Đạo diễn - nghệ sĩ Lê Trung Thảo: Giữ mãi ngọn lửa đam mê

Đạo diễn - nghệ sĩ Lê Trung Thảo: Giữ mãi ngọn lửa đam mê

Là một trong những gương mặt trẻ đa năng, nhiệt huyết, chịu thương chịu khó bám trụ với nghệ thuật sân khấu, đạo diễn - nghệ sĩ Lê Trung Thảo còn được biết đến là một giảng viên vũ đạo sân khấu và kỹ thuật biểu diễn của Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM với 12 năm miệt mài theo đuổi con đường học vấn, liên tục bổ sung kiến thức sân khấu, văn hóa, nghệ thuật, đồng thời hết mình lăn xả với nghề ca diễn, biên đạo, đạo diễn…

* Phóng viên: Là một trong số ít đạo diễn - nghệ sĩ sân khấu trẻ sống được bằng nghề, bằng những kiến thức đã học, công việc của anh hẳn rất tất bật? 

- Đạo diễn - Nghệ sĩ Lê Trung Thảo: Tôi là người của công việc. Ngày nào ở không tôi cảm thấy rất buồn chán. Hiện nay, công việc chính của tôi là giảng viên thỉnh giảng hai môn vũ đạo sân khấu cải lương và kỹ thuật biểu diễn ở Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, cộng tác dạy vũ đạo tại các trường nghệ thuật ở tỉnh Tiền Giang, Bạc Liêu, Bình Dương; là đạo diễn - diễn viên của Đoàn 3 - Nhà hát Trần Hữu Trang… Thực tế, việc học múa đã hỗ trợ cho công tác dàn dựng sân khấu: giữ được chất truyền thống của vũ đạo sân khấu, đồng thời lồng vào đó là sức sống tươi mới của ngôn ngữ hình thể của nghệ thuật múa, giúp vũ đạo thêm đẹp và phù hợp với thời đại mới. Tất bật với nhiều việc, tôi cảm thấy mình rất may mắn là sống được bằng nghề giữa thời điểm tình hình sân khấu gặp quá nhiều khó khăn như hiện nay. 

Nghệ sĩ Lê Trung Thảo trong vai Tả quân Lê Văn Duyệt

* Dù có mười mấy năm theo đuổi nghệ thuật, nhưng dường như anh không có duyên với giải thưởng sân khấu. Điều đó có khiến anh nản lòng?

- Ngoài chiếc huy chương vàng tác phẩm múa Nợ núi sông tôi được trao tại Cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc 2013 và Liên hoan Nghệ thuật múa TPHCM mở rộng lần thứ tư năm 2013, ba lần tham gia giải Trần Hữu Trang là cả ba lần tôi rớt vì gặp những trục trặc ngoài ý muốn, khi thì do âm thanh, ánh sáng, lúc do bị phân tâm khi ca diễn... Đến khi được NSƯT Hoa Hạ trao cho vai chính Lê Văn Duyệt trong vở cải lương lịch sử Trung thần, tôi đã rất lo lắng. Tuy rằng rất thích vai diễn hay, ý nghĩa, nhưng tôi tâm sự với cô rằng sợ mình không làm nổi. Đạo diễn Hoa Hạ bảo ngay rằng: “Đây là vở diễn - nhân vật chất chứa nhiều tâm huyết của cô, được sáng tác để kỷ niệm 40 năm làm nghệ thuật. Cô thấy con đủ tiêu chuẩn và hợp với vai diễn này, vậy thì cứ cố gắng làm đi”. Vậy là tôi nhận vai bằng một tâm thái mừng vui và nhẹ nhàng hơn. Tôi đã nỗ lực hết mình để ca diễn tốt nhất có thể và đã hoàn thành một vai diễn gần như vắt kiệt sức tôi trên sân khấu. Vai diễn giúp tôi đạt được huy chương vàng tại Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Nhưng để có sự thành công của vai diễn này là còn nhờ vào sự hợp tác và hỗ trợ của tập thể các nghệ sĩ. Tuy đã cầm giải thưởng đầu tiên trong lĩnh vực sân khấu, nhưng với tôi, việc đoạt được các giải thưởng hay không không quan trọng, vì tự trong thâm tâm, tôi chỉ mong được sống, gắn bó với nghề, làm nghề cho thỏa đam mê, vậy là đủ.

* Gắn bó với công tác giảng dạy nghệ thuật sân khấu nhiều năm, anh trăn trở điều gì nhất?

- Tôi hơi buồn là ở trường, khâu tuyển đầu vào, các em còn thiếu và yếu về năng khiếu. Tôi thương các em vì các em giống tôi hồi đó. Tuy nhiên, tôi cũng là một người thầy hơi khó tính. Khi dạy học, tôi thường chia sẻ với các em rằng, chỉ có đam mê thôi thì chưa đủ, muốn theo đuổi điều gì đó thì bản thân mình phải có tố chất, có vốn, thực tài riêng mới được. Với một số em, sau một thời gian dạy học, tôi đã khuyên các em nên chuyển nghề, vì nghệ thuật luôn rất minh bạch, hay là hay, dở là dở, không phải vì mê nghề mà các em muốn làm gì thì làm trên sân khấu, cứ như thế thì hóa ra các em hại nghề chứ không phải thương nghề, mê nghề. Chẳng thà các em là khán giả trung thành, luôn ủng hộ sân khấu cải lương thì hơn.

* Là một nghệ sĩ trẻ, anh nghĩ gì về thế hệ kế thừa của sân khấu cải lương hôm nay? Anh tâm tư và mong mỏi điều gì cho nghề và cho bản thân mình?

- Đoàn Thắp sáng niềm tin (Đoàn 3 - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) sau thời gian hoạt động sôi nổi nhờ vào sự dẫn dắt, đầu tư của tác giả, soạn giả Hoàng Song Việt thì nay, khi anh Hoàng Song Việt về hưu, Đoàn 3 chỉ hoạt động trong chừng mực, anh em nghệ sĩ trẻ nhiều nhưng suất diễn thì ít ỏi quá. Cần phải có một nơi để tổ chức đầu tư dàn dựng những tác phẩm sân khấu chất lượng, có những vai diễn hay giúp nghệ sĩ trẻ có cơ hội sống hết mình trên sân khấu, được trải nghiệm và rèn luyện thường xuyên. Thế nhưng, cho đến nay, điều kiện để níu kéo các nghệ sĩ trẻ có tài năng thực sự, tích cực đóng góp cho sân khấu, trở thành lực lượng kế thừa mạnh mẽ là chưa thấy. Anh em nghệ sĩ cứ tản mát, mỗi người một nơi, mỗi người một việc, dẫn đến tình trạng lực lượng nghệ sĩ trẻ tưởng dư mà lại thiếu, tinh thần góp sức cho nghề, vì nghề cũng yếu đi.

Tôi cũng như nhiều nghệ sĩ trong giới, luôn mong muốn có một sân khấu dành riêng cho nghệ thuật cải lương. Sân khấu không cần quá lớn, nhưng vừa đủ để anh em nghệ sĩ có nơi hội tụ, cùng trao đổi, học hỏi chuyên môn, cùng làm nghề, góp sức phát huy những giá trị nghệ thuật đã được bao lớp nghệ sĩ tài danh gầy dựng từ trong quá khứ. Tôi muốn nơi ấy, khi khán giả bước vào, ai cũng bày tỏ sự trân trọng và lịch thiệp, được thể hiện bằng ý thức của người xem. Ví như khán giả, công chúng hiện nay khi đến với Nhà hát Thành phố, luôn ăn mặc chỉnh tề, trang trọng, thể hiện ý thức văn hóa từ trong trang phục, cách ứng xử. Riêng tôi chỉ mong bản thân có nhiều sức khỏe, được cọ xát nhiều với sàn diễn, có được những vai diễn hay, được làm việc, cộng tác với các thầy cô như cô Hoa Hạ, thầy Đắc Lộc, cô Diệu Đức, cô Thu Vân, thầy Xuân Hiểu… để rèn thêm kiến thức nghề, đúc tỉa được nhiều kinh nghiệm làm nghề.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục