Giá địa ốc tại TPHCM quá cao khiến thị trường đóng băng, những năm qua người dân thành phố gần như đã “quên” hẳn. Ngược lại, thị trường địa ốc ở vùng ven và các tỉnh giáp ranh TP trở nên xôm tụ, thu hút những người ít tiền. Nắm bắt được nhu cầu này, các công ty môi giới đã tiếp thị tràn ngập bằng tờ rơi phát ở ngã tư, tờ phướn dán cột điện và nhắn tin qua điện thoại…
Càng xa, càng rẻ
Mới đây nhất là tờ phướn treo trên cột điện ở khắp các tuyến đường quận 5, 6, kể cả quận 1 khá ấn tượng như “đất nền ven sông quận 8, giá 8,5 triệu đồng/m²” hoặc “đất nền 11,6 triệu đồng/m² bao gồm móng”. Thông số đưa ra đủ để kích thích tò mò, bởi “ven sông quận 8”, có lẽ không phải đắt lắm.
Trong vai người mua đất, chúng tôi liên lạc với số điện thoại ghi trên tờ phướn. Miệt mài xuôi theo đường Phạm Thế Hiển, sau hai ba lần chỉ dẫn cuối cùng cũng giáp mặt dự án. Nhân viên môi giới cho biết, đây là phần “đất mới” của khu dân cư Hai Thành (hoặc khu dân cư Phú Lợi), phường 7, quận 8. Khu dân cư cũ đã có người ở, nhà cửa xây dựng tương đối nhiều, gần đó là đường Nguyễn Văn Linh, xe cộ nườm nượp ngược xuôi… Nhìn có vẻ xôm tụ nhưng phần hạ tầng nối với khu dân cư vẫn còn dang dở. “Lúc trước chủ đầu tư đã bán hết, nay làm tiếp khu này, nhưng cả hai vẫn cùng một chủ đầu tư và cùng một dự án”, nhân viên này chia sẻ. Lúc này các thông tin trên hai tờ phướn được giải mã: đều chung một dự án, nếu chưa làm móng giá 8,5 triệu đồng/m²; làm móng xong và có thuế VAT giá 11,6 triệu đồng/m²; còn ven sông chính là dọc rạch Bà Tàng. Hiện tại dự án đang làm hạ tầng, hệ thống cống đã xong, mặt đường đang lu lèn. Nhân viên môi giới cho biết, khoảng tháng 6 xong hạ tầng và giao nền cho khách hàng xây nhà luôn. Lịch thanh toán linh hoạt, đóng 50% nhận nền, còn lại trả góp trong hai năm. Theo thông số trên catalogue, chủ đầu tư chào bán khoảng 250 nền trên tổng số 300 nền. Công bằng mà nói, so với trước đây, dự án này giảm giá khoảng 40%!
“Khu đô thị Nam Long 660 triệu đồng/nền”, tấm quảng cáo treo trên trụ điện như thách thức người chưa có nhà, hoặc người đang tính đầu tư vào “mặt hàng truyền thống”, hy vọng thị trường ấm lại để kiếm lời. “Đi đường cao tốc, tới Bến Lức, Long An quẹo vào là đúng ngay dự án”, một nhân viên môi giới chỉ dẫn. Khung cảnh thật hoành tráng, ngay đường dẫn vào đường cao tốc hàng trăm tấm pano quảng cáo dự án treo san sát nhau trông thật bắt mắt, chứ không phải treo lẻ tẻ như tại TPHCM. Lúc này thông tin về dự án phong phú hơn: “Khu dân cư Nam Long 350 triệu đồng/nền, đất nền, đường nhựa 12m, hạ tầng hoàn thiện”, “Khu dân cư Nam Long, 1,69 tỷ đồng/căn, nhà phố thương mại”... Nhân viên công ty phác thảo, tên đầy đủ của dự án là khu đô thị Waterpoint An Thạnh gần 400ha do Công ty cổ phần Nam Long làm chủ đầu tư, trải dài theo đường dẫn và cách đường cao tốc chừng 150m, một mặt gần sông Vàm Cỏ Đông. Vị trí đang mở bán là khu nhà phố An Thạnh, tổng cộng 129 căn, đang có hạ tầng hoàn chỉnh. Ngay tại đây cũng có trường học, nhà tái định cư cho cư dân tại chỗ, có chợ búa… trông có vẻ khá xôm tụ. Hiện chủ đầu tư đang mở bán hai loại sản phẩm, nhà phố xây dựng sẵn, một trệt một lầu giá 1,69 tỷ đồng, nền nhà phố giá thấp nhất 4,5 triệu đồng/m². Có lẽ ở nơi “đất rộng người thưa” nên quy hoạch khá thoáng, nền nhà phổ biến 6m x 20m hoặc 6m x 27m. Kế bên, phía sông Vàm Cỏ Đông là khu đô thị chính Waterpoint 381ha, một đoạn rào bằng tôn, chưa có động tĩnh gì. Theo báo cáo tài chính quý 3-2013 của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, “chi phí sản xuất kinh doanh dở dang” của dự án này hơn 1.228 tỷ đồng.
Cứ như thế, dự án địa ốc đất nền rao bán càng xa giá càng rẻ, vị trí ít thuận lợi thì rẻ hơn, cá biệt có dự án chỉ bán 98 triệu đồng/nền 90m², vì “vị trí yếu hơn” như ở tỉnh lộ 10, xã Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An.
Làm được, thưởng lớn!
Thị trường đất nền trải dọc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và kể cả Long An. Nói chung ở những nơi có thể đem lại sự kỳ vọng, càng kỳ vọng thì đất nền càng nhiều, giá có thể khá cao, đó là ăn theo đường cao tốc như TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, hoặc thành phố mới Bình Dương, đặc biệt gần sân bay Long Thành.
Yếu tố tạo nên sự sôi động đất nền vùng ven là giá rất rẻ so với TPHCM, mua dễ dàng tùy theo túi tiền, không bắt buộc xây nhà, trên hết có thể đầu tư như một món hàng, bởi quan niệm cố hữu lâu nay: “người đẻ chứ đất không đẻ”. Những thị trường này đã hình thành các công ty môi giới chuyên nghiệp “cát cứ một phương”, ví dụ nói đến Bình Dương là nhắc ngay đến Công ty Địa ốc Kim Oanh; sân bay Long Thành là Công ty cổ phần Bất động sản Nam Tiến, khu đô thị mới Nhơn Trạch là Công ty cổ phần Phúc Khang… Cuối tuần, các chủ đầu tư hay nhà môi giới đều tổ chức xe đưa khách hàng đi tham quan dự án, riêng Công ty cổ phần Bất động sản Nam Tiến mỗi tuần 3 lần. Nếu nói bán đất nền, đáng nể nhất phải kể đến Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh. Những năm khủng hoảng vừa qua, công ty ăn nên làm ra với bộ máy trên 500 nhân viên. Có khi tổ chức đưa khách đi tham quan dự án cả chục chiếc xe 50 chỗ ngồi! Còn nhớ, lần tổng kết năm ngoái, công ty đã trao giải nhất cho khách hàng là chiếc ô tô trị giá khoảng 400 triệu đồng, nền đất, vàng lượng, xe máy! Cũng trong năm 2012, tổng số sản phẩm bán ra 3.000 nền, cuối năm công ty thưởng tết cho nhân viên hơn 5 tỷ đồng. Năm rồi, bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc cho biết, số lượng sản phẩm bán ra thấp hơn, khoảng 2.000 nền, từ các chủ đầu tư là Becamex, Tín Nghĩa, Biconsi, Giang Điền…, doanh thu đạt hơn 60 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Trần Đức Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Nam Tiến tiết lộ, năm nay bán tổng cộng 500 nền đất ở dự án bất động sản sân bay Long Thành. Nhân viên bán được nhiều nhất 100 nền, tiền môi giới nhận được gần 1 tỷ đồng, thưởng tết 50 triệu đồng!
Kết quả “bề nổi” kinh doanh địa ốc ở các tỉnh lân cận thật thú vị, đã làm lu mờ những dự án địa ốc “ăn sóng nói gió” ở TPHCM, đồng thời là một phép so sánh thú vị: một bên đang lên, một bên đang tàn! Đối với người ít tiền, địa ốc trở thành kênh đầu tư kỳ vọng tương lai, bất kể đóng băng hay sôi động…
LƯƠNG THIỆN