
Vào các khu công nghiệp thì giá thuê đất cao…Vậy phải đi đâu bây giờ? Thôi thì đành ra ngoại thành, kiếm những ruộng lúa, vườn cây ở Củ Chi, Hóc Môn… có giá bán đất chỉ khoảng 500.000 – 1.000.000 đồng/m2 để xây nhà máy! Đó là cách lựa chọn của không ít nhà máy, xí nghiệp (chủ yếu là của tư nhân) sau khi bị buộc phải di dời ra khỏi nội thành vì gây ô nhiễm cho cộng đồng dân cư ở đây.
Trở lại ngoại thành trong những ngày cuối tháng 10 này, thật buồn khi thấy nhiều cánh đồng từng một thời gợn sóng, những vườn cây xum xuê cây trái đã bị bỏ hoang.

Bên cạnh cánh đồng lúa giờ chỉ còn lác đác cỏ dại của ông Nguyễn Văn Mường ở ấp 4 xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn là 2 ha ruộng sắp phải bỏ hoang của chị Nguyễn Thị Gái, người đàn bà đang xả nỗi bức xúc với chúng tôi: “Ngày trước tụi tôi lấy nước của Rạch Dừa (chảy qua ấp 4) để tưới cho ruộng lúa của mình. Nay nước ở Rạch Dừa đen thui vì nước xả của mấy nhà máy nằm ở đầu nguồn nên chẳng tưới tiêu gì được cả. Đào giếng thì nước giếng ngầm cũng vẩn đục nên tưới vào lúa, lúa chết ráo. Kiên nhẫn chừng 2-3 vụ lúa… tụi tôi đành phải bỏ”.
Rồi chị Gái xăng xái quơ chiếc nón đội lên đầu dẫn tôi men theo Rạch Dừa. Lúc này con nước đang ròng cạn. Trước mắt chúng tôi là những cống xả nước thải của các nhà máy, xí nghiệp nằm ven kênh đang rỉ rả thải ra những dòng nước đen ngòm.
Ấp 1, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi cũng là một trong những mảnh đất được sông Sài Gòn thường xuyên bồi đắp phù sa.
Nhớ lại chuyện cũ, bác Ba Sơn - một lão “nông tri điền” ở đây nói: “Ngày trước, cứ cắm cây gì xuống là chắc ăn cây đó… Giờ thì, nhìn đâu cũng thấy nước đen sì từ các nhà máy chế biến mủ cao su nằm gần đây thải ra. Cây chi mà sống nổi”.
Theo lời bác Ba Sơn, thực ra các nhà máy này cũng đến thương lượng và đền bù thiệt hại cho dân nhưng “đền bù cũng chỉ được năm, ba bữa trong khi đó, tụi tôi sống đời ở đây nên chẳng thấm đâu so với những thiệt hại mà tụi tôi phải gánh chịu”.
Bác Ba Sơn dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa đã bị cháy vàng xơ xác. “Tôi cũng đã cố lắm, ai mách cách chi để cứu lúa là tôi làm theo ngay nhưng làm cách gì lúa cũng không mọc nổi” -bác Sơn nói.
Ở cái tuổi 80 với ngót 60 năm gắn bó với đồng ruộng, giờ nghĩ đến chuyện phải chia tay với nó, bác Sơn thấy lòng đau thắt. Vậy mà các nhà máy ô nhiễm vẫn “thi nhau” kéo về Củ Chi. Xem ra ngày bác Ba Sơn phải chia tay với đồng ruộng không còn xa nữa!
Trai trẻ như anh Nguyễn Văn Phú ở ấp 1 xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi-người có 2 ha lúa đang chết dần, chết mòn vì ô nhiễm, cũng buồn bã thở than: “Gia sản ông bà để lại chỉ có đất, nhưng đất không sản xuất được thì lấy gì ăn đây? Họ có biết làm vậy là lấy đi cái cần câu cơm của hàng ngàn nông dân không?”.
Rồi anh băn khoăn tự hỏi: “Không hiểu chính quyền địa phương nghĩ sao mà lại cho nhà máy, xí nghiệp xây dựng trên cánh đồng đang làm nông. Mà vùng này lại là đồng bưng trũng thấp”.
Thực tế, câu hỏi này đã nhiều lần được người dân nêu lên với chính quyền địa phương. Và nhiều năm qua, UBND huyện Củ Chi cũng đã phạt nặng hàng chục công ty sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại các xã Tân Phú Trung, Tân An Hội, Tân Thông Hội... Thế nhưng, sau khi phạt, tình hình thải chất thải ô nhiễm chỉ tạm lắng xuống một thời gian rồi sau đó lại đâu vào đấy. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà máy vẫn tiếp tục mọc lên trên những cánh đồng lúa?
NGUYỄN PHƯƠNG LAM