp, thanh bình. Tất cả các gia đình trong bản vẫn sống trong những ngôi nhà sàn gỗ truyền thống, vẫn bảo tồn được những nghề truyền thống cùng những nét văn hóa tốt đẹp. Pác Rằng đã được đánh thức và luôn đón chào bước chân du khách!

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục