Hơn 3 tháng lăn lộn cùng đoàn phim Huyền thoại 1C, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (ảnh) chia sẻ với PV Báo SGGP về những khó khăn khi thực hiện bộ phim này.
- Phóng viên: Lần đầu đạo diễn một phim chiến tranh lớn, cảm nhận của anh như thế nào?
Đạo diễn NGUYỄN THANH VÂN: Làm phim chiến tranh quả là vất vả và cực kỳ khó khăn. Huyền thoại 1C cũng không là ngoại lệ. Phim phản ánh những tấm gương dũng cảm, sự hy sinh to lớn cùng ý chí quật cường của đội ngũ TNXP chiến đấu trên tuyến đường 1C trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Vất vả, khó khăn của TNXP lúc ấy chính là việc phải chiến đấu, tải đạn, cứu thương trên vùng sông nước Nam bộ và cách vận chuyển phổ biến cho địa hình này chính là vận chuyển bằng xuồng, bằng xe trâu. Cả ê kíp đoàn phim hầu như ngày nào cũng dầm mưa, lội nước.
Đoàn phim cũng chủ động đón mùa nước nổi để ghi lại những hình ảnh thật nhất. Dầm mưa, ngâm nước nhiều nên anh em bị bệnh cũng nhiều. Tôi nghĩ, phim chỉ mới tái tạo lại sự kiện, hình ảnh mà đã vất vả, khó khăn vậy, thực tế hồi ấy chắc chắn còn vất vả, khốc liệt hơn. Cứ nghĩ thế, lại thấy mình phải nỗ lực, khó khăn cũng trở thành bình thường.
- Còn bối cảnh trong phim?
Bối cảnh phim trải dài từ Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Long An… Chúng tôi phải đóng 34 xuồng ba lá vì mỗi vùng lại có đặc điểm xuồng khác nhau. Chúng tôi thuê đàn trâu 30 con từ Campuchia sang. Đây là những con trâu có thể kéo trên mặt nước lệt xệt rất tốt, mà trâu của mình không làm được hoặc không đạt yêu cầu. Trên hiện trường lúc nào cũng có hàng chục đến hàng trăm diễn viên quần chúng. Ngày nào anh em phục trang cũng phải giặt một đống quần áo ướt nhẹp và dính đầy bùn, đất, sình lầy. Còn một số cảnh lớn có sự xuất hiện của trực thăng và xe tăng sẽ được ghi hình cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 11-2011.
- Anh có nghĩ Huyền thoại 1C sẽ tái hiện đầy đủ thời kỳ hào hùng ấy?
Các anh chị TNXP thời ấy tuổi đời chỉ từ 15 đến 20 tuổi. Họ còn rất trẻ, sẵn sàng tham gia cuộc chiến trên sông nước và chấp nhận, chịu đựng mọi cực khổ, vất vả trong điều kiện sống khó khăn. Đó là đời sống rất riêng biệt, rất cảm động và cũng rất đặc sắc. Nhiều khi thấy các diễn viên hóa thân vào nhân vật, tôi và anh em quay phim cũng ứa nước mắt. Tôi muốn nhiều người biết hơn về cuộc sống, về sự hy sinh ấy. So với tư liệu, hồi ký, mức độ hình ảnh phản ánh lại chỉ đạt chừng 60% - 70% sự thật. Hiện nay vì điều kiện làm phim ở ta còn hạn chế, vùng sông nước Nam bộ cũng đã thay đổi nhiều về cảnh quan, môi trường, con người nên phim đạt được 70% hiện thực là đã mừng.
- Dàn diễn viên trong phim có đạt yêu cầu?
Tôi nghĩ để khán giả xem phim rồi nhận xét là chính xác nhất. Các diễn viên chủ yếu đều là sinh viên Trường Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Trước khi đóng phim, họ đã có một tuần tập huấn bơi xuồng, bắn súng. Mọi người đều có thái độ làm việc rất nghiêm túc, nhiệt tình.
Như Hoa