NSND - đạo diễn Khải Hưng từng có những tác phẩm được khán giả yêu thích và lưu giữ trong ký ức như Mẹ chồng tôi, Người tình của cha, Những người sống quanh tôi... Sau một thời gian vắng bóng, ông đã trở lại với bộ phim dài tập Hợp đồng hôn nhân. Rất nhiều day dứt, trăn trở về việc sản xuất dòng phim này đã được NSND Khải Hưng bộc bạch, chia sẻ với Phóng viên Báo SGGP.
Phóng viên: Ông từng chia sẻ rằng có quá nhiều phim dành cho giới trẻ trong khi người trẻ lại ít xem truyền hình. Theo ông, có cần phải xem xét để cân đối lại tỷ lệ sản xuất phim cho phù hợp với nhu cầu đích thực của người xem truyền hình?
NSND - đạo diễn Khải Hưng: Bạn cứ thử mở tivi thì sẽ thấy, phim cho các bạn trẻ nhiều quá như Tuổi thanh xuân, Khúc hát mặt trời; Zippo, mù tạt và em... trong khi đối tượng khán giả này lại không xem tivi. Tôi mong muốn có nhiều phim gần gũi với đời sống xã hội, những cảnh sinh hoạt, các mối quan hệ bình thường trong đời sống chứ không chỉ hào nhoáng với nhà lầu xe hơi... Tôi không phản đối việc làm phim cho các bạn trẻ nhưng với những người lớn tuổi hơn, những khán giả bình dân hơn, người xem thấy phim gần gũi với cuộc sống đời thường, thấy có mình ở trong đó thì họ sẽ dễ đồng cảm hơn, cần phải có sự cân bằng giữa các đối tượng.
Liệu có phải chính sức ép về việc bán quảng cáo đã khiến các bộ phim truyền hình hướng tới những hình ảnh lung linh, đẹp đẽ với nhiều diễn viên ngôi sao?
Nhiều người nghĩ rằng chỉ có những phim hào nhoáng với nhà lầu, xe hơi, trai xinh, gái đẹp thì mới có thể bán được quảng cáo, nhưng tôi không nghĩ vậy. Chính người đứng tuổi, làm chủ về kinh tế mới là người đưa ra quyết định sử dụng sản phẩm gì, như thế nào... Và đó mới là đối tượng các nhà sản xuất cần hướng tới.
Trong những năm qua, phim truyền hình Việt Nam đã có những bước chuyển đáng kể, đặc biệt là về số lượng, song dường như công nghệ lồng tiếng ở thời điểm này vẫn là một vấn đề nan giải?
Phải thừa nhận rằng làm phim ở Việt Nam còn hết sức nghiệp dư. Tôi đã từng đi tham quan, học hỏi mô hình làm phim ở nhiều nước trên thế giới và mỗi chuyến đi như vậy chúng tôi lại thấy những nhà làm phim trong nước dũng cảm vô cùng. Với điều kiện làm phim nghèo nàn, máy móc lạc hậu như vậy mà vẫn có thể làm phim, thậm chí số lượng phim ngày một nhiều hơn.
Hiện tại hầu như không còn nước nào trên thế giới làm phim mà vẫn phải lồng tiếng như ở Việt Nam. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có phim trường để quay và thu tiếng đồng bộ. Câu chuyện về phim trường tôi đã từng đề cập đến từ 30 năm trước và đến nay Việt Nam vẫn chưa có phim trường thực thụ. Với những phim được coi là thu tiếng trực tiếp thì diễn viên cũng đơn thuần là gắn một vài chiếc micro lên trang phục để thu giọng nói, còn âm thanh sinh động của cuộc sống xung quanh vẫn chưa thể thâu nhận được. Mặc dù biết rằng việc lồng tiếng cũng là nguyên nhân khiến khán giả cảm thấy nhàm chán nhưng chưa có giải pháp nào cho việc này. Khi làm xong một bộ phim, nhất thiết phải có khâu lồng tiếng.
Với phim Hợp đồng hôn nhân, tôi phải cất công tuyển chọn đội ngũ lồng tiếng sao cho phù hợp nhất với nhân vật. Điều này cũng không phải là dễ bởi lẽ ở miền Bắc hiện nay mới có 5 nhóm lồng tiếng với 40 diễn viên tham gia lồng tiếng cho tất cả các bộ phim Việt Nam. Như vậy dễ làm cho phim Việt nhàm chán bởi nghe tiếng nhân vật cứ quen quen.
Tôi chọn diễn viên phù hợp với nhân vật, chứ không vịn vào “ngôi sao” để gây chú ý. Cũng như có bạn hỏi tại sao tôi lại không chọn Đan Lê - con dâu mình vào vai nữ chính trong phim?
Tôi không ngại chuyện tranh luận giữa bố chồng - nàng dâu trên phim trường nhưng đơn giản bởi vì Đan Lê không được đào tạo để làm diễn viên, mà học trường báo chí. Đan Lê chỉ hợp ở một số dạng vai, chứ không thể biến hóa đa dạng như những diễn viên chuyên nghiệp. Tôi chọn diễn viên Bảo Thanh vào vai chính trong bộ phim truyền hình dài tập của tôi cũng bởi chính khả năng diễn xuất biến hóa của cô ấy. Bảo Thanh không phải lựa chọn đầu tiên cho vai nữ chính, nhưng cuối cùng lại được chọn không thông qua tuyển chọn mà chỉ qua trò chuyện. Tôi và nữ diễn viên cá tính này nhiều lần tranh cãi về nhân vật, nhưng cô ấy cũng chính là người có nhiều phân đoạn khiến đạo diễn xúc động.
Là một đạo diễn chuyên tạo ra các ngôi sao, có bao giờ ông nhận được những lời đề nghị về việc “mua” vai diễn?
Tôi già rồi, khó “mua” lắm! Nhưng những lời đề nghị để được thử vai tôi nhận được rất nhiều và đó cũng là chuyện bình thường. Tôi luôn sẵn lòng tạo cơ hội cho những người có mong muốn, yêu thích và có khả năng diễn xuất. Tôi luôn thích những gương mặt mới mẻ, lối diễn xuất mới mẻ...
Tái xuất với phim truyền hình dài tập Hợp đồng hôn nhân, ông có lo ngại về sức hấp dẫn đối với khán giả khi đề tài này dường như không còn mới?
Với cốt truyện tưởng như đã cũ song với mỗi người khác nhau đều có cách khai thác vấn đề không giống nhau và tôi tin rằng sẽ đem đến cho khán giả nhiều điều mới mẻ, cũng như những trải nghiệm, chiêm nghiệm của bản thân cho sự trở lại này.
MAI AN (thực hiện)