Đất rừng Tây Nguyên “bay màu” - Bài 1: Công khai xà xẻo, mua bán đất rừng

LTS: Rừng và đất lâm nghiệp Tây Nguyên liên tục bị suy giảm trước áp lực “xà xẻo” của các dự án du lịch, nông lâm kết hợp hay nhu cầu đất canh tác. Tình trạng đất rừng bị tàn phá, xâm chiếm trái phép diễn ra nhiều nơi, thậm chí các đối tượng còn “hô biến” đất rừng thành đất có sổ đỏ. Còn đối với các dự án được chuyển đổi từ rừng hầu hết hoạt động không hiệu quả, đất tiếp tục bị xâm chiếm, rừng chết dần, trong khi ngành chức năng vẫn mãi loay hoay xử lý, thu hồi.
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp tại Lâm Đồng đang được "ngầm" giao dịch mua bán gây khó khăn cho công tác quản lý
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp tại Lâm Đồng đang được "ngầm" giao dịch mua bán gây khó khăn cho công tác quản lý

Từ những khu rừng xanh tốt, theo thời gian, rừng Tây Nguyên bị “cạo trọc” không thương tiếc. Nhiều khu vực không đảm bảo tiêu chí thành rừng cũng bị phù phép, hô biến thành đất sản xuất ổn định trên đất rừng, thậm chí ra sổ đỏ mua bán công khai.

Cung - cầu tăng mạnh

Trong vai người mua đất, chúng tôi đến xã Ea Bung (huyện Ea Súp, Đắk Lắk), một trong những xã đang “nóng” về tình trạng mua bán đất rừng. Gặp ông N.V.L., chúng tôi chủ ý hỏi mua đất khu vực tiểu khu 252 (xã Ea Bung) thì ông không ngại ngần: “Giờ giá cao lắm rồi. Có gần 9ha đất trồng sắn đang canh tác, nếu muốn mua thì gia đình bán 3 tỷ đồng”. Ông L. cho biết, hơn 4 năm trước ông đã mua lại diện tích đất này của người dân địa phương và canh tác cho đến nay. Nhiều người hỏi mua nhưng gia đình ông chưa bán vì chưa được giá.

Ngoài khu đất của ông L., chúng tôi lân la đến các khu vực khác ở xã Ea Bung, huyện Ea Súp, để tìm hiểu thì được chào mời với giá từ 150-200 triệu đồng/ha. Khi hỏi về nguồn gốc đất thì tất cả cho biết đều từ đất rừng nên không có sổ đỏ và giao dịch chỉ có giấy viết tay. Qua tìm hiểu, năm 2007, UBND huyện Ea Súp giao cho 13 nhóm hộ trên địa bàn xã Ea Bung quản lý bảo vệ rừng với diện tích hơn 1.735ha tại các tiểu khu 245, 246, 252 và 259. Thực trạng rừng thời điểm giao là rừng nghèo, với mật độ 307 cây/ha với trữ lượng từ 8.000m3-24.000m3 gỗ. Sau 15 năm, giờ đây rừng ở các tiểu khu này đã bị phá trắng, chúng tôi không tìm được một cây rừng tự nhiên nào mà chỉ thấy những vườn cao su, vườn mít, mía... trải dài bạt ngàn.

 Đất rừng tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) được rao bán một cách công khai 

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, trước áp lực cần đất sản xuất và trào lưu “bỏ phố về rừng” ngày càng tăng mạnh, những năm qua, đất lâm nghiệp luôn được săn đón bất chấp những rủi ro mà người mua có thể gặp phải. Khi thổ lộ nhu cầu muốn lập trang trại ở vùng ven Đà Lạt với chi phí eo hẹp, chúng tôi được L.T.T. (một môi giới nhà đất ở TP Đà Lạt và huyện Lâm Hà) giới thiệu: “Có một mảnh giá chỉ 220 triệu đồng/sào (1.000m2), về lý thuyết là đất rừng nhưng đã được người dân trồng cà phê từ nhiều năm nay, em cứ yên tâm mua, không sợ bị giải tỏa đâu”. Khi chúng tôi thắc mắc về thủ tục sang nhượng thì L.T.T. nói chắc nịch: “Cái này viết giấy tay thôi, có lăn tay điểm chỉ cho yên tâm nhé. Nếu có điều kiện các em trồng mấy loại cây như mắc ca, mít, sầu riêng, vừa tạo mảng xanh cho rừng vừa khó bị giải tỏa”.

 Những vườn cây nông nghiệp ở tiểu khu 246, xã Ea Bung, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đã mọc lên thay thế cho cây rừng

Việc mua bán đất lâm nghiệp diễn ra không chỉ với đất nhà nước quản lý mà ngay trong các dự án giao đất cho doanh nghiệp cũng diễn ra công khai. Chúng tôi tìm đến trang trại mắc ca của Công ty TNHH Ánh sáng Vinh Hòa và được ông Trần Vinh, giám đốc công ty, cho biết: “Mảnh đất rừng diện tích hơn 1ha thuộc dự án nhưng người ta nhảy vào chiếm rồi mua, bán cho người khác với giá 150 triệu đồng. Sau đó còn công khai dựng nhà trái phép bất chấp quy định pháp luật. Chúng tôi nhiều lần kêu cứu đến chính quyền địa phương nhưng đến nay đất vẫn bị chiếm, thậm chí đã giao dịch sang tay thêm người khác”.

Theo Ông Phan Thanh Pha, Chủ tịch UBND xã Ea Bung (huyện Ea Súp, Đắk Lắk), tình trạng mua bán đất rừng diễn ra trên địa bàn nhưng các giao dịch chủ yếu là “ngầm” nên rất khó phát hiện và xử lý.
Tại một số khu vực vùng ven Đà Lạt hoặc các huyện lân cận như Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng… đất lâm nghiệp được “ngầm” giao dịch từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng/sào, tùy vào địa hình, đường giao thông và yếu tố quan trọng nhất là xung quanh không còn rừng. Theo các “cò” đất, cung - cầu thị trường đất lâm nghiệp thời gian vừa qua tăng mạnh do ảnh hưởng bởi các đợt sốt đất. “Bí quyết của giới săn đất rừng là biến những khu vực vốn là rừng thành những khoảng đất trống không đảm bảo tiêu chí thành rừng, sau đó biến thành đất sản xuất ổn định trên đất rừng”, một cò đất tại Lâm Đồng cho biết.

Làm sổ đỏ trên đất rừng

Không chỉ người dân lấn chiếm mà cán bộ giữ rừng cũng lấn chiếm đất rừng, thậm chí đất rừng còn bị “hô biến” thành đất có sổ đỏ. Việc này xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (tỉnh Gia Lai). Cụ thể, qua xác minh của cơ quan chức năng, ban quản lý này để mất hơn 2.471ha đất lâm nghiệp, trong đó nhiều cán bộ, nhân viên của ban quản lý có lấn chiếm sử dụng hơn 84.000m2 đất lâm nghiệp để làm rẫy và xây nhà ở. Trong số diện tích bị lấn chiếm, có khoảng 47.000m2 đã được UBND TP Pleiku cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước. Liên quan vụ việc này, ngoài trách nhiệm chính của Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, hàng loạt cán bộ từ địa phương đến Phòng TN-MT TP Pleiku, Văn phòng Đăng ký đất đai TP Pleiku cũng phải chịu trách nhiệm vì đã thiếu sót, chưa làm hết vai trò trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật.

Đất rừng Tây Nguyên “bay màu” - Bài 1: Công khai xà xẻo, mua bán đất rừng ảnh 3 Đất rừng tại xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bị gặm nhấm để canh tác cây công nghiệp
Quay trở lại Đắk Lắk, khi chúng tôi vào tiểu khu 251 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH 27-7 để hỏi mua đất thì một người phụ nữ tự xưng là chủ đất ra gặp. Bà này cho biết tên Châu Thị Nhãn, là một trong những cổ đông lớn của Công ty 27-7 và đang sở hữu hơn 100ha đất tại khu vực trên. Bà Nhãn ra giá khu đất hơn 100ha là 17 tỷ đồng. Để tạo lòng tin, bà Nhãn còn khoe với chúng tôi khu đất trên đã được cấp trích lục và có thể làm được sổ đỏ. “Chị quen với anh em bên Sở TN-MT Đắk Lắk, nếu đồng ý mua đất, chị sẽ liên hệ với đường dây này để làm sổ đỏ cho em. Đất chị có trích lục rồi nên làm sổ đỏ dễ lắm, chỉ cần bỏ thêm ra khoảng 1 tỷ đồng và trong 2 tháng sẽ có sổ luôn”, bà Nhãn khoe. Không chỉ thế, bà Nhãn còn cho biết có thể chuyển đổi khu đất trên từ đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp với giá khoảng 4 tỷ đồng.

Tình trạng biến đất rừng thành đất có sổ đỏ cũng diễn ra nhiều ở tỉnh Đắk Nông. Khi chúng tôi đến xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk Nông), nhiều hộ dân ở đây cũng đang đứng ngồi không yên khi UBND huyện ra thông báo thu hồi sổ đỏ vì cấp chồng lấn trên đất 3 loại rừng. Đưa chúng tôi ra cuối bon Păngso (xã Đắk Som), ông K’Hai chỉ tay về ngọn đồi với những rẫy cà phê trải dài ngút tầm mắt và cho biết gia đình có hơn 2ha cà phê bị thu hồi sổ đỏ ở khu vực này. Đa số diện tích cây trồng ở đây đều được canh tác từ nhiều năm trước, có những vườn cà phê đến nay đã gần 20 năm tuổi. Ở đây không còn dấu hiệu của rừng. Ông K’Hai cũng thừa nhận, trước đây khu vực này là rừng, gia đình ông và nhiều hộ dân khác đến khai hoang để sản xuất nông nghiệp. Mãi đến năm 2012, chính quyền địa phương mới tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại khu vực. Nhưng không ngờ rằng đất ở khu vực trên đã được quy hoạch đất 3 loại rừng nên phải thu hồi. Hiện nay, ngành chức năng của huyện Đắk Glong đang tổ chức thu hồi lại 65 sổ đỏ cấp sai quy định tại xã Đắk Som. Tuy nhiên, công tác thu hồi lại sổ đỏ gặp nhiều khó khăn, đa số các sổ đỏ trên người dân đã thế chấp cho ngân hàng để vay vốn.

Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng còn khoảng 52.000ha đất lâm nghiệp nhưng đang được sản xuất nông nghiệp ổn định, chiếm 8,7% trong tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh. Trong đó, quy hoạch rừng sản xuất 34.916ha, quy hoạch rừng phòng hộ 16.883ha, quy hoạch rừng đặc dụng 242ha.

Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo Thanh tra tỉnh chủ trì thanh tra toàn diện việc Sở NN-PTNT đã thực hiện các hồ sơ, thủ tục, tổng hợp, tham mưu và đề xuất UBND tỉnh ban hành các quyết định điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục