Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một thách thức

- Phóng viên:
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một thách thức

Thầu Chín ở Xiêm là bộ phim do Bộ VH-TT-DL đặt hàng, tái hiện thời gian hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Thái Lan năm 1928 - 1929, khoảng thời gian gần nhất trước sự kiện thành lập Đảng ngày 3-2-1930. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, người được biết đến với vai trò đạo diễn của nhiều phim về chiến tranh như Đường thư, Những người viết huyền thoại, Đường lên Điện Biên... đã trao đổi với Báo SGGP trong dịp phim trình chiếu ra mắt.

Một cảnh trong phim Thầu Chín ở Xiêm

- Phóng viên: Đề tài về Bác Hồ không dễ làm khi đã có nhiều đạo diễn thành công. Thêm nữa, thời gian Bác ở Thái Lan không dài, so với những địa điểm khác Người đã bôn ba thì đây cũng không phải là nơi có nhiều sự kiện, tư liệu. Lý do nào để anh chọn làm đạo diễn phim Thầu Chín ở Xiêm?

>> Đạo diễn BÙI TUẤN DŨNG: Đây là kịch bản của tác giả Đinh Thiên Phúc giành giải nhất trong cuộc thi sáng tác để hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tôi được Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam chọn làm đạo diễn. Làm phim về một vị lãnh tụ mà tôi luôn kính trọng, là niềm tự hào của tôi. Đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một thách thức với bất kỳ đạo diễn nào, nhất là đạo diễn trẻ như tôi, nhưng bù lại, tôi lại được nhiều đạo diễn lớn tuổi, giàu kinh nghiệm và có uy tín giúp đỡ như NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần...

- Từ trước đến nay việc chọn diễn viên vào vai Nguyễn Ái Quốc luôn là một trong những áp lực lớn đối với các đạo diễn. Trong phim lần này, người được chọn vào vai Thầu Chín - tên của Bác Hồ hồi ở Thái Lan lại là một diễn viên rất trẻ?

Tôi không chọn diễn viên vì sự tương đồng hình thức với nhân vật, vì đoàn làm phim nào cũng đã có người hóa trang, mà điều quan trọng là diễn viên phải hiểu được Bác Hồ là ai, nắm bắt được phong cách của nhân vật, từ  cách đi, đứng, ăn nói, suy nghĩ… để nhập vai hoàn toàn, mới có thể bộc lộ được tâm tư, tình cảm của vai diễn. Trong phim Thầu Chín ở Xiêm tôi chọn Mạnh Trường vì cậu ấy có đôi mắt sáng, giàu biểu cảm, bởi thần thái phải được toát ra từ đôi mắt. Khác với nhiều phim tôi đã làm trước đây vai Thầu Chín tôi không tổ chức casting - tuyển diễn viên mà tôi chủ đích chọn người. Tôi và diễn viên Mạnh Trường đã có một thời gian dài làm việc với nhau khi cậu ấy tham gia đóng phim Đường lên Điện Biên. Khi chọn Mạnh Trường, tôi đã phải trò chuyện với cậu ấy cả năm để thuyết phục, động viên. Diễn viên Mạnh Trường cũng tỏ ý lo ngại vì đây không phải là một vai diễn dễ dàng, thêm nữa cậu ấy lại thấy mình không giống nhân vật, nhưng ở vị trí của người đạo diễn, tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu, được tiếp xúc với nhiều tư liệu và ảnh về Bác vì thế tôi tin người tôi cần tìm chính là Mạnh Trường. Tôi muốn bộ phim khác những đạo diễn trước làm.

- Anh từng chia sẻ rằng làm bộ phim này anh tuân thủ hoàn toàn theo kịch bản. Các chi tiết, câu chuyện ở trong phim cũng được xây dựng trung thành với thực tế, liệu như vậy có khiến phim trở nên khô cứng?

Phim có cốt truyện trung thành gần như tuyệt đối với lịch sử. Hầu hết các chi tiết trong phim đều là những chi tiết có thật. Để đầu tư cho Thầu Chín ở Xiêm, ê kíp làm phim đã trải qua chuyến đi thực tế hàng tháng trời ở Thái Lan để nghiên cứu sao cho mô phỏng lại đúng hiện thực lịch sử. Không chỉ về mặt tư liệu lịch sử, đoàn làm phim còn phải đầu tư cho các cảnh quay, phục dựng lại một cảng biển của Bangkok nay đã biến thành khách sạn và sân bay Udon... Các chi tiết trong phim đều có thật. Các nhân vật quan trọng trong phim cũng đều theo nguyên mẫu ngoài đời, có lai lịch cụ thể, như nhà hoạt động cách mạng Đặng Thúc Hứa, vợ chồng bà Đặng Quỳnh Anh (o Nho). Thậm chí, chúng tôi phải tìm hiểu ông Toàn quyền Pháp ở Đông Dương người gốc ở đâu, để phát âm đúng giọng vùng đó. Cách nói tiếng Anh, Pháp cũng phù hợp với đầu thế kỷ 20 ở Thái Lan...

- Các đạo diễn khi làm phim luôn mong muốn được đưa đứa con tinh thần của mình đến với đông đảo người xem. Với anh, khi làm phim này anh có nghĩ tới việc đưa ra ngoài rạp?

Tôi chỉ là đạo diễn, và đây là bộ phim làm theo đặt hàng của Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL. Việc đưa phim ra rạp hay không là do đơn vị này quyết định. Các đạo diễn đều muốn tác phẩm của mình thử sức ở rạp. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rất rõ rằng phim đặt hàng cách tiếp cận khán giả rất khác. Mỗi thể loại phim có đối tượng khán giả khác nhau và không thể so sánh được.

- Cảm ơn anh!

MAI AN

Tin cùng chuyên mục