Đạo diễn Phan Đăng Di: Chân thành làm những gì mình tin

Quyết theo đuổi dòng phim độc lập, Phan Đăng Di đã gặt hái rất nhiều giải thưởng quốc tế cho cá nhân và cho bộ phim điện ảnh dài đầu tiên Bi, đừng sợ. Đây cũng là đạo diễn phim độc lập khá thành công trong việc tiếp cận các nguồn đầu tư quốc tế. Đạo diễn Phan Đăng Di (trái) trao đổi với diễn viên Đỗ Thị Hải Yến trong một cảnh quay Sài Gòn nắng ° Phóng viên
Đạo diễn Phan Đăng Di: Chân thành làm những gì mình tin

Quyết theo đuổi dòng phim độc lập, Phan Đăng Di đã gặt hái rất nhiều giải thưởng quốc tế cho cá nhân và cho bộ phim điện ảnh dài đầu tiên Bi, đừng sợ. Đây cũng là đạo diễn phim độc lập khá thành công trong việc tiếp cận các nguồn đầu tư quốc tế.

Đạo diễn Phan Đăng Di (trái) trao đổi với diễn viên Đỗ Thị Hải Yến trong một cảnh quay Sài Gòn nắng
Đạo diễn Phan Đăng Di (trái) trao đổi với diễn viên Đỗ Thị Hải Yến trong một cảnh quay Sài Gòn nắng

° Phóng viên: Sau Bi, đừng sợ, thấy anh “biến mất” khá lâu? Là do anh không tìm được nguồn cảm hứng, hay chưa có kịch bản ưng ý để  bắt tay làm phim?

° Đạo diễn PHAN ĐĂNG DI: Ngay sau Bi, đừng sợ tại Liên hoan phim Hồng Công (2011) tôi đã có dự án mới mang tên Cha và con và… (hiện có tên là Sài Gòn nắng) giới thiệu đến các quỹ hỗ trợ điện ảnh và đầu tư quốc tế. Ngặt nỗi, mấy năm vừa rồi, châu Âu - nơi cấp nguồn kinh phí hào phóng  nhất cho dòng phim nghệ thuật lại bị chìm trong khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Hậu quả là tất cả các nguồn quỹ cho phát triển nghệ thuật bị cắt giảm, các nhà đầu tư thì dè dặt hơn rất nhiều. Dự án phim truyện dài thứ hai của tôi dù quy mô cũng nhỏ thôi, đã phải mất ba năm mới vận động đủ tài chính để bấm máy. Nguồn tiền lần này một phần đến từ châu Âu và phần quan trọng hơn lại đến từ các nhà đầu tư trong nước. Khác hẳn với Bi, đừng sợ, nguồn kinh phí gần như hoàn toàn đến từ châu Âu.

° Theo anh, điện ảnh Việt Nam đang  thiếu điều gì để các đạo diễn trẻ tâm huyết với nghề có thể sẵn sàng làm phim và các nhà sản xuất phim không còn thấy rủi ro cao?

° Chúng ta thiếu vắng một cơ chế để khuyến khích và nâng đỡ tài năng mới. Cách đây mấy năm, tôi từng nghe một quỹ hỗ trợ điện ảnh quốc gia sắp sửa được thành lập, nhưng đến nay hình như nó vẫn nằm trên giấy. Dù thế, có một việc có thể làm ngay là hàng năm trong nguồn kinh phí làm phim nhà nước cấp cho ngành điện ảnh, phải dành để tài trợ tối thiểu cho một dự án phim đầu tay. Mọi hô hào hay chiến lược phát triển nguồn nhân lực điện ảnh sẽ thành lời nói suông khi các đạo diễn trẻ không tiếp cận được với cơ hội làm phim.

Mấy năm gần đây, nhìn vào các đạo diễn phim đầu tay thì sẽ thấy, nếu họ không có tiền (Nguyễn Hữu Tuấn - Dành cho tháng 6) hay từ chắt bóp của cá nhân (Bùi Kim Quy - Người truyền giống) thì chỉ có thể đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài (Nguyễn Hoàng Điệp - Đập cánh giữa không trung). Không ai nghi ngờ khát khao, tâm huyết của các nhà làm phim trẻ vừa nêu khi họ đã dồn hết sức, tiền bạc cho tác phẩm của mình. Nhưng có gì đó thật chạnh lòng khi chứng kiến họ cứ phải lầm lũi bơi một mình, vừa đuối sức mà đường thì còn quá dài. Không thể phê phán các hãng phim tư nhân khi họ chỉ quan tâm các đạo diễn thành danh có thể mang lại lợi nhuận, vì bản thân họ cũng phải vật lộn để tồn tại. Nhưng ngành điện ảnh, khi chưa giúp được về tài chính, chí ít cũng nên có những đề xuất (về chính sách, thuế…) để trợ lực cho các tác giả trẻ và các nhà sản xuất, hãng phim sẵn sàng mạo hiểm đầu tư cho các tác phẩm đầu tay. Nếu không làm được điều này, chúng ta đừng mong có tài năng mới hay nghĩ về một ngày điện ảnh Việt Nam có thể cất cánh.

° Anh có thể chia sẻ với độc giả về bộ phim Sài Gòn nắng?

° Phim này dựa theo một câu chuyện có thật mà tôi đã đọc trên báo 16 năm về trước, kể về một đám thanh niên tại một xóm trọ nghèo một hôm rủ nhau đi thắt ống dẫn tinh để lĩnh thưởng. Phim có nhiều nhân vật, già trẻ gái trai đủ hết. Một cô bé 15 tuổi bán vé số dạo; một chị khoảng 40 tuổi là trưởng ban dân số phường, cực kỳ trách nhiệm với việc công và thỉnh thoảng lại bị chồng đánh; một vũ công ba-lê kiêm gái nhảy xinh đẹp; một cô gái miền Tây 20 tuổi đểnh đoảng nhưng cũng xinh; một ông góa vợ có tài bơi lặn và cuối cùng, một đám thanh niên túi rỗng, điên rồ và cả tin. Sau phim này, tôi sẽ về Hà Nội để quay một bộ phim giản dị về một buổi họp lớp của những người ngoài 40 tuổi.

° Để chuyển tải được những điều mình nghĩ, mình mong muốn vào phim và được khán giả cũng như cơ quan kiểm duyệt chấp nhận, theo anh có là điều khó khăn? Và phải làm sao để có thể dung hòa được những điều này?

° Cách đơn giản nhất để dung hòa được khó khăn này là mình cứ chân thành làm những gì mình tin, khán giả cũng như cơ quan kiểm duyệt sẽ có người thích hoặc không thích bộ phim của mình, đó là một phản ứng rất thông thường và mình không thể biết trước được. Nhưng có một điều mình biết chắc là không ai thích một bộ phim mà tác giả cố tình uốn cong mình để đạt được mục đích nào đó. Và cái này thì mình không thể nhân danh một sự dung hòa nào đó để biện minh cho được.

° Không làm phim, công việc của anh là gì? Và khi nào bộ phim thứ hai đóng mác “Phan Đăng Di” sẽ ra mắt khán giả?

° Tôi vẫn phối hợp với vài người bạn tổ chức một khóa học ngắn cho các nhà làm phim trẻ trong nước, mang tên Gặp gỡ mùa thu. Năm nay là năm thứ hai khóa học này được tổ chức tại Hội An và Đà Nẵng, với sự tham gia giảng dạy của đạo diễn Trần Anh Hùng, nhà quay phim nổi tiếng người Pháp Benoit Delhomme và một số nhà hoạt động đến từ các liên hoan phim và quỹ hỗ trợ điện ảnh quan trọng của thế giới. Tôi cũng tham gia vận động tài chính cho dự án Đập cánh giữa không trung của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khởi quay năm ngoái và ra mắt vào mùa thu năm nay. Ngoài ra, tôi vẫn tiếp tục dạy các khóa biên kịch ngắn hạn tại Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội. Phim Sài Gòn nắng… mà tôi đang quay dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2015.

Như Hoa

Tin cùng chuyên mục