Đặt hàng doanh nghiệp xây dựng đô thị thông minh

TPHCM xác định nội dung trọng tâm của xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh là cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử. Trong đó, năm 2017, chính quyền TP định hướng thúc đẩy xã hội hóa nhiều chương trình ứng dụng CNTT.

TPHCM xác định nội dung trọng tâm của xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh là cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử. Trong đó, năm 2017, chính quyền TP định hướng thúc đẩy xã hội hóa nhiều chương trình ứng dụng CNTT.

Tại buổi gặp gỡ đầu năm ngành công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) năm 2017 với chủ đề “Doanh nghiệp (DN) CNTT-VT xây dựng TP thông minh, hiện đại” do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung tổ chức vào ngày 10-3, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Lê Quốc Cường cho biết, từ cuối tháng 10-2016, UBND TPHCM đã tổ chức các đoàn khảo sát xây dựng Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, nhằm hình thành trong quá trình khảo sát một số dự án, chương trình, đề án cần thực hiện ngay hoặc thực hiện thí điểm trong năm 2017 - 2018, giải quyết những vấn đề bức xúc của TP theo hướng đô thị thông minh. Đoàn khảo sát xây dựng đề án có sự tham gia của đại diện các hội chuyên ngành, DN CNTT liên quan đến ứng dụng, hạ tầng, nguồn nhân lực... Từ khảo sát này, các DN quan tâm có thể hình thành các nội dung, giải pháp để có thể tham gia tổng thể hoặc đề tài ngắn cho đề án.

Đồng thời, Sở TT-TT TP sẽ trực tiếp đặt hàng các vấn đề với DN, tập trung các lĩnh vực ưu tiên gắn với xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, DN và các vấn đề bức xúc liên quan đến an sinh xã hội.

Doanh nghiệp giới thiệu giải pháp ứng dụng cho đô thị thông minh tại cuộc gặp mặt ngày 10-3

Để đặt hàng các DN hiệu quả, Giám đốc Sở KH-CN TP Nguyễn Việt Dũng cho rằng, chính quyền TP cần sớm xây dựng các quy chuẩn cụ thể, từ kiến trúc đến các chuẩn giao tiếp, dữ liệu. Nhà nước cũng phải công bố rõ “chuẩn” này để các DN, hiệp hội làm cơ sở để đề xuất công nghệ, giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó là đẩy mạnh liên kết DN với chính quyền và khu vực trường học; mở cửa để DN cung ứng giải pháp cho “thị trường” hành chính công…

Tại buổi gặp gỡ, nhiều DN, Hiệp hội CNTT đã mạnh dạn đề xuất các giải pháp “thông minh” cho TP như: nhà kho dữ liệu tập trung trực tuyến cấp TP, số hóa trong quản lý thu gom vận chuyển rác đưa thành phố sạch và xanh hơn… Cùng với đó, giới thiệu các sáng kiến, giải pháp về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, áp dụng mô hình thành phố thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh; giải pháp về kiểm soát, quản lý công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế… thông qua các gian hàng trưng bày.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, TPHCM đang nỗ lực hướng tới xây dựng một TP thông minh, trong đó ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề cấp bách được đặt lên hàng đầu. Để thực hiện mục tiêu này, TP cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là các DN CNTT với các giải pháp cụ thể. TP hiện đang tập trung xây dựng đề án và sớm có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể từng lĩnh vực, từ đó DN phát triển các giải pháp để kết nối, khai thác chung.

Đánh giá các DN trong nước đã có bước phát triển mạnh trong lĩnh vực CNTT; nhiều DN đã cung cấp được sản phẩm công nghệ cho nước ngoài hiện rất sẵn sàng mang công nghệ về giúp xây dựng TP thông minh, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, mục tiêu của TPHCM không phải là đi mời các nước về giới thiệu các công nghệ để phát triển đô thị thông minh, mà mong muốn đón nhận các sản phẩm công nghệ của người Việt Nam, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Việt. Trước mắt, TP sẽ tổ chức hội chợ để các DN Việt quảng bá giải pháp, công nghệ; tiến tới xây dựng một sàn giao dịch công nghệ thông minh cho TPHCM trong tương lai.

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục