Từ miền Trung xa xôi, một thân một mình với gia tài vỏn vẹn chỉ có 60.000 đồng Hoàng Duẩn (ảnh) “nhảy tàu” vào TPHCM tìm cơ hội học tập và lập nghiệp. Và rồi, đất lành TPHCM đã tạo điều kiện cho Hoàng Duẩn học hành, vun đắp, biến ước mơ thành sự thật. Trong cuộc trò chuyện với PV Báo SGGP, anh cho biết mình vẫn đang ấp ủ nhiều dự án trong tương lai....
° PV: Sau nhiều năm gắn bó với hoạt động sân khấu – làm diễn viên, viết kịch bản, dàn dựng vở diễn, chương trình… anh tự nhận thấy mình thế nào?
° Đạo diễn HOÀNG DUẨN: Tôi là người đam mê công việc, có thể nói là “tham công tiếc việc”, luôn làm việc chăm chỉ như một con ong đi tìm mật. Cho dù làm bất cứ việc gì tôi cũng hết lòng hết sức, không làm qua loa, đã làm là phải làm cho tới, khi nhận công việc thì phải làm cho ra làm, còn nếu thấy công việc đó không hợp thì không nhận lời. Tôi còn là người đam mê việc học tập. Sau khi hoàn thành lớp đào tạo tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM), Trường Cao đẳng Văn hóa TPHCM, tôi luôn nỗ lực vừa làm vừa học và hiện đang theo học cao học tại Trường Đại học Văn hóa TPHCM. Tôi học ở trường lớp, thầy cô, những người đi trước, học ở bạn bè, học trò của mình, học ở sách vở, báo chí….
° Gần đây anh đảm nhận công việc đạo diễn cho chương trình “Bác Ba Phì thời @” phát sóng trên HTV9 – Đài Truyền hình TPHCM với nhiều câu chuyện, vấn đề thời sự được xã hội quan tâm, vậy khi bắt tay dàn dựng cho chương trình này, vậy điều mà anh mong muốn gởi đến khán giả là gì?
° Mỗi người có quan niệm riêng về nghệ thuật, riêng tôi cho rằng nghệ thuật phải vì cuộc sống, nghệ thuật góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, chứ không chỉ đơn giản chỉ mua vui là xong. Bác Ba Phì thời @ cũng là chương trình truyền hình được làm trên quan niệm đó. Xã hội hiện thời có rất nhiều việc cần sự chung tay góp sức của mọi người, thông qua chương trình tôi muốn gửi gắm đến khán giả rằng, trước những bức xúc của xã hội chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật không trốn tránh, nhìn thẳng thực trạng, lý giải nguyên nhân, hậu quả để sau đó tìm ra những giải pháp tốt hơn, chứ không bôi đen câu chuyện.
° Trước đây, có một dạo, anh được dịp đi nhiều nước, tham dự nhiều liên hoan, hội thảo về sân khấu, chắc hẳn anh cũng rút tỉa được nhiều kinh nghiệm và vận dụng vào công việc của mình?
° Sân khấu nước nào cũng có những cái hay của nó và mỗi một lần đi ra nước ngoài tôi lại được học hỏi. Khi dự những liên hoan sân khấu quốc tế, làm dự án sân khấu quốc tế tôi học được rất nhiều điều. Từ cách thức dàn dựng, hình thức thực hiện, cách tổ chức biểu diễn và tiếp cận khán giả, cách làm dự án để tìm được tài trợ và tôi cũng đã áp dụng nhiều những kinh nghiệm đó trong công việc của mình như đã dàn dựng vở rối đen đầu tiên tại Việt Nam, đưa hip hop với cải lương, ở các vở diễn sân khấu tôi cũng áp dụng nhiều kỹ thuật khác vào như điện ảnh chẳng hạn. Tuy còn có những ý kiến khác nhau nhưng tôi vẫn thích vì đã làm thì phải có sự khác biệt. Điều quan trọng tôi học được là nghệ sĩ các nước họ làm nhiều việc mang ý nghĩa với cộng đồng như việc làm từ thiện, những dự án “sân khấu cộng đồng”, “điện ảnh cộng đồng”…
|
Ngoài việc diễn ở nhà hát họ sẵn sàng đi đến những cộng đồng vùng sâu, vùng xa để biểu diễn cho công chúng, cho trẻ em, thanh niên không có điều kiện xem sân khấu và đây là một trong những định hướng mà tôi sẽ đi theo.
° Đi nhiều, trải nghiệm nhiều, làm việc nhiều, vậy điều gì anh cảm thấy còn trăn trở với sân khấu hiện nay?
° Sân khấu chuyên nghiệp của chúng ta hiện nay chỉ gọi là mình tự bơi trong ao nhà và chúng ta tự khen nhau chứ trên bản đồ sân khấu quốc tế chưa có tên sân khấu kịch Việt Nam. Năm 2008, khi thực hiện dự án Sân khấu Tiếng nói trẻ thơ cho Nhà hát Kịch TPHCM tôi đã đến văn phòng Hiệp hội Sân khấu quốc tế tại Thụy Điển (ITI) tài trợ, tôi vào thư viện để tìm hồ sơ về sân khấu Việt Nam nhưng không thấy, thú thật là có rất nhiều quốc gia có hồ sơ ở đó nhưng không thấy sân khấu nước mình lòng buồn lắm, khi hỏi thì họ nói là hy vọng sau dự án Sân khấu Tiếng nói Trẻ thơ thì sẽ có hồ sơ sân khấu Việt Nam ở đây.
Mảng sân khấu cộng đồng hiện nay còn “trống trải” quá, lâu lâu mới có một vài chương trình. Việc đào tạo khán giả cho sân khấu truyền thống và sân khấu nói chung hoàn toàn chưa có. Sân khấu dành cho thiếu nhi cũng hoàn toàn tự phát. Khán giả đến với sân khấu kịch ngày càng ít đi, sân khấu truyền thống gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả ở TPHCM – nơi sân khấu sôi động nhất nước cũng chưa có một sân khấu đúng chuẩn để diễn. Tôi hy vọng khi nền kinh tế đất nước phát triển, chúng ta sẽ xây dựng nhà hát, sẽ đầu tư nhiều hơn cho văn hóa nghệ thuật…
° Cảm ơn và chúc anh sớm thành công với ước mong của mình!
ĐỖ HẠNH (thực hiện)