Đạo diễn Quốc Thảo: Day dứt niềm đam mê nghệ thuật

"Nhiều lúc tôi cảm thấy mình bị bế tắc. Có những đêm, một mình lái xe trên đường cao tốc, nhìn lên trời thấy trăng, cũng là một ánh trăng như ánh trăng nơi quê nhà thôi, nhưng sao lúc đó lòng mình lạnh băng, không chút cảm xúc", đạo diễn Quốc Thảo chia sẻ.
Đạo diễn Quốc Thảo: Day dứt niềm đam mê nghệ thuật

"Nhiều lúc tôi cảm thấy mình bị bế tắc. Có những đêm, một mình lái xe trên đường cao tốc, nhìn lên trời thấy trăng, cũng là một ánh trăng như ánh trăng nơi quê nhà thôi, nhưng sao lúc đó lòng mình lạnh băng, không chút cảm xúc", đạo diễn Quốc Thảo chia sẻ.

Về nước gần 3 năm, là khoảng thời gian nghệ sĩ - đạo diễn Quốc Thảo được sống và “bùng cháy” hết mình với sàn diễn, sân khấu, nghệ thuật. Anh góp mặt trong nhiều vai trò: diễn viên Sân khấu kịch Hồng Vân, đạo diễn, tham gia đào tạo diễn viên trẻ, đạo diễn game show truyền hình; đặc biệt, tháng 1-2017, anh và nghệ sĩ Minh Nhí kết hợp mở một sân khấu kịch tại số 26/6A Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1.

Sau thời gian dài hơn 10 năm rời xa sân khấu, xa quê hương, chọn đất khách làm bến tạm, để vừa làm, vừa học, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng nghề, anh đã trở về quê hương, nhiệt thành, hăng say lao vào công việc, tìm kiếm những bước đột phá mới trong nghệ thuật…

Nghệ sĩ - đạo diễn Quốc Thảo

* PHÓNG VIÊN: Sau 10 năm định cư ở nước ngoài, động lực nào khiến anh buông bỏ để trở về quê hương, lao vào hoạt động nghệ thuật, gắn bó và tung hoành cùng sân khấu?

- ĐẠO DIỄN QUỐC THẢO: 10 năm sống ở nước ngoài, thời gian ấy tôi cảm thấy mình như khô hạn. Tôi vẫn luôn thấy nơi đó không phải là nơi để sống trọn vẹn với niềm đam mê nghệ thuật của mình. Trước tiên, ở đó không tụ tập được diễn viên giỏi, không có nhiều điều kiện để nghệ sĩ được diễn, vấn đề khán giả cũng gặp nhiều khó khăn - phần lớn khán giả đến xem là người lớn tuổi, còn khán giả trẻ thì đa số quên tiếng Việt, hoặc chỉ biết chút ít tiếng Việt, rất khó cảm nhận trọn vẹn một vở kịch. Mặt khác, các chương trình, show diễn cũng ít, không khí hoạt động nghệ thuật không sôi nổi như ở Việt Nam.

Nhiều lúc tôi cảm thấy mình bị bế tắc. Có những đêm, một mình lái xe trên đường cao tốc, nhìn lên trời thấy trăng, cũng là một ánh trăng như ánh trăng nơi quê nhà thôi, nhưng sao lúc đó lòng mình lạnh băng, không chút cảm xúc. Tôi thấy mình như con rô-bốt, rồi tôi tự hỏi: “Tại sao mình lại giam cuộc đời mình ở đây, tại sao mình lại hoài phí bao nhiêu năm tháng ở đây?”. Rồi tự trả lời, ừ thì mình qua đây để vừa học, vừa làm, nghiên cứu và mở rộng thêm kiến thức, kỹ thuật… Và cứ thế tôi đã ấp ủ một ngày trở về!

* Về nước, sau 3 năm hòa mình cùng không khí hoạt động tất bật của lĩnh vực sân khấu, truyền hình, cảm xúc của anh như thế nào?

- Khoảng thời gian xa quê hương, xa sân khấu thành phố 10 năm, tuy khá dài, nhưng niềm đam mê nghề, đam mê nghệ thuật trong tôi không vì thế mà mất đi. Ngược lại, nó được dưỡng nuôi, ấp ủ. Khi trở về quê hương, tôi thấy mình như cá gặp nước, tinh thần tươi mới, tự trong tâm cảm thấy rất hạnh phúc khi được sống trong môi trường hoạt động nghệ thuật sôi động ở quê nhà. Sự dồn nén bao năm nơi đất khách khiến tôi bỏ hết sức, vắt óc, cố gắng hòa nhập, làm việc tất bật để nắm bắt xu hướng kịch của khán giả hôm nay để hoạch định kế hoạch phát triển.

Với tâm thái mới, tôi lăn xả vào các hoạt động của sân khấu để cảm nhận được nhiều hơn việc mình giữ niềm đam mê nghệ thuật cho riêng mình thôi vẫn chưa đủ, mà còn có trách nhiệm phải gieo niềm đam mê ấy cho các bạn trẻ yêu thích sân khấu. Chính vì thế tôi mạnh dạn mở sân khấu tại số 26/6A Nguyễn Bỉnh Khiêm, một sân khấu dành cho các bạn diễn viên trẻ, khán giả trẻ yêu kịch. Dù rằng, việc mở một sân khấu kịch ngay thời điểm tình hình sân khấu nói chung đang gặp nhiều khó khăn là việc liều lĩnh, mạo hiểm về doanh thu song trong sự tính toán của mình, vấn đề truyền nghề, truyền niềm đam mê nghệ thuật cho bạn trẻ - mở lớp đào tạo diễn viên trẻ, xây dựng một sân khấu kịch chất lượng phục vụ khán giả vẫn là động lực lớn giúp tôi vượt qua nỗi lo về kinh tế.

* Tết Đinh Dậu, sân khấu nhỏ 120 ghế thắng lợi với các suất diễn cháy vé. Hoạt động sân khấu của anh được duy trì và phát triển như thế nào trong năm 2017? 

- Rút kinh nghiệm từ lần mở sân khấu kịch bị thất bại cách đây mười mấy năm, chúng tôi đã tìm được đối tác am tường về kinh doanh, thủ tục, giấy tờ, luật lệ… để mở sân khấu, chung tay phụ lo về kinh tế. Anh Minh Nhí đảm nhiệm vai trò kết nối với nghệ sĩ, diễn viên, còn tôi phụ trách về nội dung, nghệ thuật, xây dựng các vở diễn. Để có được sân khấu này, chúng tôi cũng đã huy động anh em nghệ sĩ thân thuộc làm nòng cốt cho các vở diễn, đó là những nghệ sĩ đã thành danh của làng sân khấu thành phố như: Thanh Thủy, Minh Nhí, Trung Dân, Lê Giang, Hòa Hiệp, Lê Tín, cùng các bạn diễn viên trẻ Lê Lộc, Anh Tú… Các nghệ sĩ khi về sân khấu diễn, tuy sẽ thiệt thòi về cát-sê so với việc chạy các show phim ảnh, truyền hình, nhưng bù lại các bạn cùng được diễn bên nhau, được thủ những vai ưng ý, nhân vật có chiều sâu, tạo được độ rung cảm xã hội…

Tết 2017, chúng tôi đã trình làng chùm kịch hài vui nhộn, bên cạnh có vở kịch dài Hồn tóc và các show diễn mi ni của các nghệ sĩ. Kết quả của hoạt động sân khấu trong tết rất tốt, đó là động lực để sau tết, chúng tôi bắt tay xây dựng những vở kịch dài có ý nghĩa, mang tính nghệ thuật cao. 

* Anh còn mong mỏi điều gì cho con đường nghệ thuật của mình?

- Tôi mong tìm được nhiều tác phẩm hay để dàn dựng. Ngoài ra, ở vai trò người truyền lửa đam mê nghệ thuật cho các bạn trẻ, tôi luôn kỳ vọng các em sẽ ngày một giỏi hơn, đa năng, có thể diễn được nhiều thể loại, nhiều loại hình sân khấu khác nhau, từ chính kịch, nhạc kịch, hài kịch, múa, hát… Bản thân tôi, từ lâu cũng ấp ủ một dự án lớn dành cho thể loại nhạc kịch, và mong muốn tìm được một lực lượng để có thể xây dựng được những vở nhạc kịch như mong muốn.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục