Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang trở thành mối lo chung của toàn nhân loại, các biện pháp nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính - vốn được coi là một trong những nguyên nhân làm Trái đất nóng lên được quan tâm đặc biệt.
Con người tác động 95% làm biến đổi khí hậu
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Viện Tài nguyên và môi trường TPHCM, các khám phá liên quan đến nguyên nhân gây ra BĐKH do hoạt động của con người do Ủy ban Liên Chính phủ (IPCC) công bố năm 2013 cho thấy, con người tác động 95% vào BĐKH. Từ sau cuộc cách mạng công nghiệp (thế kỷ XIX), các nhiên liệu hóa thạch, than, dầu và khí đốt bắt đầu được khai thác, cùng với sự tăng lên của các hoạt động công nghiệp. Nhân loại bắt đầu thải vào bầu khí quyển một lượng khí carbonic (CO2), nitrous oxide (N2O), methane (CH4)… khiến cho nhiệt độ bề mặt Trái đất ngày một nóng lên. Đến năm 2005, nồng độ CO2 đã cao gấp 3 lần so với trước khi có cuộc cách mạng công nghiệp. Bên cạnh việc phát thải bừa bãi khí nhà kính nói trên, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển ven bờ và đất liền của con người cũng góp phần không nhỏ vào BĐKH hiện nay.
Doanh nghiệp sẽ khắc phục ô nhiễm khi bị đánh thuế khí thải. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Không chỉ có các hoạt động công nghiệp làm phát thải khí nhà kính mà sản xuất nông nghiệp cũng tác động một phần không nhỏ. Việc sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam với lượng phân bón quá liều lượng gây ô nhiễm đất và phát thải N2O. Tưới tiêu không hợp lý gây phát thải khí CH4. Đốt rơm rạ sau thu hoạch gây phát thải khí CO2... Mỗi năm, lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động nông nghiệp gần 70 triệu tấn CO2, chiếm gần 50% tổng lượng khí nhà kính của cả nước. Lượng khí CO2, CH4, N2O phát thải ngày càng tăng gây ra hiệu ứng khí nhà kính ngày một nghiêm trọng. Dự báo lượng khí thải sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Chính vì vậy, tìm ra các giải pháp giảm thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp là điều cần thiết và cấp bách để ứng phó với BĐKH - vấn đề lớn của toàn cầu hiện nay.
Chính sách thuế Carbon - Chìa khóa giảm phát thải CO2
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết thêm, sự phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây BĐKH, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống con người. Vì vậy, tìm các giải pháp để hạn chế tình trạng này đang là một bài toán khó. Giải pháp hiện nay đã và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng là đánh thuế Carbon. Thuế Carbon là một loại thuế môi trường, đánh vào lượng CO2 phát thải của nhiên liệu, đây là một hình thức định giá carbon. Thuế Carbon là công cụ được áp dụng cho việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch - những sản phẩm dùng than và nhiên liệu như xăng dầu, nhiên liệu hàng không và khí tự nhiên - tương ứng với hàm lượng carbon thải ra. Theo đó, bằng cách đẩy giá nhiên liệu hóa thạch tăng như một hệ quả tất yếu, thuế Carbon vô tình đã làm tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghệ không carbon với những ngành đốt nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Theo Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nước phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải chịu quy định cách tính thuế Carbon như sau: mỗi doanh nghiệp khi phát thải ra một tấn CO2 thì phải nộp 10 USD. Thuế Carbon được coi là giải pháp dựa trên thị trường quan trọng nhằm giảm khí thải, chống lại BĐKH bên cạnh cơ chế lưu giữ và buôn bán khí thải. Việc đánh thuế Carbon đặt mục tiêu thay đổi các lựa chọn liên quan tới năng lượng, từ lựa chọn cá nhân về sử dụng các thiết bị sử dụng điện năng, năng lượng đến lựa chọn của các doanh nghiệp trong việc thiết kế các sản phẩm mới, đầu tư vốn và lựa chọn của Chính phủ trong việc hoạch định chính sách và quy hoạch tài nguyên.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường năng lực quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách về BĐKH; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, chính trị xã hội, nghề nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trong ứng phó với BĐKH; thí điểm mô hình cộng đồng thích ứng với BĐKH, nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách, đánh giá tác động, xác định các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Đồng thời tranh thủ sự hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế về BĐKH; huy động các nguồn lực và tài chính ứng phó với BĐKH.
MINH HẢI