Đạo diễn Mai Lộc - Nhà khai sáng điện ảnh cách mạng miền Nam

ảnh
Đạo diễn Mai Lộc - Nhà khai sáng điện ảnh cách mạng miền Nam

Đạo diễn Mai Lộc (ảnh) là một trong những nhà khai sáng nền điện ảnh cách mạng miền Nam và Việt Nam. Ông vĩnh biệt chúng ta vào ngày 17-12, ngay trong đêm bế mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.

1. Lần đầu gặp anh, nhìn màu da đen đậm, đôi mày rậm, nụ cười hóm hỉnh, mắt sáng lấp lóa những tia lửa nhiệt tình, thúc giục tôi tranh luận đủ chuyện trên đời, đôi lúc tôi có thể cãi lớn tiếng như tôi với anh là bạn vong niên cùng nghề bình đẳng.

Tôi được biết, lý do chủ yếu dắt anh vào điện ảnh nhờ ông anh bà con, có tiệm chụp hình ở Sài Gòn. Anh học nghề chụp hình ở đó. Thế rồi anh quen thân, kết bạn với Khương Mễ, Văn Sỹ, Amtonine Giàu, những nhà điện ảnh tiên phong Sài Gòn.

Toàn quốc kháng chiến anh thoát ly ra bưng biền, tham gia Vệ quốc đoàn. Anh em trong tiểu đoàn biết anh có nghề chụp hình nên khuyên anh viết thư về Sài Gòn xin máy quay phim, thuốc in tráng phim. Sau đó, Khương Mễ cũng thoát ly ra bưng biền Đồng Tháp Mười. Anh với Khương Mễ đã thực hiện bộ phim tài liệu đầu tiên của cách mạng Nam bộ Chiến trận Mộc Hóa.

Đến tận bây giờ, xem đi xem lại nhiều lần, tôi vẫn kết luận đây vẫn là bộ phim tài liệu mẫu mực về chiến tranh hiếm có trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Không chỉ có những cảnh quay ngay giữa mặt trận đạn bom rền mà cả những nhân vật lịch sử nổi tiếng như Lê Duẩn, Dương Bạch Mai đều có mặt trong phim.

2. Anh Mai Lộc có thói quen dậy sớm. Rừng miền Đông se lạnh, nghe rõ tiếng sương rơi lộp độp ngoài bìa rừng, tiếng chim gõ kiến khi gần khi xa, thoảng khi nghe tiếng một quả bom trộm thình lình nổ giữa lưng chừng trời. Chờ tôi uống xong ly trà, anh mới nói những dự định, ý đồ sáng tác, những điều anh chợt nghĩ trong đêm. Sau đó anh phân tích tác phẩm từng anh em trong xưởng phim như Lâm Trân, Nguyễn Trí Việt, Việt Tân, Trần Nhu, Hồng Sến, Phạm Khắc, Lê Văn Duy. Nếu không có Mai Lộc, không có những đêm mất ngủ của anh trong rừng, chắc chắn sẽ không có những bộ phim tài liệu và cả phim truyện nổi tiếng sau này ở miền Nam.

Vai trò của nhà quản lý nghệ thuật như Mai Lộc là vô cùng quan trọng, vô cùng cần thiết. Nhớ khi chúng tôi hành quân ngang qua Đìa Gai, vượt qua những hố bom đìa. Chúng tôi cứ bươn bả bước nhanh vì ai nấy đều đang đói rã và hiểu rằng phía trước đó mới là nơi nghỉ quân. Chúng tôi đang đi trên vùng mà kẻ địch gọi là vùng tự do oanh kích. Bỗng anh Mai Lộc kéo tay tôi, chỉ sang hai bên đường, nơi có những thửa ruộng hoang cỏ dại mọc đầy, bay lên những sợi khói lam chiều. Từ đâu bỗng hiện ra đám trẻ con chạy ùa lên từ trong những căn nhà hầm giữa dãy chòi cây xơ rơ bên dưới những bụi tràm con tuốt lá. Những đứa trẻ con nheo nhóc, gầy guộc làm chúng tôi đau thắt ruột gan. Chúng tôi đang tiến về Sài Gòn. Những thước phim ít ỏi mang trên lưng là để dành cho ngày tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân nhưng ánh mắt anh Mai Lộc đã buộc tôi phải ghi hình. Chiều xuống nhanh. Nắng tắt. Những thước phim quay muộn màng, hối hả.

Trong chiến tranh, hễ nơi nào khó khăn nhất là anh có mặt anh. Có thể nói anh là người cực kỳ gan dạ gần như liều lĩnh. Mới về Nam, anh đã cùng Hồng Sến đi dọc các tỉnh ĐBSCL thực hiện bộ phim tài liệu dài Quyết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong các trận càn Cé dar Fall, Manhattan, anh dời cả đại bản doanh xuống tận vùng đất thép Củ Chi, vùng tam giác sắt, chỉ huy các đội làm phim. Trận càn Junction City anh là tổng chỉ đạo, Hồng Sến là tổng đạo diễn thực hiện bộ phim Chiến thắng Tây Ninh. Ngày hòa bình, anh quyết tâm, bền chí xây dựng hãng phim truyện và ngay lập tức trở thành hạt nhân khối đoàn kết ba nguồn nghệ sĩ điện ảnh quy tụ từ trong rừng về, từ miền Bắc vào và lực lượng sáng tác tại chỗ.

3. Tính anh Mai Lộc quyết đoán nhưng khi anh Mai Lộc đồng tình thuận ý với anh em sáng tác, anh lại xem đó là ý kiến, tác phẩm mà chính anh và cùng tác giả đấu tranh, bảo vệ tác phẩm đến cùng. Trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam, người như anh Mai Lộc thật hiếm. Có lần tôi đã phát biểu công khai: “Thời chúng tôi làm phim đâu có ai may mắn được mang phim ra miền Bắc dự thi Liên hoan phim Việt Nam, mà ngày hòa bình người ta xét danh hiệu nghệ sĩ điện ảnh lại căn cứ vào giải thưởng từ liên hoan phim?”. Nếu chỉ xét riêng về các tác phẩm điện ảnh, đạo diễn - NSND Hải Ninh vẫn khẳng định, anh Mai Lộc xứng đáng được phong tặng danh hiệu NSND đầu tiên trong cả nước. Tôi luôn luôn tin tưởng như vậy mỗi khi nghĩ và viết về những nhà điện ảnh tiên phong hàng đầu ở miền Nam như anh Mai Lộc, Khương Mễ, Nguyễn Hiền, Vũ Sơn, An Như Sơn và nhiều người khác nữa. Nhớ có lúc, anh Mai Lộc vui vẻ nói với tôi: “Cậu sẽ viết hồi ký giúp mình”. Hiện giờ có lẽ cũng chỉ còn có tôi là có thể viết một quyển sách dày về anh đó, anh Mai Lộc ơi!

Lê Văn Duy

Tin cùng chuyên mục