Bộ phim Người giúp việc (Hãng Senafilm sản xuất) do đạo diễn - NSƯT Quốc Thành thực hiện, phát sóng trên kênh HTV9, Đài Truyền hình TPHCM đang thu hút đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ. Dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn - NSƯT Quốc Thành về bộ phim Người giúp việc.
* PHÓNG VIÊN: Người giúp việc đang góp phần “Tôn vinh những giá trị đích thực của một nhà giáo”, phải chăng vì mẹ của anh là một nhà giáo ưu tú… nên anh đã có nguồn cảm hứng thực hiện bộ phim này?
* Đạo diễn - NSƯT QUỐC THÀNH: Đề tài nhà giáo, mẹ là nhà giáo, bản thân tôi cũng đã giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM… Tất cả không chỉ là nguồn cảm hứng, mà còn là trách nhiệm của một nhà giáo nói chung. Tôn vinh những giá trị đích thực của nhà giáo - thông điệp này không giới hạn trong ngành giáo dục, mà còn dành cho tất cả mọi ngành, nghề trong xã hội. Từ những việc nhỏ nhất, cho đến những việc lớn nhất, chúng ta hãy làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đây cũng chính là nhân cách của các nhà giáo chân chính, ngoài việc truyền dạy kiến thức, cần giáo dục nhân cách con người, đó mới là giá trị đích thực. Với nguyên tắc “không thành công thì cũng phải thành nhân”, cô giáo Thục trong Người giúp việc là người đại diện cho những nhân cách đó. Sống có trách nhiệm, có trước - có sau, rất đôn hậu, hết lòng hy sinh vì chồng, vì con. Một khi đã nhận lời làm một việc gì đó là làm hết mình. Hiện nay, xã hội cũng luôn cần những mẫu người như vậy.
* Trong bộ phim Người giúp việc, sao anh lại táo bạo chọn các nghệ sĩ trên 50 tuổi đóng các vai chính chứ không phải là dàn diễn viên đẹp trai, đẹp gái thường thấy trong nhiều phim khác?
* Khi đọc kịch bản của nhà biên kịch Châu Thổ, tôi đã hình dung ngay đến nữ NSƯT Kim Xuân vào vai cô giáo Thục, bởi phong cách, ngoại hình, nhất là gương mặt; hay chọn NSƯT Thanh Vy vào vai bà nội. Họ quả là hoàn hảo. Tôi rất cảm ơn nhà biên kịch và nhà sản xuất Châu Thổ đã cùng tôi tuyển chọn các diễn viên rất đúng với những nhân vật trong kịch bản, chứ không phải chọn diễn viên “ăn khách”. Rõ ràng với tính cách của nhân vật, nhất thiết chúng tôi phải chọn những diễn viên vừa có vốn sống, vừa có kinh nghiệm, bề dày về nghề nghiệp mới có thể lột tả hết tính cách của nhân vật. Trong trường hợp này, tôi không nghĩ mình táo bạo, mà tự tin vì phía sau mình luôn có sự ủng hộ của nhà sản xuất.
* Trước khi là đạo diễn, anh là tay máy chuyên nghiệp đoạt được nhiều giải thưởng cao. Vậy trong Người giúp việc anh đã cân đối như thế nào giữa tư duy ngôn ngữ hình ảnh với nội dung phim?
* Khi thực hiện xong một bộ phim, tôi lại có thêm những kinh nghiệm để dàn dựng, xử lý các tình huống và diễn xuất của diễn viên cho gần gũi với cuộc sống, cùng những cảm xúc của họ được tiết chế hợp lý hơn. Trong phim Người giúp việc, tôi cố gắng tối đa để diễn viên diễn liên tục theo mạch cảm xúc. Để đáp ứng được cách thực hiện này người diễn viên phải nắm rõ kịch bản, tính cách nhân vật, nhất là lời thoại của mình cũng như bạn diễn. Với Người giúp việc, tôi luôn cố gắng thể hiện khuôn hình thật dung dị, đúng như câu chuyện của phim.
* Khi đứng ở vị trí đạo diễn, cái nhìn của anh với anh em đoàn làm phim thế nào, có khác gì khi ở vị trí quay phim?
* Ai đã từng làm phim đều có chung 1 cách nhìn. Mỗi bộ phận trong đoàn đều có mối quan hệ mật thiết với nhau, ai cũng là thành phần quan trọng, dù đó là phim điện ảnh, hay truyền hình… Tất cả đều có sự cộng hưởng của một tập thể. Đạo diễn là người chỉ huy dàn nhạc, còn quay phim là nhạc công trong dàn nhạc ấy.
* Anh có nhận xét gì về phim truyền hình đang phát sóng trên các kênh truyền hình cả nước?
* Hiện nay, phim truyền hình được thể hiện rất phong phú qua nhiều đề tài, nhất là các đề tài theo văn hóa vùng miền. Đây chính là thế mạnh của truyền hình, phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của mọi đối tượng khán giả.
THIỆN THÀNH