Từ ngày có điện lưới quốc gia phủ ra theo hệ thống cáp ngầm, đã giúp bộ mặt thôn xóm trên đảo Lý Sơn “thay da đổi thịt”. Có điện thường trực, đời sống tinh thần được nâng cao, sản xuất theo hướng công nghiệp đã bắt đầu được áp dụng trên những cánh đồng hành, tỏi mà lâu nay được làm bằng thủ công...
Một góc đảo Lý Sơn rực sáng ánh đèn từ lưới điện quốc gia.
Kinh tế đi lên
Mặt trời lặn dần xuống mặt biển phía Tây cũng là lúc đảo Lý Sơn lấp lánh, ánh điện sáng từ nhà ra ngõ. Ngay chân cầu cảng Lý Sơn, khách sạn ba sao mang tên Lý Sơn Central khiến du khách quên mất cảm giác không phải mình đang trên đảo mà lọt vào khu đô thị sang trọng nào đó. Đi sâu vào bên trong, ngay ngã ba cổng chào của hòn đảo, hàng quán mọc san sát, ánh điện sáng choang tại các cửa hàng bán hành, tỏi, đồ lưu niệm đang thu hút du khách khiến việc kinh doanh tấp nập hơn... Bà Lê Thị Hồng (45 tuổi) bán đồ lưu niệm là những con sò, ốc, mực khô, cá khô... cười tươi rói dưới ánh đèn sáng lung linh bảo chừng 5 tháng nay kể từ ngày điện lưới quốc gia, cửa hàng của bà mở cửa rất khuya, đến hết khách mới thôi.
Cách cửa hàng của bà Hồng không xa, ngay phía sau khách sạn Lý Sơn là cơ sở làm đá lạnh, cung cấp cho tàu cá và sinh hoạt của người dân trên đảo của ông Nguyễn Sơn (65 tuổi). Tiếng máy cưa, xẻ đá vang lên xoèn xoẹt, từng cây đá được chuyển lên xe ba gác chạy mất hút vào màn đêm để nhanh chóng chuyển lên những chuyến tàu đang đợi tại chân cầu cảng để sáng sớm ra khơi. Ông Sơn kể, ngày trước chưa có lưới điện quốc gia, hai máy làm đá của ông chạy bằng dầu diezel nên gây ô nhiễm môi trường nước và âm thanh, dân ở đây phản ứng miết nhưng không thể cải thiện được. Từ khi có điện, ông chuyển qua chạy máy bằng mô-tơ nên chất lượng đá cũng được nâng lên và sản lượng bán tăng rõ rệt. Nhất là việc sản xuất nước uống đóng bình. Lý Sơn đang những ngày nắng nóng nên hàng ngày, bán hơn 100 bình nước loại 20 lít, nguồn thu nhờ vậy khá hơn...” - ông Sơn khoe.
Việc kinh doanh, buôn bán của bà Hồng, ông Sơn chỉ là một lát cắt nhỏ về việc phát triển các loại hình kinh tế ở Lý Sơn từ khi có điện lưới. Vì bây giờ, việc tưới cho các loại cây trồng như hành, tỏi, ngô, đậu... cũng được áp dụng công nghệ phun sương, tưới đều và tiết kiệm nước nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đã được đầu tư, nâng cấp, đặc biệt, điện đã đem đến cho Lý Sơn lượng khách du lịch đông đúc, góp phần vào nguồn thu đáng kể cho hòn đảo này.
Giáo dục, y tế cùng cải thiện
21giờ, chúng tôi ngược dốc trên đỉnh núi Thới Lới, vị trí cao nhất của ngọn núi lửa hình thành nên đảo Lý Sơn để có thể bao quát toàn cảnh hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Những con đường chạy ngang dọc kết nối những thửa ruộng hành, tỏi được trang trí những trụ điện và bóng đèn cao áp tạo thành những vệt sáng. Điện sáng bừng như ngọn hải đăng của Tổ quốc. Từ khi có điện 24/24 giờ, học sinh trên huyện đảo Lý Sơn chủ động hơn trong việc học tập tại nhà.
Học sinh vui một thì thầy cô giáo ở huyện đảo còn vui mười. Thầy Huỳnh Văn Long, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn phấn khởi cho hay: “Trước đây, Trường THPT Lý Sơn trang bị hai máy phát điện 30KVA và 20KVA chạy bằng dầu diesel rất bất lợi, linh kiện nhanh hư. Chưa kể, dù vị trí máy phát điện đặt cách xa phòng học nhưng học sinh vẫn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của máy phát điện. Thế nên, khi có điện quốc gia, Trường THPT Lý Sơn đã thay toàn bộ hệ thống điện cũ, bổ sung quạt, bóng đèn trong các phòng học để giáo viên, học sinh thuận tiện hơn trong việc dạy và học. Những trang thiết bị cần nguồn điện nay được sử dụng đã phát huy hiệu quả cho việc dạy và học, hỗ trợ tích cực cho việc áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Vừa qua Trường THPT Lý Sơn được tài trợ 5 máy chiếu, 5 bảng điện tử. Nhiều giáo viên, học sinh háo hức mong chờ đến tiết dạy sử dụng máy chiếu để việc truyền tải kiến thức có hình ảnh, âm thanh, màu sắc sinh động hơn, giúp học sinh nhanh tiếp thu kiến thức.
Ngành y tế ở đảo Lý Sơn cũng không còn thụ động khi mới đây được Tập đoàn viễn thông quân đội Vietel - chi nhánh Quảng Ngãi bàn giao Hệ thống cầu truyền hình trực tuyến để khám chữa bệnh. Với bộ thiết bị này, sẽ giúp Bệnh viện quân dân y Lý Sơn thuận lợi trong công tác hội nghị, giao ban ngành, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ được nâng cao tay nghề và hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ từ bệnh viện tuyến, để tham vấn điều trị những ca bệnh nặng cho người dân, khi không thể vào bờ vì thời tiết xấu.
HÀ MINH