Đặt niềm tin nhầm chỗ

Trong thực tế có nhiều trường hợp vì tin tưởng nên làm việc chỉ thỏa thuận mà chưa ký hợp đồng chính thức; hoặc đưa tiền góp vốn kinh doanh để rồi mất trắng khi đối tác ôm tiền bỏ trốn. Từ những vụ án này, bài học cẩn trọng, chặt chẽ khi giao kết hợp tác không bao giờ thừa.
Phiên tòa xét xử vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng hợp tác” giữa nguyên đơn là diễn viên Phạm Thị Ngọc Trinh đối với bị đơn là Nhà hát Kịch TPHCM
Phiên tòa xét xử vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng hợp tác” giữa nguyên đơn là diễn viên Phạm Thị Ngọc Trinh đối với bị đơn là Nhà hát Kịch TPHCM
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng hợp tác” giữa nguyên đơn là diễn viên Phạm Thị Ngọc Trinh đối với bị đơn là Nhà hát Kịch TPHCM vừa kết thúc, với phần thắng kiện thuộc về bà Ngọc Trinh. Từ lời trình bày tại phiên tòa giữa hai bên cho thấy, nguồn cơn dẫn đến vụ kiện là thiếu hợp đồng hợp tác được ký kết giữa hai bên. 
Vào tháng 3-2014, Nhà hát Kịch TPHCM - do ông Trần Khánh Hoàng làm giám đốc - đã có thỏa thuận hợp tác với bà Ngọc Trinh để dàn dựng và tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng theo phương thức xã hội hóa. Do tin tưởng, quen biết nhau nên bà Ngọc Trinh và ông Khánh Hoàng chỉ thỏa thuận các nội dung hợp tác, chưa ký hợp đồng chính thức. Đến tháng 11-2014, Nhà hát Kịch TPHCM có văn bản chấm dứt hợp tác với bà Ngọc Trinh, dẫn đến bà bị thiệt hại số tiền đầu tư vào các vở kịch được dàn dựng và biểu diễn tại nhà hát. Bà Ngọc Trinh khởi kiện ra TAND quận 1. Viện cớ chưa chính thức ký kết hợp đồng hợp tác, Nhà hát Kịch TPHCM cho rằng giữa các bên không có sự ràng buộc trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, theo nhận định của hội đồng xét xử, dù hai bên chưa chính thức ký kết nhưng ông Trần Khánh Hoàng thừa nhận có thỏa thuận hợp tác và đã có 55 suất diễn, cho thấy đã có đủ cơ sở xác định hai bên có hợp đồng hợp tác sân khấu. Do vậy, hội đồng xét xử tuyên chấp nhận một phần đơn kiện của bà Ngọc Trinh, buộc Nhà hát Kịch TPHCM bồi thường 233 triệu đồng. Bà Ngọc Trinh còn may mắn vì đã thắng kiện, dù phải lâm vào cảnh “vô phúc đáo tụng đình”. 
Trong thực tế có nhiều trường hợp vì tin tưởng nên đã đưa tiền góp vốn kinh doanh, để rồi mất trắng khi đối tác ôm tiền cao chạy xa bay. Một vụ việc điển hình là ông Phạm Vũ Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Quang Việt (trụ sở tại quận Tân Bình), bị nhiều người làm đơn tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM về hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra ban đầu, vào năm 2014, ba cá nhân cùng ngụ tại TPHCM đã ký hợp đồng góp vốn kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô điện tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng) với ông Đôn. Thực hiện hợp đồng, các cá nhân này đưa ông Đôn hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Quang Việt còn ký hợp đồng với một cá nhân, thỏa thuận nhập và cung cấp mỹ phẩm Dermalogica của Mỹ tương ứng với số tiền 750 triệu đồng cho cá nhân này. Thế nhưng sau khi nhận các khoản tiền, ông Đôn không thực hiện hợp đồng như đã cam kết và bỏ đi khỏi nơi cư trú. Hiện cơ quan điều tra đã ra thông báo truy tìm ông Đôn, còn những người bị hại chẳng biết đến bao giờ mới có thể nhận lại tiền của mình.  
Từ những vụ án này cho thấy, bài học cẩn trọng, chặt chẽ khi giao kết hợp tác không bao giờ thừa. Góp vốn đầu tư mà không có giấy tờ ràng buộc trách nhiệm hoặc không tìm hiểu kỹ đối tác thì khả năng nhận rủi ro rất cao.

Tin cùng chuyên mục