Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Làm việc nghiêm túc sẽ có thành quả xứng đáng

Sau một thời gian dài im ắng, sự xuất hiện gần như cùng lúc của Đập cánh giữa không trung, Hoa vàng trên cỏ xanh, Người trở về... với sự bùng nổ tại các phòng chiếu đã khiến khán giả có những cái nhìn rất khác đối với phim Việt, đặc biệt là thế hệ đạo diễn trẻ. Với họ, làm phim không chỉ để thỏa mãn đam mê được làm nghệ thuật mà còn là khát khao được khẳng định. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền (phim Người trở về).
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Làm việc nghiêm túc sẽ có thành quả xứng đáng

Sau một thời gian dài im ắng, sự xuất hiện gần như cùng lúc của Đập cánh giữa không trung, Hoa vàng trên cỏ xanh, Người trở về... với sự bùng nổ tại các phòng chiếu đã khiến khán giả có những cái nhìn rất khác đối với phim Việt, đặc biệt là thế hệ đạo diễn trẻ. Với họ, làm phim không chỉ để thỏa mãn đam mê được làm nghệ thuật mà còn là khát khao được khẳng định. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền (phim Người trở về).

Đạo diễn Đặng Thái Huyền

Phóng viên: Lịch sử, chiến tranh lâu nay vẫn luôn bị coi là đề tài khó nhằn đối với các đạo diễn Việt nhưng dường như đây lại là sở trường của chị?

Đạo diễn ĐẶNG THÁI HUYỀN: Tôi không cho đó là sở trường mà thực chất khởi đầu, đó là dòng phim đặc thù khi tôi làm việc ở Điện ảnh Quân đội - nơi chuyên sản xuất phim phục vụ công tác Đảng, công tác chính trị. Vì thế việc tiếp nhận đề tài này trước hết là một nhiệm vụ. Thêm nữa, dòng phim lịch sử cách mạng, chiến tranh là thế mạnh của Điện ảnh Quân đội, tôi may mắn trưởng thành, rèn luyện trong môi trường đó nên mọi người luôn nghĩ đó là thế mạnh, là sở trường của tôi.

Để có được thành công, ít nhiều chị cũng phải tìm thấy điều gì thú vị trong công việc?

Tôi thấy mình khám phá được một mảnh đất hết sức đắc địa cho tôi dụng võ. Tôi muốn thể hiện dòng phim này dưới lăng kính và góc nhìn của tôi - đại diện cho thế hệ ngày hôm nay cảm nhận về cuộc chiến mà đặc biệt là cảm nhận về nỗi đau thân phận sau khi cuộc chiến đã đi qua. Có thể là mỗi thời kỳ, mỗi thế hệ sẽ có cách kể và cách cảm khác nhau nhưng điều quan trọng là tác phẩm đó phải tạo được cảm xúc, chạm được vào trái tim khán giả. Đó thực sự là một thách thức rất lớn đối với người làm nghề và tôi muốn chinh phục được điều đó.

Có tin rằng, sau thành công với phim Người trở về, chị và nhà quay phim Trịnh Quang Tùng sẽ cùng nhau làm phim về đề tài hậu chiến. Liệu kế hoạch này có quá mạo hiểm?

Còn hơi sớm để nói về điều này, nhưng tôi có thể khẳng định: anh Trịnh Quang Tùng luôn là người đầu tiên mà tôi nghĩ đến khi chuẩn bị thực hiện một dự án phim quan trọng. Chúng tôi ngoài là đồng nghiệp còn là những người anh em thân thiết và có chung về cách nhìn, thẩm mỹ nghệ thuật, tư duy sống. Vì vậy khi cộng tác với nhau, chúng tôi gần như không gặp bất kỳ sự bất đồng nào mà ngược lại đây là sự khởi đầu thuận lợi để cùng nhau xây dựng một bộ phim có chất lượng nghệ thuật.

Nhiều người cho rằng, chị và nhà quay phim Trịnh Quang Tùng cộng tác với nhau nhiều, phim sẽ trùng lặp về cách thể hiện, không có được sự sáng tạo đột phá hoặc cũng có ý kiến, khi quay phim, đạo diễn quá giống nhau về tư duy nghệ thuật, thẩm mỹ, vô hình trung sẽ không có sự phá cách?

Như tôi đã nói ở trên, tôi và anh Tùng thường chỉ cộng tác với nhau trong những dự án quan trọng, với dòng phim mà cả hai cùng yêu thích. Chúng tôi khát vọng tạo nên những bộ phim mang phong cách, mang màu sắc riêng biệt. Đầu tiên hãy là chính mình, là cách nhìn nhận của mình, không bị gò ép, hoặc bắt chước một ai đó. Có được dấu ấn riêng, trên nền tảng đó hãy tính đến việc vùng vẫy, phá cách hay tung hoành chiêu trò gì đó. Và tôi hy vọng, tác phẩm phía trước sẽ là câu trả lời rõ nhất về sự hợp tác này.

Có ý kiến nêu, điện ảnh là để thỏa mãn ước mơ của người làm nghề, còn phim truyền hình chính là “lương thực” của đạo diễn. Chị suy nghĩ gì về điều này? Liệu làm phim truyền hình có ảnh hưởng tới phim điện ảnh?

Có thể với ai đó là đúng nhưng với tôi là không. Một năm tôi chỉ làm một hoặc nhiều lắm là hai bộ phim truyền hình với điều kiện là kịch bản phải thật sự hay, thuyết phục được tôi. Phim truyền hình đem lại cho tôi sự trải nghiệm, sự tư duy đầy đặn, dài hơi hơn về cuộc sống, về số phận, về các mối quan hệ xã hội. Điều đó giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc xây dựng tâm lý nhân vật trong phim điện ảnh. Với tôi đó là sự tương hỗ hết sức tích cực.

Sự xuất hiện của đoàn làm phim Hollywood vừa qua tại Việt Nam một lần nữa cho thấy sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ của điện ảnh đối với xã hội. Song dường như thế mạnh ấy vẫn chưa được các nhà làm phim Việt Nam tận dụng. Đâu là nguyên nhân chính của các rào cản ấy?

Đây là câu hỏi khá rộng và phù hợp hơn nếu dành cho một nhà quản lý văn hóa. Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng khá khập khễnh khi so sánh cách làm phim của chúng ta với một nền điện ảnh hàng đầu thế giới như Hollywood. Chừng nào chúng ta vẫn phải đi ăn đong bối cảnh, trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền sở tại, đạo cụ phục trang phải đi mượn hoặc diễn viên có gì dùng nấy, tới bối cảnh có gì mượn nấy, tối giản đi thuê, làm mới thì thật khó để nói được điều gì.

Khát vọng làm được một bộ phim chạm được vào trái tim khán giả nhưng lại khá bi quan khi nói về những thực tế của nền điện ảnh nước nhà. Chị có mâu thuẫn không và chị có thể chia sẻ về một vài dự định trong thời gian tới?

Tôi chia sẻ vì muốn mọi người nhìn trực diện vào vấn đề mà những người làm nghề như chúng tôi đang phải đối mặt. Tôi không phải tuýp người ngồi đó và than thở. Tôi quan niệm mình cứ làm việc một cách nghiêm túc rồi sẽ có được thành quả xứng đáng. Tôi luôn ấp ủ được thực hiện một bộ phim lịch sử cách mạng mà khi công chiếu sẽ chạm được vào trái tim khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ - những người cần phải biết và hiểu rõ về lịch sử dân tộc. Và tôi đang bắt tay để hiện thực hóa những mong muốn của mình.

VĨNH XUÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục