TP Hồ Chí Minh

Đào tạo nguồn lao động xuất khẩu đạt chuẩn

Ngày 1-3, Sở LĐ-TBXH TPHCM triển khai kế hoạch chuẩn bị nguồn xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Hàn Quốc (HQ) theo Luật Cấp phép mới. Đây là một động thái tích cực của TP trong việc chuẩn bị nguồn lao động có chất lượng tham gia các thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao.

Trong năm 2006, TPHCM được Bộ LĐ-TBXH giao 152 chỉ tiêu dự tuyển sát hạch tiếng Hàn để đi HQ làm việc theo Luật Cấp phép mới. Tuy nhiên, việc chỉ có 58 người trúng tuyển kỳ thi này cho thấy nếu không chuẩn bị tốt nguồn lao động có trình độ ngoại ngữ thì cơ hội tạo việc làm có thu nhập cao cho người lao động VN ở nước ngoài sẽ vuột mất. Thấy rõ điều này, Sở LĐ-TBXH TP đã chủ động triển khai kế hoạch đào tạo ngoại ngữ (tiếng Hàn) cho người lao động có nhu cầu đi HQ làm việc.

Theo ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP, để mở rộng thị phần xuất khẩu lao động sang các thị trường có thu nhập cao (1.000 USD/tháng trở lên), TPHCM sẽ chú trọng việc tạo nguồn lao động đạt chuẩn tuyển dụng theo yêu cầu của đối tác nước ngoài về trình độ tay nghề, ngoại ngữ, tác phong làm việc chuyên nghiệp…

Trước mắt, TP sẽ tổ chức đào tạo tiếng Hàn theo cụm quận, huyện; sơ tuyển tiếng Hàn và chọn lựa các ứng viên đạt điểm cao chuẩn bị tham gia đợt dự tuyển tiếng Hàn do Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH) phối hợp với Ủy ban kiểm tra tiếng Hàn thực hiện hàng năm. Người lao động tham gia chương trình đào tạo ngoại ngữ (tiếng Hàn) này được hỗ trợ kinh phí 1,5 triệu đồng/người. Nguồn quỹ này được trích từ quỹ đào tạo nghề của chương trình Xóa đói giảm nghèo - việc làm TP.

Điểm lại mỗi năm, các công ty XKLĐ trên địa bàn TPHCM đưa được khoảng 15.000 lao động đi nước ngoài làm việc nhưng chỉ có khoảng 15% trong số này là lao động TP, còn lại là lao động của các tỉnh khác. Điều này chứng tỏ rằng lao động TPHCM chưa mặn mà với việc đi nước ngoài làm việc và số có nhu cầu thì chỉ ngắm nghía, lựa chọn các thị trường có thu nhập cao như HQ, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Canada… Thế nhưng, ngặt nỗi những thị trường có thu nhập cao từ 1 ngàn đến vài ngàn USD/tháng này lại quá hẹp và chưa được khai thông.

Thực tế cho thấy, XKLĐ là kênh tạo thu nhập cao, xóa đói giảm nghèo nhanh nhất. Tuy tỷ lệ hộ nghèo ở TP đã kéo giảm xuống mức dưới 5% nhưng số hộ nghèo, thanh niên thất nghiệp ở TP vẫn còn nhiều. Vì thế, cần tạo thêm cơ hội cho đối tượng này đi xuất khẩu giúp họ đổi đời nhanh hơn.

Ngoài ra, TP nên đầu tư, khai thông kênh xuất khẩu kỹ sư và chuyên gia ở những thị trường đang có nhiều nhu cầu. Ông Trần Quốc Ninh, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ, Giám đốc Công ty XKLĐ và Chuyên gia (Suleco), cho biết thêm: “Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cần tuyển rất nhiều kỹ sư, chuyên gia và lao động có trình độ kỹ thuật nhưng nguồn cung ứng trong nước không đáp ứng.

Hạn chế lớn nhất của lao động có trình độ cao lẫn không có nghề là ngoại ngữ quá yếu, kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài không đạt”. Theo các chuyên gia, nếu xuất khẩu được nhiều kỹ sư, chuyên gia và lao động kỹ thuật thì nguồn vốn ngoại tệ do họ tích lũy gởi về nước hàng năm rất lớn.

Kinh nghiệm từ Ấn Độ cho thấy, hàng năm họ thu về cả chục tỷ USD từ xuất khẩu kỹ sư, chuyên gia về công nghệ thông tin. Với tiềm năng về nguồn nhân lực hiện có, TP cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn cho kênh xuất khẩu lao động chất xám, có trình độ tay nghề kỹ thuật, trong đó ưu tiên đào tạo ngoại ngữ. 

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục