Đạo kinh doanh của người Việt: Mục tiêu của việc kinh doanh không dừng ở chỗ kiếm thật nhiều tiền

Mục tiêu đầu tiên, người kinh doanh nào cũng phải nhắm tới là lợi nhuận và hiệu quả, vì đó là lý do để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên câu nói: “Business is Business” (Kinh doanh là kinh doanh), không có nghĩa là bất chấp mọi cái vì lợi nhuận. Thực sự đó chỉ là sự nhấn mạnh mục tiêu và phương pháp kinh doanh chứ không phải phủ nhận đạo kinh doanh.

Xây dựng đạo kinh doanh cũng nhằm tạo lợi nhuận một cách đúng đắn, phù hợp những quy phạm đạo đức xã hội, giữ được tính nhân văn.

Mục tiêu của việc kinh doanh không dừng lại ở việc kiếm thật nhiều tiền mà phải đi xa hơn là đóng góp vào phát triển cộng đồng. Khi xác định được lý tưởng kinh doanh là nhắm tới mục tiêu cao đẹp như vậy, người kinh doanh có thể sẵn sàng chịu mất mát, chịu hy sinh nhiều lợi ích riêng vì cộng đồng xã hội và tổ quốc, cũng như sẵn sàng dốc hết sức mình để kinh doanh thắng lợi. Theo tôi, yếu tố này chi phối toàn bộ “đạo kinh doanh”.

Đoàn kết, dìu đắt để cùng phát triển kinh doanh. Trí tuệ, của cải, sức lực của nhiều cá nhân hợp lại một cách tự nguyện, có phương pháp và tính khoa học sẽ trở thành một tập hợp lớn theo cấp số nhân và phát huy tác dụng hơn nhiều so với những nỗ lực đơn lẻ.

“Buôn có bạn, bán có phường” cũng là một khía cạnh của đạo kinh doanh đã được phổ biến dân gian mà cô đọng lại là khía cạnh đoàn kết kinh doanh. Khi nào chúng ta xem sự chia sẻ, trao đổi các “tài sản” kinh doanh với cộng đồng doanh nghiệp như là một niềm vui thì khi ấy thiết nghĩ chúng ta đã hành xử được một phần đạo kinh doanh.

Chữ tín, tạo nên một giá trị vô hình, nhưng rất cao cho doanh nhân. Bản thân là người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng nguyên liệu, vàng tiền tệ gần 20 năm, tôi càng thấy rõ hơn yếu tố chữ tín ở đây. Các nhà kinh doanh vàng, với những hợp đồng nhiều tỉ đồng, chỉ thỏa thuận với nhau bằng điện thoại nhưng gần 100% thực hiện đầy đủ dù giá vàng thay đổi, thị trường biến động. Đây cũng là một điển hình : Lời hứa phải như đinh đóng cột.

Sự trung thực trong kinh doanh, góp phần không nhỏ hình thành nên đạo kinh doanh. Sự thiếu trung thực trong giao dịch, trong giới thiệu sản phẩm dần dần sẽ giết chết kinh doanh. Sự trung thực của doanh nhân sẽ giúp cho xã hội có những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, địa chỉ rõ ràng minh bạch và tương xứng với số tiền đã bỏ ra mua nó.

Đạo kinh doanh cũng đòi hỏi kinh doanh đúng pháp luật, phù hợp các nguyên tắc thành văn và bất thành văn được nhà nước và xã hội quy định. Trong pháp luật thì việc đóng thuế đầy đủ cũng là nằm trong cái đạo kinh doanh, là nghĩa vụ đối với xã hội.

Truyền thống người Việt Nam nói chung và doanh nhân Việt nói riêng là truyền thống “Lá lành đùm lá rách”. Làm từ thiện, công tác xã hội chắc chắn là một phần quan trọng của đạo kinh doanh. Chúng ta không làm từ thiện để giảm đóng thuế sau khi đã tiền bạc dư thừa hoặc nghe một lời khuyên từ một ông hay bà thầy bói. Mà từ một tấm lòng muốn chia sẻ và thấy nghĩa vụ phải chia sẻ. Đó là hạnh phúc chân chính và đúng đạo kinh doanh.

Tài sản của doanh nhân kiếm được chắc chắn phải đến từ trí tuệ của doanh nhân, kỹ năng quản lý của doanh nhân và phần rất quan trọng là từ thặng dư sức lao động của những người làm công cho mình. Đạo làm người yêu cầu chúng ta phải biết ơn bất cứ ai đã làm điều tốt cho mình, dù là điều nhỏ nhặt nhất, thì đạo kinh doanh cũng đòi hỏi doanh nhân sự đền đáp, cảm ơn bên cạnh việc trả lương sòng phẳng. Hãy coi những người giúp mình tạo nên sự nghiệp là những cộng sự đúng nghĩa của nó, với đầy đủ quyền lợi và phẩm giá. Sự nghiệp như vậy sẽ bền lâu.

Vấn đề đặt ra tiếp tục là phải phổ biến “Đạo kinh doanh” đến toan xã hội, hình thành nên một văn hóa kinh doanh nhuần nhuyễn trong nhiều từng lớp doanh nhân, đặc biệt là những doanh nhân trẻ, những thành tố tương lai của đất nước. Nhà trường phải giáo dục một thế hệ thanh niên không coi chủ nghĩa thực dụng là lý tưởng, không thể làm giàu với bất cứ giá nào.

Nhà nước phải có những luật lệ mà ở đó không có chỗ cho tham ô, mua quan bán chức, tạo kẽ hở cho những doanh nhân cơ hội, lũng đoạn chính sách. Với những nền tảng đã được xây dựng, với truyền thống Á Đông sẵn có, đạo kinh doanh chắc chắn sẽ có chỗ đứng bền vững trong lòng xã hội Việt Nam.

Nuyễn Thành Long
Tổng Giám đốc Công ty Vàng Bạc
Đá Quý TPHCM (SJC)

Tin cùng chuyên mục