Đất công lãng phí nhiều năm, trách nhiệm ở đâu? Bài cuối: Nhận diện nguyên nhân, trách nhiệm

Đất công lãng phí nhiều năm, trách nhiệm ở đâu? Bài cuối: Nhận diện nguyên nhân, trách nhiệm

Việc sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP càng trở nên khó khăn khi chính “cấp trên”- các cơ quan trung ương - lại không thực hiện. Phải chăng Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ còn “kẽ hở” cho khối tài sản công khổng lồ bị sử dụng sai mục đích? Chúng tôi đã ghi nhận hàng triệu mét vuông đất “đắc địa” của các bộ, ngành đóng trên địa bàn TPHCM.

Văn phòng 2: xây để... cho thuê!

Tòa nhà bề thế số 135 Pasteur (quận 3) có diện tích hơn 3.000m² với hàng chục căn phòng khang trang nhưng hiệu quả sử dụng khiến người ta phải xót xa. Chỉ phân nửa số phòng được làm nơi hội họp, nhà khách cho lãnh đạo mỗi khi vào Nam công tác…, số phòng còn lại bị bỏ trống hoặc cho thuê. Đó là văn phòng 2 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).

Trong khi đó, các cơ quan trực thuộc bộ lại “ra riêng” với mỗi đơn vị một khu đất riêng. Tính sơ sơ, có khoảng 30 cơ sở nhà đất với tổng diện tích hơn 600.000m² là trụ sở của các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT.

Dù làm “nông nghiệp” nhưng nhà đất lại ngự trị trên các tuyến đường chính của TPHCM như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đĩnh Chi… Mỗi trụ sở có diện tích từ vài trăm đến vài chục ngàn mét vuông, trong khi giá trị mỗi mét vuông đất tính tiền chục triệu đồng.

Càng tìm hiểu kỹ, chúng tôi càng “sốc” khi biết sự “giàu có” và “phóng khoáng” của bộ này. Ví dụ, trụ sở Công ty Thuốc thú y Trung ương 2, địa chỉ số 29 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, diện tích hơn 11.000m² (bề rộng mặt tiền đường cả trăm mét) nhưng đơn vị này chỉ sử dụng một phần, còn lại thì cho thuê và … bỏ trống.

Chưa kể khu đất có diện tích hơn 2.600m² tại số 90G Trần Quốc Toản, quận 3 chỉ sử dụng phần nhỏ làm trụ sở, còn lại để chứa xe mô tô, xe gắn máy.

Đất công lãng phí nhiều năm, trách nhiệm ở đâu? Bài cuối: Nhận diện nguyên nhân, trách nhiệm ảnh 1

Bộ NN-PTNT dành hẳn khu đất rộng hơn 2.600m² (số 90G Trần Quốc Toản, P8, Q3) chỉ để làm trụ sở đậu xe đoàn công tác của bộ này, gây lãng phí. Ảnh: L.LONG

“Xí” đất và sử dụng lãng phí không phải là chuyện riêng của Bộ NN-PTNT mà hầu như bộ, ngành trung ương nào cũng chung tình trạng trên.

Văn phòng 2 của Bộ Giao thông Vận tải tọa lạc tại khu cao ốc số 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) cũng thế, hầu hết dùng làm bãi giữ xe ô tô và gắn máy của nhà hàng gần đó.

Rồi đến các văn phòng của các bộ khác như: Văn phòng 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (rộng hàng ngàn mét vuông ngay vòng xoay hồ Con Rùa); Văn phòng 2 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tòa biệt thự trên đường Nguyễn Đình Chiểu)… sử dụng không hết công năng.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là con số thống kê đất công của các bộ ngành, địa phương có sự chênh lệch lớn. Thống kê của trung ương tại Văn phòng 2 (cơ sở 2) của 20 bộ, ngành đóng trên địa bàn TP thì diện tích nhà đất chỉ 6,4 triệu m².

Dẫn đầu có lẽ là Bộ Giao thông Vận tải (quản lý hơn 1,5 triệu m² nhà đất công), Bộ Công thương (khoảng 1,2 triệu m²) và Bộ NN-PTNT phải xếp hàng thứ ba với 611.000m² cùng với các bộ, ngành khác.

Thế nhưng, theo báo cáo của TPHCM thì nếu tính luôn các trụ sở, cơ sở nhà đất thuộc bộ (do bộ quản lý) thì diện tích lên đến hơn 96 triệu m²! Trong số này có không ít diện tích sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí.

Vì sao khó đòi?

Dẫu ai quản lý thì việc sử dụng sai mục đích, gây lãng phí cũng đều là tổn thất chung của xã hội, huống hồ gì lại là các cơ quan trung ương- những đơn vị phải đi đầu làm gương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thế nhưng, dù đã bị báo chí kêu ca nhiều lần, tình trạng lãng phí đất công vẫn kéo dài hàng chục năm nay.

Đầu năm 2007, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa bằng Quyết định 09 đã yêu cầu TPHCM sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước, TP cũng đã thành lập Ban chỉ đạo 09 để thực hiện quyết định này nhưng việc thống kê đành “bó tay” đối với các cơ sở nhà đất công thuộc trung ương quản lý.

UBND TPHCM và Bộ Tài chính đã phê duyệt được 1.249/2.126 cơ sở nhà đất công thuộc Trung ương quản lý nhưng rất ít khu đất được thu hồi vì hầu hết các đơn vị này muốn giữ lại làm trụ sở…

Trưởng phòng Công sản Sở Tài chính TPHCM kiêm Tổ trưởng Tổ chuyên viên 09 (BCĐ 09) Trần Nam Trang cho rằng, do Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ có nhiều bất cập. Theo nguyên tắc, khi rà soát lại các địa chỉ nhà đất công nếu phát hiện sử dụng lãng phí, sai mục đích thì BCĐ 09 đề xuất thu hồi.

Thế nhưng, việc này không đơn giản đối với nhà đất công thuộc Trung ương quản lý, vì phải có ý kiến của bộ chủ quản và Bộ Tài chính. Do vậy, thủ tục hồ sơ hoàn tất thu hồi cơ sở nhà đất trở nên hết sức nhiêu khê và kéo dài nhiều năm. Đến nay vẫn còn 33 địa chỉ nhà đất công đã có quyết định thu hồi nhưng các đơn vị quản lý không chịu bàn giao kéo dài trong nhiều năm, tiếp tục gây lãng phí.

Một điểm nữa là Quyết định 09 không điều chỉnh đối với nhà đất quốc phòng (công an, quân đội), nhà đất của các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần và nhà đất của Văn phòng Trung ương Đảng. Theo BCĐ 09 TP, nhiều DN nhà nước đã “lách luật” bằng cách biến nhà đất công đang chịu sự điều chỉnh của Quyết định 09 thành nhà đất không chịu sự điều chỉnh của quyết định này.

Rồi việc xử lý đối với nhà đất giao cho các cơ quan nhà nước quản lý nhưng sử dụng sai mục đích hoặc bỏ trống cũng thế. Do không quy định thu hồi ngay mà để đơn vị chấm dứt việc cho thuê cho mượn trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực mới được thu hồi nên các đơn vị có thời gian hợp thức hóa bằng cách xin chuyển mục đích sử dụng đất, lập dự án đầu tư xây dựng mới với sự góp vốn của tư nhân (khi không có khả năng thực hiện dự án), dẫn đến liên doanh, liên kết, góp vốn đầu tư không đúng chức năng.

Đến nay, nhiều nhà đất được duyệt cho chuyển mục đích theo kiểu này, đã qua thời gian dài vẫn chưa triển khai thực hiện dự án, nhưng không thể thu hồi bởi Quyết định 09 không có quy định hình thức xử lý. 

HÀN NI- LÊ LONG

* Thông tin liên quan:

Đất công lãng phí nhiều năm, trách nhiệm ở đâu?
Bài 3: “Xí” đất rồi bỏ hoang

Tin cùng chuyên mục