
Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn của khá nhiều bộ phim về chiến tranh thành công, như: “Đường thư”, “Những người viết huyền thoại”.... Anh làm phim với tâm thế của người trẻ nhìn về cuộc chiến của cha ông, bằng con mắt nhân văn và mỹ học. Vừa hoàn thành bộ phim truyền hình 25 tập (sẽ phát sóng trên VTV 1 vào ngày 24-4 tới), “Đường lên Điện Biên” được kỳ vọng sẽ tái hiện phần nào khúc tráng ca của dân tộc ta cách đây 60 năm. Dịp này, PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.
Bùi Tuấn Dũng
- Phóng viên: Nói về phim chiến tranh, người xem dễ liên tưởng đến cảnh khói lửa, súng đạn. Liệu điều này có đúng với “Đường lên Điện Biên”?
>> Đạo diễn BÙI TUẤN DŨNG: Phim không phải là sự sao chép hiện thực. Tôi không thích phim chỉ nói hiện thực. Nếu phim chỉ phản ánh hiện thực thì quá dễ dãi. Phim là sự cầu kỳ hóa hiện thực, nhìn hiện thực qua cái nhìn mỹ học, mang tính nhân văn. Đường lên Điện Biên (ảnh lớn) không nhiều bối cảnh bom đạn. Chỉ là câu chuyện tình bạn, tình yêu trên nền chiến tranh. Phim nói về tiểu đoàn chủ lực bộ binh và một đoàn dân công hỏa tuyến. Khác với những phim điện ảnh, làm điện ảnh phải tập trung vào sự thu hút, vào một vấn đề; còn phim truyền hình phải có sự mâu thuẫn, có chi tiết lắt léo để hấp dẫn khán giả.
Tôi nghĩ, phim này sẽ được sự quan tâm của những nhân chứng lịch sử, những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến. Những chi tiết đưa vào phim đều có thật và tôi tin rằng những bậc cha chú của chúng tôi thời đó xem sẽ thấy thấm thía. Điển hình là cảnh ăn cơm đựng bằng gáo dừa, ống bương được dùng để đựng canh. Hay chi tiết tôi đưa vào phim như cô dân công hỏa tuyến để dành mấy con cá khô không ăn để đến sinh nhật tuổi 20 của mình, hàng ngày chỉ ăn cơm chấm muối… Phim không nhằm đề cao điều gì ngoài chính con người.
- Hình tượng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim này sẽ được xây dựng như thế nào, thưa anh?
Trong kịch bản có đề cập đến diễn biến chính của Chiến dịch Điện Biên Phủ nên phải nói đến người chỉ huy cao nhất. Tuy nhiên, tôi cũng không tham vọng tái hiện hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi với sức ảnh hưởng lớn lao của Đại tướng, tôi cần cả 1 năm để chọn diễn viên, hướng dẫn diễn viên diễn xuất ra cái thần của nhân vật. Vì vậy tôi chọn giải pháp sử dụng cả tư liệu và cảnh quay thật trong phim này.
- Thế hệ lớn tuổi, đã sống qua thời kỳ chiến tranh có thể muốn xem phim này của anh để hồi tưởng quá khứ. Với khán giả trẻ, anh có tin phim “Đường lên Điện Biên” sẽ thu hút được họ?
Tôi không đặt cho mình gánh nặng thu hút đối tượng khán giả nào, mà kể câu chuyện phim bằng năng lực, kinh nghiệm làm phim chiến tranh và sự hiểu biết của chính mình. Tôi vẫn giữ lập trường ấy, vì đã được chứng minh bằng thành công của các bộ phim, như Đường thư, Những người viết huyền thoại. Tuy nhiên, trong Đường lên Điện Biên, tôi tập trung tái hiện nhân vật thời kỳ ấy với cách sống, cách cư xử, ý chí... mà khán giả trẻ bây giờ cần soi vào để học. Nếu như đạo diễn làm phim đạt được ở một tầm nào đó, để thu hút được khán giả thì dù là khán giả trẻ hay già đều thích cả thôi.

- Kỹ xảo cũng là một trong những thế mạnh được anh sử dụng trong phim này?
Nếu phim Đường lên Điện Biên được đặt hàng từ 3 năm trước, tôi cũng không thể làm được. Hiện nay, kỹ thuật mới, máy móc hiện đại mới giúp làm được bộ phim này. Phim được sử dụng rất nhiều kỹ xảo, phải tái hiện lại mọi thứ. Cả một cánh rừng gai góc với dây leo chằng chịt. Riêng các cảnh quay có máy bay, phần lớn được tạo hình bằng máy tính.
Trong phim, phần âm thanh cũng rất ấn tượng, khi đoàn phim đã cất công cử người vào Thanh Hóa, Nghệ An, gặp lại những dân công ngày trước để thu âm lại những câu hò mà họ đã hát trong thời bom đạn đó. Và sau đó, đạo diễn đã nhờ sự hỗ trợ của nhạc sĩ Hoàng Lương để tạo nên những bản sắc âm hưởng đặc trưng làn điệu hò của Thanh Hóa, điệu hò xứ Nghệ… vào trong bộ phim.
- Kinh phí dành cho phim truyền thống thường cao hơn các phim khác có tạo cơ sở thành công cho “Đường lên Điện Biên”?
Tôi không chăm chăm ý định làm phim tuyên truyền mà làm cái mình muốn. Tuyên truyền ở cấp độ cao cũng là sản phẩm nghệ thuật. Tôi chỉ làm phim với tâm thế là người trẻ kể câu chuyện về thời mình chưa sinh ra. Lấy cảm xúc từ nhân vật, người đạo diễn cũng phải đứng vào vị trí của nhân vật để thể hiện ra phim chứ phim không phải là cảm xúc của nhà sản xuất hay đạo diễn. Làm phim từ sự hiểu biết của bản thân, tôi có đủ mọi lý luận về nghệ thuật, đủ tư liệu về cuộc chiến mà mình làm. Có thể chi tiết này sai, chi tiết kia đúng. Mình không làm phim theo kiểu “sạch sẽ” nhưng nhàm chán được. Quan trọng là cách nhìn của đạo diễn.
Chúng tôi không dám so sánh với những phim đặt hàng bằng kinh phí khổng lồ, nhưng so với phim truyền hình, đây là một phim được đầu tư tốt. Nhà sản xuất đã đáp ứng mọi yêu cầu của tôi, dù thời gian sản xuất gấp nhưng chúng tôi cũng luôn cố gắng để đạt những hiệu quả cần thiết về độ hoành tráng, tính quy mô mà bộ phim đề cập.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
MAI AN (thực hiện)