Đào đường tại TPHCM: Việc phải làm

Đào đường tại TPHCM: Việc phải làm

Tính cho đến đầu tháng 6, toàn địa bàn thành phố đang có cùng lúc hơn 100 điểm rào chắn để phục vụ công tác đào đường…

Chịu khó một thời gian, còn hơn ngập mãi

Đào đường tại TPHCM: Việc phải làm ảnh 1

Thanh tra GTCC đang kiểm tra một vị trí đào đường thuộc dự án Cải thiện môi trường nước.

Thống kê mới nhất của ngành chức năng cho thấy chỉ tính riêng ba dự án quy mô lớn là Dự án Vệ sinh môi trường TP, Dự án Nâng cấp đô thị, và Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước, toàn địa bàn thành phố đang cùng lúc có đến 114 điểm có lập rào chắn để phục vụ công đoạn đào đường, trong đó 54 điểm thuộc về Dự án Vệ sinh môi trường TP, 53 điểm thuộc Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước.

Các điểm rào chắn này dàn trải trên 50 tuyến đường, từ khu vực trung tâm thành phố cho đến quận ven như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng, An Dương Vương, Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Nguyễn Kiệm…

Chính vì số lượng và địa điểm dựng rào chắn đào đường quá nhiều và dày đặc như thế, cho nên gần như người dân thành phố đang bắt đầu dần “quen” với hình ảnh những lô cốt dựng lên sừng sững giữa giao lộ và tình trạng xe cộ chen chân nhau mà nhích tiến từng bước, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Vì sao các dự án có hạng mục đào đường lại không hẹn mà gặp, cùng nhau “xuống đường” ồ ạt như vậy, một điều có khả năng làm gia tăng tình trạng ùn tắc xe cộ trong bối cảnh mật độ đường dành cho giao thông tại thành phố vốn dĩ vẫn chưa đạt chuẩn?

Một giới chức nhiều năm lăn lộn trong ngành công chính thành phố không muốn nêu danh tính nói rằng các nhà thầu xin cấp phép đào đường mà Nhà nước không cho đào cũng không được, bởi vì nếu không cấp phép đào đường cho các dự án nói trên thì chắc chắn sẽ không thể nào đạt được mục tiêu chống ngập cho thành phố khi bước vào giai đoạn từ sau 2010. “Người dân thành phố có lẽ cũng cần thông cảm với ngành chức năng, phải chấp nhận tình trạng đi đâu cũng gặp “lô cốt” đào đường như thế này, ít nhất trong giai đoạn hiện tại, để trong tương lai gần giải quyết được một bước căn bản tình trạng ngập lụt trên địa bàn” giới chức này nói.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, toàn bộ 3 dự án có hạng mục đào đường nêu trên có thể nói hầu như đang ở trong giai đoạn quyết định tính thành bại của bài toán chống ngập nội thị. Vì thế thôi thì cũng nên biết chấp nhận sống chung với “lô cốt”, chấp nhận khó khăn trong giao thông đi lại (và cả mỹ quan đô thị) một giai đoạn để sau này thành phố hết ngập!

Rất cần sự chung tay chia sẻ

Công bằng mà nói thì trên thực tế, cơ quan chức năng thành phố đã cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất việc dựng rào chắn trên các tuyến đường trong nội thành và nhất là đặc biệt quan tâm đến phương án phân luồng giao thông trước khi ký quyết định cho phép nhà thầu lập rào chắn đào đường. Bởi vì để có được giấy phép đào đường thì trước hết chủ đầu tư dự án phải đề ra được phương án phân luồng giao thông khả thi không chỉ cho đoạn đường đó mà còn cho cả khu vực lân cận.

Theo đánh giá của Phó giám đốc Sở Giao thông Công chính Lê Toàn, tính cho đến giờ phút này có thể khẳng định toàn bộ các điểm có lập rào chắn đều có phương án phân luồng giao thông hợp lý, thỏa đáng.

Phương án phân luồng tạm tốt, nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ xe cộ, thậm chí có khi hỗn độn tại chỗ này chỗ khác xung quanh các lô cốt đào đường. Điều này lại bắt nguồn từ ý thức của các bên liên quan.

Trước hết là ý thức chấp hành của các nhà thầu thi công. Ông Nguyễn Bật Hận, Đội trưởng Đội 7 Thanh tra Giao thông Công chính TPHCM - đơn vị có chức năng kiểm tra chấp hành giấy phép đào đường - nhận xét rằng trong thực tế vẫn còn tình trạng giấy phép cho một đàng, nhà thầu dựng hàng rào một nẻo, hoặc rộng hơn hoặc dài hơn kích thước cho phép. “Khi diện tích đường dành cho giao thông còn lại thấp hơn trù liệu trong phương án phân luồng giao thông, đồng nghĩa hiệu quả phương án phân luồng bị giảm thiểu”, ông Hận nói.

Ngoài ra ý thức chấp hành kém của một bộ phận người dân cũng góp phần làm phát sinh phiền toái, ùn tắc xe cộ chung quanh các điểm rào chắn. Những hành vi kiểu như nhiều phương tiện giao thông hồn nhiên vô tư đi ngược chiều bất kể đường đã bị thu hẹp, hay xe tải được yêu cầu không vào đoạn đường có rào chắn nhưng tài xế… cứ vào, như thế phương án phân luồng giao thông tạm dù tốt đến mấy mà không phải “bó tay”, không bị giảm hiệu quả mới là lạ.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục