Dì Múa vốn không biết chữ, các con số cũng mù mờ, đi chợ còn phải xòe tiền ra cho người ta tự lấy nên chưa bao giờ có khái niệm năm “tám mấy, chín mấy”. Dì đặt tên cho năm tháng bằng những sự kiện khó quên của đời mình, như: “năm anh Tấn cai rượu”, “năm cái Hĩm bị té u đầu”.
Nhà dì ở giữa xóm, nằm trên dải đất nhỏ xíu hình tam giác, thóp đuôi. Ngày xưa, người ta chê miếng đất như vậy không có hậu, chẳng ai mua nên vợ chồng dì mới mua được giá rẻ để cất mái nhà tranh. Chồng dì là chú Tấn Dở, nghiện rượu nặng, thường cởi trần, phơi bụng to ọc ạch. Cứ chập choạng tối, người ta lại thấy chú chân nam đá chân chiêu nghênh ngang khắp xóm. Trẻ con sợ chú còn hơn sợ ngáo ộp. Hễ đứa nào quấy khóc, má nó dọa mang đến cho Tấn Dở nuôi là im bặt.
Nhưng dì Múa ở được với chú. Dì bảo, ngoài tật lười làm, uống rượu, đánh vợ như cơm bữa thì chồng dì chẳng đến nỗi đáng sợ. Chú hiền hơn từ “năm sinh cái Hĩm”. Người đàn ông bỗng dưng bớt uống rượu. Có uống cũng say mê khoe con gái: “Con gái tui đẹp nhất làng”. Riết rồi bạn nhậu ngán, không muốn nhậu cùng chú nữa.
Tưởng chừng vợ chồng dì tích cóp sắp xây được nhà thì tai họa đã ập đến. “Năm đẻ thằng Tí”, chú đổ bệnh, phải chuyển lên thành phố chạy chữa. Dì một tay bế con, một tay xách theo xoong chảo đi nuôi chồng. Những ngày bệnh viện trả chú về vì vô phương cứu chữa, chiều chiều, người ta lại thấy dì địu thằng Tí phía trước, cõng chồng trên lưng ra đầu xóm đốt vía theo lời mách của thầy cúng. Lúc đó, chú Tấn Dở đã gầy xọp, da vàng bủng, tay chân run rẩy. Miệng chú méo mó, lập bập muốn nói gì nhưng không thành lời, dì chỉ nghe nước mắt rớt trên vai áo mình nóng hổi.
Má con dì được ở nhà xây sau khi chú mất. Xã xây cho dì một căn nhà tình thương nhỏ xíu, không tô trát, lúc dọn vào ở vẫn còn nguyên mùi vôi vữa. Dì Múa chọn góc sáng sủa nhất để đặt bàn thờ rồi nhờ thợ ảnh ghép để chồng mình được mặc đồ vest, đi giày Tây. Tấm ảnh có mỗi gương mặt chú quen, còn lại mọi thứ đều trông xa lạ. Nhưng phải vậy, dì mới có cảm giác chồng mình đã không phải sống một cuộc đời quá cơ cực.
Người cơ cực nhất xóm phải là dì Múa, dì làm thuê đủ chỗ mới có tiền nuôi 2 đứa nhỏ. Nhiều hôm đi làm, dì mang theo cái thau nhựa to, đặt dưới bóng cây rồi thả con Hĩm với thằng Tí vào đấy cho chúng chơi với nhau. Mải làm, bóng cây ngả sang hướng khác, chiếc chậu nhựa phơi nắng muốn chảy mềm ra, còn 2 đứa khóc re ré vì nóng.
“Năm thằng Tí va bậc cửa gãy hai cái răng”, ở quê mở xưởng chế biến gỗ, tuyển nhiều công nhân. Dì Múa được thuê bóc vỏ cây, cả ngày lúi cúi, dán mặt vào những cây gỗ keo. Tiền công tính bằng số cây nhẵn bóng. Dì Múa luôn làm ráng, cứ mắm môi mà tước vỏ cây rèn rẹt hết tháng này qua năm khác. Đám trai tráng khỏe vâm cũng không trụ được như dì. Má dì ngó con thấy xót, nhưng bà cũng nghèo chẳng giúp được, chỉ biết khuyên: “Hay mày kiếm ai thương 2 đứa nhỏ thì đi bước nữa”. Dì thừa biết, bà đang nhắc tới ông Bảy Giùm.
Ông Bảy Giùm là dân vãng lai, mới xin vào xưởng gỗ, cũng để bóc vỏ cây. Đúng như tên, ai nhờ gì, ông cũng làm giùm. Thậm chí, thấy đứa nào bóc được ít cây quá, ông ở lại phụ cho đủ công. Một hôm, thằng Tí mang cà mèn cơm ra cho má. Thấy thằng bé sún răng dễ thương, ông Bảy tới xoa đầu hỏi: “Ba con đâu?”. Nó đáp tỉnh bơ: “Ba con ở nhà, đang ngồi trên bàn thờ”. Ông thoáng sững sờ, ánh mắt hướng về người phụ nữ đang vấn tóc. Tóc dì Múa dạo ấy vẫn rất xanh.
Sau hôm đó, ông Bảy thường xuyên tới nhà dì, mang quà bánh cho 2 đứa trẻ. Quà bánh chẳng đáng bao nhiêu, bọn nhỏ cũng vui nên dì không dám từ chối. Nhưng cũng đến lúc dì bỗng nổi cáu, đuổi khéo ông về khi ông cứ nhìn hoài vào những chỗ rách tươm của chiếc chăn bông mà 2 đứa con đang giở tung ra để chơi. Dì sợ ông Bảy sẽ mang đến một cái chăn mới. Như lần ông mang đến cái nồi gang vì thấy con Hĩm thổi cơm bằng chiếc nồi méo mó bám nhọ đen xì, cáu bẩn. Dì không muốn nhận thêm thứ gì khi không biết vợ con ông ngoài quê ra sao và sự che chở của ông được tính bằng tình yêu hay tình người.
Lần cuối cùng ông Bảy đến nhà dì Múa là “ngày bão về”. Ông đến để giúp má con dì neo chống lại mái nhà. Bão không đến như bản tin nhưng thay thế bằng một trận mưa trút nước. Cái Hĩm, thằng Tí ôm thau, nồi chạy quanh nhà hứng mấy chỗ bị dột. Ông Bảy ướt lướt thướt, ngồi xoay lưng vào bếp lửa, trân trân nhìn màn mưa trắng xóa. Ông đốt thuốc lá hút, hết điếu này tới điếu khác. Nghe mùi thuốc lá khét lẹt, đăng đắng của ông, chẳng hiểu sao, dì thấy buồn.
Ông không tới xưởng gỗ nữa. Ông đi vội chẳng kịp lấy tiền công. Chủ xưởng gỗ nhất quyết tính số công đó cho dì Múa, để dì lấy tiền lợp lại mái tôn. Dì miễn cưỡng nhận mà tự nhủ ngày mai sẽ trả lại. Dì bám trụ ở xưởng gỗ, nhấp nhổm chờ ngày mai.
Một chiều mưa, dì mặc kệ nước trên mái nhà dột nhỏ tong tỏng, ngồi xõa tóc cho 2 đứa nhỏ nhổ tóc bạc, nói vui mỗi cọng tính 500 đồng. Thằng Tí nhổ một hồi mỏi tay, lủng bủng: “Nãy giờ, chắc con đủ tiền mua mái tôn mới về lợp nhà cho má rồi. Tóc má cọng bạc nhiều hơn cọng đen”. Dì Múa cười hờ hờ mà nước mắt chảy hồi nào không hay. Dì nhận ra bao lâu nay quên đặt tên cho năm tháng. Dì sợ tháng năm cũng trôi tuột, lặng lẽ như đời mình.