Lâu nay không ít phụ huynh, các nhà giáo dục phải băn khoăn với việc giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông. Vấn đề ở chỗ dạy cái gì? Dạy thế nào?... để các em trở thành những người có đạo đức.
Ở bậc phổ thông, cấp một thì gọi là môn đạo đức, cấp hai gọi là môn giáo dục công dân, đây là môn học trực tiếp trang bị cho học sinh những kiến thức về đạo đức. Tuy nhiên, cách mà chúng ta đang làm hiện nay, tôi thấy các em chỉ có thể biết phần nào về tri thức đạo đức mà chưa thể học được nhiều để trở thành người có đạo đức. Các em phải học những khối kiến thức quá trừu tượng mang đậm chất lý luận, hàn lâm, nặng tính học thuật (như vật chất, ý thức, tồn tại khách quan, duy vật biện chứng, hàng hóa, giá cả thị trường…). Nếu hỏi các em học có hay không? Thì các em sẽ trả lời “hay”. Nhưng hỏi các em có hiểu gì không thì các em trả lời “chẳng hiểu gì hết”. Rồi các em thực hiện các bài tập trắc nghiệm về đạo đức… phải học vẹt và dẫn đến hiện tượng nhồi nhét ít tác dụng.
Vậy thì thế nào là người có đạo đức? Có nhiều cách trả lời, xong có thể hiểu rằng: Người có đạo đức là phải hiểu biết về đạo đức và có hành vi đạo đức phù hợp với chuẩn mực xã hội. Ở đây, vấn đề cốt lõi là hành vi đạo đức. Song, thật khó có thể đo, đếm và định lượng hay quan sát được hành vi đạo đức, bởi nó phức tạp vì liên quan đến tư tưởng, động cơ, thái độ… bên trong của mỗi con người. Nó cũng không thể giống một bài toán hay một công thức toán học. Dạy bài toán 10+10=20 chỉ mất vài phút là học sinh lớp 1 có thể nắm được, hay a+b=c=>b=c-a thì học sinh lớp 4 cũng nhanh chóng hiểu được. Nhưng để các em có thể định dạng thế nào là một hành động dũng cảm, một sự đồng cảm, tình yêu Tổ quốc... thì có thể mất tới cả vài năm, thậm chí cả cuộc đời con người vẫn chưa có được.
Hai hành vi của hai em học sinh giống nhau, hành vi của học sinh thứ nhất được gọi là đạo đức tốt nhưng hành vi của học sinh thứ hai thì lại bị xem là đạo đức xấu. Cũng chẳng khác gì hành động của những người chứng kiến một tai nạn giao thông. Có người thì sẵn sàng đến giúp người bị nạn băng bó vết thương, đưa đi cấp cứu… nhưng có người lại chỉ đến vì sự hiếu kỳ xem cho vui… Hành động thứ hai gọi là vô cảm, là phi đạo đức. Bởi vậy, xét đến cùng giáo dục đạo đức cho học sinh thì quan trọng nhất phải hình thành được những hành vi đạo đức phù hợp. Do đó, chúng ta không nên tổ chức dạy học mang tính hình thức cũng như kiểm tra, đánh giá theo kiểu trắc nghiệm mà phải tăng cường thời lượng thực hành, tạo điều kiện để các em trải nghiệm thực tiễn, qua đó các em không chỉ hiểu mà còn nhận biết, rút ra được kinh nghiệm bản thân về đạo đức, phi đạo đức.
Muốn các em trở thành những người có đạo đức nhất thiết phải thông qua hoạt động thực tiễn, bởi hoạt động thực tiễn sẽ giúp các em có thể chuyển hóa những tri thức sách vở mang tính hàn lâm thành những vấn đề gần gũi với cuộc sống. Chúng ta cần nghiên cứu thêm cách làm của GS Văn Như Cương, ông nói: “Ở trường tôi, ngoài những tiết học, môn học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi luôn phát triển công tác Đoàn, Đội và tổ chức những hoạt động mang tính chất nêu gương cho các em tự soi mình, như: Tổ chức dã ngoại tham quan nhiều địa danh lịch sử, giúp đỡ học sinh nghèo, làm từ thiện. Việc giáo dục đạo đức, tư tưởng cho các em được quán triệt đến từng thầy cô giáo chủ nhiệm, nhắc nhở các em từ chuyện ăn mặc, đầu tóc, nói năng, cho đến những giao tiếp thông thường, ứng xử với người lớn, với bạn bè như thế nào là đúng, là lễ phép. Tất nhiên không thể có một giáo trình nào cụ thể và càng không thể mang vào sách vở tất cả những điều đó… Dạy học là một quá trình, đồng bộ, phải tiến hành liên tục hàng ngày từ những việc làm và ứng xử nhỏ nhất”.
Có thể nói rằng, giáo dục đạo đức cho học sinh cần phải nghiên cứu lại nội dung, chương trình, thời gian, cách dạy, các học… làm sao những kiến thức đó phù hợp với cuộc sống, phù hợp với trình độ lứa tuổi và quan trọng nhất là phải trở thành bài học cuộc sống sinh động - là những hành vi đạo đức phù hợp với chuẩn mực xã hội.
Th.S tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG