Đạo diễn Trần Lực: Khán giả sẽ không quay lưng với sân khấu

  Nổi tiếng với nhiều vai diễn điện ảnh, truyền hình, rồi trở thành ông chủ một hãng phim, ít ai biết NSƯT Trần Lực (ảnh) từng học khoa sân khấu, đi nước ngoài học cũng ngành sân khấu và chính sân khấu là giấc mơ của cả đời làm nghệ thuật của anh. Chạm ngõ sân khấu lần đầu và giành giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất với vở Quẫn (tác giả Lộng Chương), NSƯT Trần Lực kỳ vọng sẽ đem được luồng sinh khí mới tới khán giả yêu thích sân khấu. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi cùng anh.
Đạo diễn Trần Lực: Khán giả sẽ không quay lưng với sân khấu
Đạo diễn Trần Lực: Khán giả sẽ không quay lưng với sân khấu ảnh 1

Nổi tiếng với nhiều vai diễn điện ảnh, truyền hình, rồi trở thành ông chủ một hãng phim, ít ai biết NSƯT Trần Lực (ảnh) từng học khoa sân khấu, đi nước ngoài học cũng ngành sân khấu và chính sân khấu là giấc mơ của cả đời làm nghệ thuật của anh. Chạm ngõ sân khấu lần đầu và giành giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất với vở Quẫn (tác giả Lộng Chương), NSƯT Trần Lực kỳ vọng sẽ đem được luồng sinh khí mới tới khán giả yêu thích sân khấu. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi cùng anh.

PHÓNG VIÊN: Những năm 90 của thế kỷ trước, anh từng học khoa sân khấu, đi đào tạo ở nước ngoài cũng về sân khấu. Phải chăng là hơi muộn khi đến thời điểm này anh mới có tác phẩm sân khấu đầu tay?

NSƯT - Đạo diễn TRẦN LỰC: Tôi sinh ra và lớn lên bên cánh gà sân khấu. Cha tôi là GS-NSND Trần Bảng - đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu chèo, còn mẹ là cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân. Tôi đam mê và yêu sân khấu. Tuổi thơ của tôi gắn với các vở diễn, với sân khấu. Và sân khấu ngấm vào máu thịt, đó là thế giới cổ tích của tôi. Nhưng dòng đời xô đẩy. Khi đi học nước ngoài về, tôi cùng với vài người bạn, lang thang khắp Hà Nội tìm mở một sân khấu tư nhân. Nhưng những năm 90 chưa được phép thực hiện sân khấu tư nhân. Rồi công việc đóng phim cứ cuốn tôi đi, nhưng tôi vẫn đau đáu với sân khấu, luôn dõi theo và tìm đến sân khấu khi có cơ hội.

Quẫn là kịch bản nổi tiếng của cố tác giả Lộng Chương, đã được NSND Trần Hoạt dựng và biểu diễn vào cuối năm 1960. Vở diễn khi ấy đã tạo nên những kỷ lục về số buổi biểu diễn, song đó lại là kịch bản cũ, nhiều đạo diễn lớn đã từ chối dựng lại. Dựng vở đầu tay với Quẫn có phải là hơi mạo hiểm?

Vở Quẫn được diễn trong một thời gian dài, lên tới trên 2.000 buổi diễn. Khi nhắc đến Lộng Chương, giới chuyên môn không thể không nhắc đến Quẫn và khi nhắc tới kịch hài, người ta cũng không thể quên được Quẫn. Bằng nhiều thủ pháp gây cười, tác giả Lộng Chương đã dựng lên các tính cách hài kịch nhiều vẻ trong một gia đình tư sản bán phong kiến Việt Nam vào thời kỳ quá độ của công cuộc cải tạo, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Lộng Chương đã tìm được đúng đối tượng cho tiếng cười đả kích của mình. Quẫn kể lại câu chuyện về một giai đoạn lịch sử của đất nước, về những phần tử tư sản không chịu cải tạo theo yêu cầu của chủ nghĩa xã hội.

Song tại thời điểm này, tôi làm vở diễn với cái nhìn mới, không đả phá, không đánh tư sản như ý tưởng cũ của kịch bản. Họ là con người, họ cũng có nỗi lo rất bình thường. Tôi muốn người hôm nay nhìn về ngày trước bằng cái nhìn của mình, để khán giả đồng cảm hơn với những nhà tư sản xưa. Mục đích lớn nhất của tôi khi dựng vở kịch này là để khán giả biết, chúng ta đã có một giai đoạn như vậy, một giai đoạn ấu trĩ như vậy. Giờ chúng ta hãy nhìn lại giai đoạn ấy đi, chúng ta không trách móc gì cả nhưng sự ấu trĩ ấy làm chúng ta thấy buồn cười. Chính vì chúng ta buồn cười, ấu trĩ thì chúng ta mới lớn lên được.

Một cảnh trong vở Quẫn

Góc nhìn mới và thủ pháp nghệ thuật được thể hiện chắc hẳn cũng sẽ khác nhiều so với bản dựng đầu tiên?

Lúc trước, tác giả Lộng Chương viết theo thủ pháp nghệ thuật hiện thực tâm lý. Đạo diễn Trần Hoạt cách đây vài chục năm cũng dựng theo phong cách hiện thực tâm lý. Nhưng tôi dựng theo phương pháp ước lệ. Ước lệ không gian, thời gian, đặc biệt ước lệ trong nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, từng động tác đều mang ý nghĩa. Khi dựng vở diễn, chúng tôi đã chọn cách dựng kịch hiện thực ước lệ thường quen trong sân khấu kịch hát hơn kịch nói. Sân khấu mở ra tối giản hết mức, có lúc không thấy đạo cụ gì, có lúc chỉ là một chiếc hòm ở trung tâm. Cảnh diễn chính phía trước, đằng sau luôn có lớp người áo đen lột ra “tâm” của nhân vật. Âm thanh, âm nhạc trên sân khấu cũng do diễn viên tạo ra, ánh sáng chỉ màu trắng, vàng với mức độ khác nhau.

Toàn bộ vở diễn tập trung vào diễn viên là những bạn trẻ thế hệ 9X, kể câu chuyện hài kịch từ nửa thế kỷ trước.

Một vở diễn lớn nhưng các diễn viên đều là những người trẻ - các sinh viên của Trường Sân khấu - điện ảnh. Lý do gì mà anh đã chọn những gương mặt mới mà không phải là các ngôi sao?

Ban đầu, tôi cũng hết sức lo lắng với dàn diễn viên trẻ. Tất cả những biểu hiện bên ngoài của diễn viên, từ động tác đến diễn xuất đều phải được luyện tập nhiều lần, người diễn phải tập trung cao độ, giữ được cảm xúc, chỉ cần buông cảm xúc trong vài giây là sẽ hỏng ngay tác phẩm. Song đó chính là cơ hội cho các bạn trẻ được trải nghiệm, được thử sức và đó cũng là cơ hội của chính tôi, vì thế chúng tôi đều làm việc với tâm thế say sưa. Kết quả là khán giả sẽ không thấy sự gượng ép, không thấy cảm giác của người “khoác áo rộng” mà chúng tôi đã hòa nhập, thăng hoa trong từng nhân vật. Tôi tin khán giả sẽ không bao giờ quay lưng với sân khấu.

Sân khấu truyền thống nói chung và sân khấu kịch nói riêng lâu nay không còn nhiều sức hút. Giới thiệu vở diễn này, ông có những kỳ vọng gì về thị trường sân khấu?

Đúng là sân khấu truyền thống hiện nay, do sự cạnh tranh quá lớn của các loại hình nghệ thuật hiện đại, đang dần bị lép vế. Nguyên nhân có lẽ chính là việc xử lý kịch bản “cũ” phải làm sao thích ứng với bối cảnh xã hội thực tế đang đặt ra nhiều thách thức. Song với đam mê của chính người làm nghề, của các bạn trẻ, tôi tin khán giả sẽ không quay lưng với sân khấu.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục