Lâu nay mảng văn hóa văn nghệ trên một số báo nhìn chung còn chưa ấn tượng và thiếu sự chuyên sâu. Vấn đề này được bàn đến trong nhiều hội thảo, trao đổi nhưng chưa có giải pháp khắc phục căn cơ. Đáng mừng, Khoa Sáng tác và lý luận - phê bình văn học, Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội sẽ bắt đầu chương trình đào tạo phóng viên chuyên về văn hóa văn nghệ. Chúng tôi đã trao đổi với PGS-TS, nhà lý luận phê bình văn học Văn Giá (ảnh), Trưởng khoa, về vấn đề này.
- PV: Thưa PGS-TS Văn Giá, vì sao Khoa Sáng tác và lý luận - phê bình văn học (trước kia là trường viết văn Nguyễn Du) có chương trình đào tạo các cử nhân báo chí chuyên về văn hóa văn nghệ?
- PGS-TS Văn Giá: Tất cả những ai quan tâm đến vấn đề văn hóa nghệ thuật đều nhận thấy: Trong những năm gần đây trên các diễn đàn của báo chí, phát thanh, truyền hình hay nói rộng ra là của hệ thống truyền thông nước ta; các vấn đề về văn hóa nghệ thuật được thông tin còn quá nhiều điều đáng nói về chất lượng bài vở, nội dung thông tin... Không chỉ các ngành văn hóa nghệ thuật, các nhà văn hóa, học giả... phàn nàn, mà ngay đến độc giả, thính giả bình thường cũng không hài lòng. Vì sao có tình trạng đó? Có nhiều nguyên nhân: Do sự biến động của xã hội mà cách nhìn nhận về vấn đề này bị xem nhẹ; do quan niệm của những người lãnh đạo các cơ quan báo chí, các tổng biên tập; do sự non yếu, thiếu hiểu biết ngay trong đội ngũ những nhà báo viết về văn hóa văn nghệ... Tôi nhớ khoảng cuối năm 2010, trên một tờ báo lớn có thông tin về hội thảo ở TPHCM trao đổi về vấn đề này; nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có nói, đại ý: hiện nay trên các trang báo, thông tin về văn hóa văn nghệ chất lượng rất thấp; do những người làm báo về văn hóa văn nghệ thiếu kiến thức; do Hội Nhà báo TP chưa có điều kiện tổ chức bồi dưỡng... Từ đó tôi nảy ra ý tưởng mở những khóa đào tạo các nhà báo chuyên viết về văn hóa văn nghệ.
Ở khoa chúng tôi từ trước tới nay chỉ đào tạo những người viết văn, nhưng thực tế, nhiều thế hệ sinh viên ra trường đang làm việc tại các tòa báo và đã là những nhà báo viết về văn hóa nghệ thuật rất tốt; điều này củng cố thêm ý tưởng mở các lớp đào tạo cử nhân viết về văn hóa văn nghệ của tôi.
- Khoa đã có kế hoạch và chương trình đào tạo cụ thể?
- Lớp cử nhân viết báo về văn hóa văn nghệ được đào tạo trong 4 năm, khóa I khai giảng vào tháng 9-2011 này và mỗi năm chúng tôi mở một lớp. Như vậy, song song chúng tôi tồn tại 2 lớp: lớp viết văn (3 năm) và lớp viết báo (4 năm). Về tuyển sinh, chúng tôi lấy thí sinh đại trà (khối C và D).
Chương trình giảng dạy gồm 2 phần: Phần I, đại cương với các môn do bộ quy định, cơ bản giống với ngành viết văn; phần II, chuyên ngành, gồm tri thức về nghiệp vụ báo chí và tri thức chuyên sâu về văn học, văn hóa, nghệ thuật.
Một yếu tố quan trọng, xuyên suốt quá trình học tập là dạy cho sinh viên tiếp nhận và phân tích các tác phẩm nghệ thuật. Chúng tôi sẽ mời các nhà văn, nhà báo, đạo diễn điện ảnh, sân khấu, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh, biên đạo múa, kiến trúc sư... có nghĩa là những nhà hoạt động nghệ thuật có kinh nghiệm, uy tín và nổi tiếng đến trực tiếp giảng dạy và nói chuyện (tức như dạng cầm tay chỉ việc); đảm bảo khi sinh viên ra trường có nghiệp vụ báo chí vững vàng và có tri thức về các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Tôi cũng hy vọng từ những lớp học này, trong tương lai chúng ta sẽ có những cây bút văn hóa văn nghệ nổi tiếng, sắc sảo và xa hơn nữa là những chuyên gia về văn hóa văn nghệ.
- Trong quá trình thực hiện ý tưởng này, ông có gặp những khó khăn?
- Bất cứ một sự khởi đầu nào cũng đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, đối với chúng tôi thuận lợi lại là cơ bản. Bởi, chúng tôi được lãnh đạo của Trường Đại học Văn Hóa rất ủng hộ, và tôi cho rằng tôi đã đi trúng vào mạch của xã hội, của nhu cầu báo chí và đời sống hôm nay. Khi đưa ra ý tưởng tôi nhận được sự ủng hộ của mọi người trong giới văn nghệ sĩ và báo chí. Bên cạnh đó tôi vốn là giáo viên của trường báo chí tuyên truyền và bản thân là một nhà báo, nhà hoạt động trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học, nên có sự ủng hộ từ các đồng nghiệp và ngay cả học trò.
CAO MINH