
Sông Hoài ngày thường chỉ có ghe, thuyền qua lại để mua, bán nhưng trong những ngày lễ hội, một sân khấu nổi được dựng giữa sông và chiếc cầu phao được nối sang bờ bên kia, nơi có khu chợ quê xưa ở ven bãi bồi An Hội. Buổi tối, những chiếc đèn hoa thắp sáng được thả xuống sông. Du khách tấp nập trên bờ, dưới bến…

Vẻ sầm uất của phố cổ Hội An bên bờ sông Hoài. Ảnh: AN DUNG
Trên những con phố nhỏ chạy dọc các ngôi nhà cổ kính, nhộn nhịp khách tản bộ. Tiếng nhạc nhẹ nhàng vọng ra từ các quán cà phê như sợ phá vỡ bầu không khí thâm trầm nơi đây. Tại một số ngã tư, ánh sáng từ những chiếc đèn dầu nhỏ đặt trong các gánh chè, đậu hũ, hột vịt lộn hắt ra dìu dịu. Đêm ở phố cổ thật yên bình. Warren Olie, một khách du lịch người Úc nói: “Khung cảnh đẹp, người dân hiền hoà, tôi muốn được dắt người yêu của tôi đến đây vào dịp lễ hội tới”.
Tại những shop thời trang trên đường Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh… người vào, ra tấp nập. Chị Nguyễn Thị Trạch, chủ shop Thương ở Trần Hưng Đạo, tâm sự: “Qua những dịp lễ hội như thế này nhiều người mới hiểu thêm về Hội An, mới có dịp tận mắt ngắm nhìn những di sản vật thể và phi vật thể của Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Chúng tôi tự hào là người dân phố cổ”.
Nhưng không chỉ khách nước ngoài và người dân phố Hội mới náo nức với lễ hội mà bà con ở các xã Điện Bàn, Thăng Bình và những làng nghề như: làng chài Thanh Nam, làng gốm Thanh Hà, làng chiếu Cẩm Kim, làng mộc Kim Bồng… cũng háo hức mang sản phẩm của làng quê mình xuống phố, tham gia lễ hội. Cụ ông Đỗ Thành Lộc, 70 tuổi, ngồi đan gió lưới trong căn lều giữa chợ, cười móm mém: “Tui theo nghề này hơn 40 năm nay. Ban ngày đi làm nghề (ra biển đánh cá), ban đêm đan lưới. Có cái lễ hội ni, tui ra đây tham gia thì mới biết được không khí của những ngày lễ quê mình. Một buổi ngồi đây cũng được vài ba chục ngàn, còn được nghe hát bài chòi, coi ca nhạc…”.
Một ụ đất nhỏ được vun lên mô phỏng hình ảnh một lò rèn cổ xưa. Anh thợ rèn chừng ngoài 40 tuổi thoăn thoắt đẩy ống thổi lửa, chỉ một hồi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại “Làm công việc này khiến tui nhớ ngày còn nhỏ. Tui làm từ lúc 13 tuổi. Ông nội là thợ rèn, cha cũng thợ rèn. Tui còn nhớ, ông tui nói: con có nghe tiếng cái bễ thổi lửa và tiếng quai búa nó kêu sao không, nó kêu “cùng cực, cùng cực, nghèo”. Hồi nhỏ, đúng là tui nghe âm thanh phát ra giống vậy thiệt nhưng đến khi lớn tui mới hiểu ý của ông tui nói về công việc này. Bây chừ có điện, có mô-tơ rồi, nghĩ thương cha ông quá…”.
Ở Quảng Nam nhiều dân di cư từ khắp nơi đến lập nghiệp và mang theo cả nghề truyền thống của quê hương, dần dần hình thành những làng nghề ở mảnh đất này. Có nghề giờ đây vẫn còn bấp bênh, song cũng có nhiều nghề đã bắt đầu phát triển mang lại sự trù phú cho người dân nơi đây như nghề dệt lụa, nghề gốm…
MINH THẢO – HÀ GIANG