Đạo diễn Thanh Vân: Phim kỷ niệm lúc nào cũng vội vã!

Đạo diễn Thanh Vân: Phim kỷ niệm lúc nào cũng vội vã!

Là một trong 4 phim được đặt hàng dành riêng cho dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Sống cùng lịch sử của đạo diễn, NSND Thanh Vân đang có những cú nước rút ngoạn mục với hạn chót nộp tác phẩm là 15-4-2014. Đạo diễn Thanh Vân đã chia sẻ với báo chí về bộ phim lịch sử này.

Một cảnh trong phim Ký ức Điện Biên. Ảnh: T.L.

Một cảnh trong phim Ký ức Điện Biên. Ảnh: T.L.

- Phóng viên: Như nhiều phim lịch sử khác, để kịp hoàn thành vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến dịch Điện Biên Phủ, dường như đoàn làm phim lại phải tiếp tục chạy đua với thời gian?

>> Đạo diễn THANH VÂN: Có lẽ cũng cần sự thay đổi quán tính này, tức là các chương trình lớn 50 năm, 60 năm đều rất cụ thể, năm 2014 sẽ có Điện Biên Phủ, 2015 có giải phóng Sài Gòn… tất cả đều được biết trước rằng sẽ có phim phục vụ các đề tài đó, theo tôi nghĩ, nên có sự xuất phát sớm từ xây dựng dự án, cho đến khâu thực hiện. Hầu như tất cả các phim lịch sử chúng ta đều biết, xuất phát phim không muộn, nhưng vận hành bộ phim như duyệt kịch bản, kinh phí giai đoạn sản xuất và đặc biệt là gần ngày lễ, lúc nào cũng ở tình trạng vội vã. Tôi được biết, hầu như chưa có phim nào thong dong sản xuất, trong khi phần thời gian làm dự án bị kéo dài, từ duyệt kịch bản, đến duyệt kinh phí. Theo tôi, nên có vận hành quy hoạch lâu dài, để những nhà làm phim có sự chuẩn bị dài hơi hơn.

- Cách tiếp cận với lịch sử trong phim có gì đặc biệt?

Phim có nội dung đơn giản, đó là có một nhóm thanh niên, theo phong trào phượt hiện nay, đã có những khám phá các vùng miền, thiên nhiên của Việt Nam, trong đó có khám phá lịch sử, cụ thể hơn đó chính là chiến dịch Điện Biên Phủ. Một điểm mới trong bộ phim là thủ pháp đồng hiện, tức các bạn trẻ không chỉ thể hiện vai trò người quan sát, mà còn tự đặt mình trong vai trò của những người như nhân công, người lính, y tá… nghĩa là các bạn trẻ nghĩ rằng mình chính là những người trực tiếp của chiến dịch 56 ngày đêm oai hùng đó. Tôi cho đó là cách đặt vấn đề rất mới mẻ với cách làm phim của Việt Nam.

- Nói tới Điện Biên Phủ là nói tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh của ông sẽ được tái hiện như thế nào trong bộ phim này?

Nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ không thể không nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và trước khi đại tướng mất, trong kịch bản đã có một phần rất quan trọng nói về đại tướng. Tuy nhiên sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, thì tang lễ của đại tướng đã phần nào tác động đến hướng của câu chuyện, và điều đó tôi cũng như ê kíp đã tìm hướng giải quyết, nhưng giờ nói ra thì lộ hết bí mật, nên xin lỗi để đến khi mọi người xem sẽ biết được câu chuyện đã giải quyết như thế nào. Ngoài ra sẽ có những anh hùng như Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… tuyến nhân vật người lính đại diện cho hàng ngàn người lính vô danh khác cũng được xây dựng kỹ lưỡng giúp các các bạn trẻ tiếp cận những điểm sáng nhất trong lịch sử.

- Làm phim lịch sử hay luôn là bài toán khó với điện ảnh Việt, đặc biệt là thời điểm này. Với phim “Sống mãi cùng lịch sử” anh có gặp nhiều khó khăn?

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là các khí tài quân sự về chiến tranh như là bánh xích xe tăng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được dùng cách đây 20 năm trong bộ phim Hoa ban đỏ, 10 năm trước trong Ký ức Điện Biên. Chúng ta cũng chỉ có 1, 2 xe tăng đó thôi, và cũng không phải từ thời Pháp năm 1954, nên tôi cũng phải nói trước để mọi người đừng quá soi mói vào nhiều điều nhỏ đó. Bên cạnh đó những khí tài khác như súng, đặc biệt máy bay là cực kỳ khó khăn, khi tôi tham gia làm trợ lý trong phim truyện Điện Biên Phủ của đạo diễn người Pháp - Piere Schoendoeffer, máy bay họ phải thuê từ một câu lạc bộ tại Mỹ chở sang Việt Nam, còn chúng ta thì không thể nào làm được như thế.

Thêm nữa, công nghệ điện ảnh cũng là một trong khó khăn lớn mà chúng tôi gặp phải. Công nghệ điện ảnh của Việt Nam, khi làm phim đời thường đã rất khó khăn, huống chi làm những phim về đề tài lịch sử chiến tranh. Hiện nay mỗi khi cần tạo hiệu quả đặc biệt, như tạo một vụ nổ, chúng ta vẫn đang làm theo cách khá nguy hiểm, nghĩa là cho nổ thật sự. Trong khi, những ai đã từng đi theo đoàn làm phim Người Mỹ trầm lặng, sẽ thấy một quả nổ ở ngay giữa Sài Gòn, hiệu quả nổ rất lớn, lửa cháy rực trời, nhưng tiếng nổ thì rất nhỏ, sau đó về trường quay, công tác hậu kỳ, họ sử dụng công nghệ hiện đại để tạo thành tiếng nổ lớn. Còn ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đang làm rất chân phương, nổ là nổ vì thế không thể tránh khỏi có cái gì đó văng vào diễn viên. Và điều đấy ít nhiều hạn chế đi sự tạo hiệu quả thật sự cho khán giả khi xem. Ở bộ phim này, tôi tập trung vào con người, tinh thần thời đại của dân tộc mình, còn việc mô phỏng lịch sử, tôi chỉ có thể nói là đã cố gắng mô tả một cách chân thật nhất có thể.

- Xin cảm ơn đạo diễn!

MAI AN

Tin cùng chuyên mục