
Tháng 5, dọc đường lên miền Tây tỉnh Quảng Trị gió Lào thổi vù vù, bụi bay mù trời, ruộng đồng khô héo. Nước sinh hoạt đang là nhu cầu cấp thiết nhất của bà con nông dân. Từ nhiều năm qua, người dân ở đây hàng ngày phải đi lấy nước uống xa đến 4 – 5km nhưng vẫn không đủ dùng. Để tồn tại, ở những ngôi làng trên đá này đã sinh ra một nghề hết sức nặng nhọc và nguy hiểm: đào giếng trên đá.
- Chân dung thợ giếng

Những con chạm bằng sắt, dụng cụ đào đá hữu hiệu nhất. Ảnh: LAM KHANH
“Gan Mai Xá, đá Hảo Sơn”, câu ca trên đã nói lên cái khắc nghiệt tại làng Hảo Sơn, xã Gio An. Sống trên vùng đất thường xuyên xảy ra nắng hạn gay gắt này, người dân xã Gio An ai cũng biết câu chuyện “liều mạng đào giếng” của anh Lâm Công Hữu. Ba mươi năm trước, khi mới lập gia đình, chứng kiến cảnh cả làng chỉ có một cái giếng tập thể, lúc nào cũng có hàng trăm người chen chúc tắm giặt, anh Hữu quyết định đào một cái giếng trong vườn nhà.
Tuy nhiên, làm thế nào để đào xuyên được những lớp đá nằm san sát nhau, cứng đến nỗi những năm chiến tranh bom Mỹ thả xuống vẫn không hề hấn gì? Mày mò suốt mấy tháng, anh Hữu đã tạo được dụng cụ đào giếng đá gồm những con chạm bằng sắt (một loại đinh sắt phi 20, mũi nhọn) và búa sắt. Anh Hữu kể: “Khi tôi bắt tay đào giếng, cả làng không tin sẽ thành công vì mới đào qua một lớp đất chừng 2m đến 3m là vấp trúng tầng đá dày đặc”. Không nản chí, mỗi ngày anh Hữu ngồi đẽo từng nắm đá một. Cho đến khi hỏng hết 50 con chạm sắt thì giếng mới có nước ở độ sâu 17m. Nghe tin giếng nhà anh Hữu có nước, bà con làng xóm ai cũng thán phục kỳ công của người nông dân này, họ phong anh là “vua đào giếng”.
- Nguy hiểm rình rập

“Vua đào giếng” Lâm Công Hữu đang ngoi từ dưới lòng đất lên để hít thở. Ảnh: LAM KHANH
Ba mươi năm qua, chỉ trừ những ngày mưa anh Hữu mới nghỉ đào giếng. Khi tôi bắt gặp anh ngoi đầu lên từ một cái giếng sâu hơn 10m mà anh đang nhận đào cho một gia đình trong vùng, cả thân hình anh đỏ một màu đất. Miệng thở hổn hển, mồ hôi ướt như tắm, anh kể: “Nhiều đêm đi làm về mệt quá, ăn cơm không nổi. Ba ngày sau khi đào giếng, mỗi lần ho vẫn còn đất, bụi văng ra nhưng nguy hiểm nhất là khi đào những giếng sâu, không đủ không khí để thở. Có nhiều giếng sâu đến 30m, chỉ cần một viên đá nhỏ rơi trúng, người thợ dưới đáy giếng có thể bị chảy máu đầu hoặc sưng tay ngay”.
Mỗi lần xuống giếng, người thợ phải nắm chặt dây cáp, người còn lại trên mặt đất giữ con quay rồi cho dây cáp từ từ đưa thợ xuống tận đáy giếng. Nhiều hôm thợ đào giếng mới xuống đến đáy đã ngất xỉu vì thiếu ô xy nên phải nhanh chóng đưa lên cấp cứu. Để tránh bị ngạt hơi, người ta thường buộc một chùm lá cây xanh vào sợi dây cáp rồi kéo lên, kéo xuống để tăng thêm ô xy dưới đáy giếng.
Một mối nguy hiểm khác luôn rình rập những người thợ đào giếng là nguy cơ đất sụt lở. Thông thường, khi đào giếng, để phá được những tảng đá lớn thì thành giếng bị nham nhở, lồi lõm. Chính những chỗ lõm ở thành giếng rất dễ bị sụt xuống, nguy hiểm vô cùng. Chưa kể, có khi kéo đá lên nửa chừng thì dây thừng bất ngờ bị đứt, toàn bộ rọ đá rơi xuống đầu người thợ đang ở đáy giếng, gây thương tích nặng.
Tại thôn Hảo Sơn, xã Gio An hiện có đội quân đào giếng khoảng 10 người. Bình thường, để đào được một cái giếng sâu cần 2 người thợ thay phiên nhau. Những người thợ này phải ngồi dưới giếng đẽo từng miếng đá nhỏ bằng ngón tay nên để đẽo, đục được một mét đá phải tốn 5 đến 6 ngày công. Có nhiều giếng nước đào 3 năm chưa xong, một phần vì giếng sâu, phần khác do đá quá cứng. Nhiều gia đình phải thuê thợ đào đi, đào lại mấy lần mới tìm ra nguồn nước.
Theo các thợ đào giếng, bây giờ ở vùng miền Tây Quảng Trị mạch nước ngầm hạ xuống thấp theo từng năm nên có giếng chỉ dùng được một, hai năm là hết nước. Thế là thợ đào giếng phải đào sâu hơn, đến khi nào có nước trở lại mới thôi.
Đào được một giếng nước rất tốn kém, nhiều gia đình phải bán hết trâu, bò mới đủ tiền thuê thợ. Thế nhưng, người dân ở vùng trung du miền núi này nhà nào cũng muốn có giếng bởi nếu không, mỗi nhà phải mất một lao động chính để lo việc vận chuyển nước về dùng trong ngày. Công thợ đào giếng được trả theo giá đặc biệt, thợ chính như anh Lâm Công Hữu là 80.000 đồng/ngày, thợ phụ 60.000 đồng/ngày.
Gần suốt một đời sống bằng nghề đào giếng, anh Lâm Công Hữu trăn trở: “Tôi cũng giống nhiều anh em thợ đào giếng khác, sau nhiều lần gặp sự cố trong lúc đào giếng đã quyết định nghỉ nhưng vì bà con chòm xóm yêu cầu quá nhiều, không giúp thì bà con không có nước sinh hoạt nên chẳng thể ngồi yên. Biết khổ và nguy hiểm nhưng không thể không làm”.
LAM KHANH