Đào sỏi, có kiếm ra vàng?

Với việc giá Bitcoin tăng cao ngất, đạt mốc lịch sử trên 58.000 USD những ngày qua và lao dốc nhưng tiếp tục phục hồi sau đó thì làn sóng về tiền ảo lại nổi lên. Trong làn sóng đó lại xôn xao với đồng tiền mới là Pi, nhất là Pi có thể được đào qua ứng dụng trên thiết bị di động.
Đào sỏi, có kiếm ra vàng?

Pi network, là đồng tiền ảo được đào trực tiếp trên smartphone, dễ dàng tải về với cả 2 hệ điều hành là Android và iOS. Như những lời giới thiệu, nó không giống những đồng tiền ảo khác phải dùng những siêu máy tính để đào. Giới đào Pi cho rằng đây không phải là một trò lừa đảo, họ đưa ra những thông tin cho thấy Pi được phát triển bởi nhóm cựu sinh viên từng tốt nghiệp Đại học Stanford.

“Đội ngũ nòng cốt của Pi network được dẫn dắt bởi 2 tiến sĩ Stanford và 1 MBA Stanford, tất cả đều giúp xây dựng cộng đồng blockchain tại Stanford”. Cộng đồng liền lên tiếng, đáng chú ý là ý kiến của cha đẻ phần mềm Vietkey, người nghiên cứu về blockchain từ năm 2014, TS Đặng Minh Tuấn, chỉ ra nhiều điểm đáng ngờ của Pi.

TS Đặng Minh Tuấn là tiến sĩ chuyên ngành toán và mật mã, từng nghiên cứu toàn bộ mã nguồn của Bitcoin và Ethereum. Ông được xem là mentor hàng đầu về blockchain ở Việt Nam và hiện là Phó Chủ tịch CLB FinTech (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Trưởng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông).

Với phân tích app, đọc white paper (sách trắng), TS Đặng Minh Tuấn đưa ra cảnh báo Pi network có rất nhiều dấu hiệu của dự án lừa đảo: “Người tham gia dự án này chắc chắn sẽ mất thông tin cá nhân, mất thời gian, mất tài nguyên của điện thoại, và có thể mất thêm thông tin khác trong máy, mất công sức để lôi kéo người khác vào cái gọi là vòng tròn tin tưởng khá giống đa cấp”. 

Trên trang Facebook cá nhân, TS Đặng Minh Tuấn chỉ ra 3 điểm đáng ngờ nhất của Pi network, đó là quá trình đào, private key và mainnet. “Đến thời điểm này, đào đồng Pi là một quá trình hết sức mờ ám, bởi đào là một quá trình để xác thực các giao dịch mà chưa có sổ cái/blockchain, chưa có giao dịch thì đào xác thực cái gì. Ngay cả cái xác thực dựa trên vòng tròn tin tưởng cũng là một khái niệm mơ hồ, không có bảo đảm toán học cho nó”, TS Đặng Minh Tuấn viết. 

Công nghệ blockchain là công nghệ đòi hỏi sử dụng các khóa riêng tư private key để xác thực nhưng “có tài khoản mà không có private key, không có địa chỉ ví, sau này làm sao chuyển tiền hay tiêu tiền được, tiền mã hóa bao giờ cũng phải có private key mới tiêu được”, TS Tuấn nhấn mạnh. Pi network hiện không có chút giá trị nào vì mã nguồn đóng, tiền đào ra chỉ được lưu trên điện thoại người dùng hoặc trên máy chủ tập trung. Một khi được lưu trên server, người quản trị có toàn quyền thay đổi, tạo ra bao nhiêu tùy thích.

Bởi không có tính minh bạch ở một dự án blockchain trong khi đã lôi kéo được lượng lớn người dùng hàng ngày nên TS Đặng Minh Tuấn ví von: “Cái mà chủ dự án Pi được, đó là thông tin cá nhân của 13 triệu người dùng, ngày nào cũng phải vào điểm danh. Có lượng người dùng lớn trong tay thì các bạn có thể hình dung kiếm tiền không khó như thế nào rồi đấy”. 

Đến nay, những người đang đào Pi vẫn như con thiêu thân lao vào đào với niềm tin một ngày nào đó, sỏi đá sẽ trở thành vàng. Hiện vẫn còn sớm để khẳng định Pi có phải mô hình lừa đảo hay không, nhưng bất cứ đồng tiền ảo nào đều không thể cam kết đổi được tiền ảo lấy tiền thật hoặc hàng hóa, do đó người tham gia cần hết sức cân nhắc khi đầu tư thời gian, công sức hay tiền bạc vào bất cứ loại tiền ảo nào, không riêng gì Pi.
 

Tin cùng chuyên mục