Đất và người Côn Đảo

1.
Đất và người Côn Đảo

1. Cách nay hơn chục năm, tại một hội nghị tổng kết công tác hội và phong trào nông dân ở khu vực phía Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, trong giờ nghỉ giải lao, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyên tôi ra Côn Đảo tìm hiểu cách sản xuất kinh doanh giỏi của nông dân ở Côn Đảo. Anh kể câu chuyện ở Côn Đảo có một người coi mình như một nông dân tự khai vỡ đất hoang trồng lúa, nuôi cá, nuôi gần trăm con bò. Do số lượng bò quá nhiều, không kiểm soát hết, bò lạc vô rừng, ra tận vùng Bến Đầm trở thành bò rừng. Lâu lâu bộ đội hải quân, biên phòng bắt được, nhắn anh đến nhận bò, anh cảm ơn rồi nói cái rụp: “Xin biếu đơn vị giết mổ khao quân chia vui với vợ chồng tôi!”. Tính ra, số bò thất lạc như vậy gần 30 chú.

Câu chuyện nuôi bò giỏi cùng tấm lòng của anh nông dân Côn Đảo làm tôi thắc thỏm mong ngày ra đảo để lý giải câu hỏi: Ở hòn đảo trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từng được mệnh danh là “điạ ngục trần gian” cũng có nông dân sản xuất giỏi - một tiêu chí phấn đấu của nông dân Việt Nam thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Trung ương Hội Nông dân chủ trương phát động từ năm 1992, được nông dân cả nước đồng lòng hưởng ứng.

Anh Huỳnh Văn Thành hướng dẫn vợ kiểm tra sâu hại trên mít

Cuối cùng, tôi cũng bay ra Côn Sơn và diện kiến với Huỳnh Văn Thành. Không ai nghĩ anh đã bước vào tuổi 71, bởi nước da anh sáng, đôi mắt lanh lợi, mái tóc mới bàng bạc màu sương tiêu, trông còn khá phong độ.

Với cương vị một bí thư chi bộ của đơn vị giao bưu Khu ủy Tây Nam bộ (T.3), sau khi tiếp quản xong các cơ sở bưu điện ở Cần Thơ, Huỳnh Văn Thành được lệnh điều động ra Côn Đảo. Buổi chiều ngày 20-5-1975, bến tàu đò vàm Trà Vinh thông ra sông lớn Cổ Chiên náo nức tiễn đưa đội tàu đánh cá gồm 20 chiếc, biên chế mỗi tàu 12 chiến sĩ. Sau mấy chục giờ lênh đênh trên sóng biển Đông, đoàn tàu nhắm hướng Côn Sơn trực chỉ. Chiều tối hôm sau, đoàn tàu cập cảng Cầu Tàu trước nhà chúa đảo trong không khí chờ mong của bộ đội, những cựu tù chính trị xin ở lại xây dựng đảo và nhân dân Côn Sơn, trong đó không ít gia đình có thân nhân từng làm việc cho chế độ cũ. “Trên đường ra đảo, tôi tưởng tượng những năm cha tôi là Huỳnh Văn Tám, cán bộ tiền khởi nghĩa, từng bị đày ra đây. Đó là sau chiến dịch Mậu Thân (1968), ông bị đày ra Côn Đảo cho tới ngày đảo được giải phóng”, Huỳnh Văn Thành nhớ lại. Hai tuần sau ngày giải phóng, ông Tám cùng hàng ngàn bạn tù được đón vào đất liền điều trị bệnh tật và an dưỡng cũng là ngày Huỳnh Văn Văn Thành có lệnh ra công tác ngoài Côn Đảo.

Đến Côn Đảo, Huỳnh Văn Thành được tổ chức phân công làm bí thư chi bộ kiêm Chánh văn phòng Ty giao thông Côn Đảo. Nhiệm vụ của Ty giao thông Côn Đảo lúc bấy giờ là quản lý các cơ sở vật chất có liên quan đến ngành giao bưu vận do chế độ cũ để lại như bưu điện, vận tải, khí tượng - thủy văn, radar. Đầu năm 1977, Côn Đảo được tách từ đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc TPHCM sáp nhập với tỉnh Hậu Giang (cũ), Huỳnh Văn Thành chuyển sang làm Trưởng phòng Thống kê huyện đảo. Khi Côn Đảo trở thành huyện đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như ngày nay, anh lại được điều sang thành lập Nông - Lâm trường quốc doanh Côn Đảo, Năm 1992, Hội Nông dân huyện đảo thành lập, Huỳnh Văn Thành được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân đầu tiên ở Côn Đảo. Do Côn Đảo chỉ xây dựng chính quyến một cấp, không có cấp xã - thị trấn nên với Huỳnh Văn Thành, làm Chủ tịch hội giúp anh thêm cơ hội gần gũi, gắn bó với nông dân.

Sinh ra ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), giờ làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện, anh Thành học được nhiều điều về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi của người Côn Đảo, trở thành “anh hai nông dân thứ thiệt” của Côn Đảo không chỉ biết cùng vợ con xóa nghèo mà còn vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất “địa ngục trần gian”.

- Côn Đảo cũng có đất sản xuất nông nghiệp, hả anh? - tôi hỏi.

- Có chứ, đủ để ai có chí làm giàu từ sản xuất nông nghiệp - anh Thành khẳng định.

Huỳnh Văn Thành say sưa kể chuyện khởi nghiệp làm giàu từ nghề nông của mình. Ngày anh ra đảo, cũng là thời kỳ chị Sen vợ anh công tác ở đảng ủy xã Thới Thạnh A, huyện Mỏ Cày sinh con thứ hai. Không thể để vợ một mình nuôi con, tháng 8-1975 anh về Thới Thạnh A xin Huyện ủy Mỏ Cày đưa vợ con ra Côn Đảo công tác ở Liên đoàn Lao động. Sống trong thời bao cấp, đồng lương không đủ sống, vợ chồng Huỳnh Văn Thành dời nơi ở từ thị trấn ra Khu dân cư số 7. Ngày đèo vợ trên chiếc xe đạp cà tàng đến cơ quan làm việc, tối về hai vợ chồng tự khai vỡ từng thước đất hoang. Đất hoang vỡ đến đâu, vợ chồng anh tranh thủ trồng trọt theo kiểu lấy ngắn nuôi dài đến đấy. Chỗ sâu cấy lúa, trồng rau muống kết hợp thả cá đồng; gò cao gieo các loại rau màu.

Với cách làm như vậy, vợ chồng Huỳnh Văn Thành kiên trì khai phá được 10.000m2. Bà con nông dân Khu dân cư số 7 coi vợ chồng Huỳnh Văn Thành như những nông dân thứ thiệt. Lúa, rau cũng chỉ vừa đủ nuôi con nhưng chưa thể xóa nổi nghèo. Năm 1984, Huỳnh Văn Thành bàn với vợ dùng tiền tích lũy chưa tới 1 chỉ vàng từ trồng trọt mua một chú bò sinh sản. Bò đẻ ra bò. Bò đực nuôi lớn mổ bán thịt. Bò cái để sinh sản. Sau gần chục năm, số lượng đàn bò lên hơn 80 con. Thế mới có chuyện bò của anh thất lạc thành bò rừng. Nhờ nuôi bò, Huỳnh Văn Thành không chỉ trở thành người xóa nghèo giỏi ở Côn Đảo, mà còn có điều kiện nuôi 5 người con trưởng thành, giờ đều trở thành cán bộ công tác trong các cơ quan ở huyện đảo.

Năm 2007, Huỳnh Văn Thành nhượng lại 0,3ha đất lấy tiền cất nhà khang trang, phần còn lại tiếp tục trồng rau, cấy lúa mỗi năm thu trên 50 triệu đồng. Nhờ làm giàu từ nông nghiệp, ngày vợ chồng nghỉ hưu, Huỳnh Văn Thành về xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) tậu 1ha đất làm trang trại trồng 400 cây mít đặc sản, năm được giá thu trên 200 triệu đồng tiền bán mít, chưa kể chăn nuôi gà, trồng rau màu. Cận Tết Ất Mùi, sau chuyến bay ra đảo trở về, tôi cưỡi xe máy xuống Châu Đức tìm Huỳnh Văn Thành. Đi dưới bóng mát vườn mít, Huỳnh Văn Thành rổn rảng nói:

- Tôi tự hào gia đình mình có bốn thế hệ là người Côn Đảo. Này nhé, cha tôi, vợ chồng tôi, giờ đến các con và các cháu của tôi. Có trang trại mít này cũng nhờ khởi nghiệp xóa nghèo từ Côn Đảo.

2. Sẽ rất thiệt thòi với những ai hơn một lần ra Côn Đảo nếu bỏ qua Vườn quốc gia Côn Đảo (VQGCĐ). Đến đây, ở bất cứ góc độ chuyên môn nào (hoặc chỉ là du khách) bạn cũng có thể khám phá những điều kỳ thú của vườn quốc gia vừa được tổ chức công ước Ramsar quốc tế trao bằng công nhận khu Ramsar thế giới. Sự đa dạng sinh học đã tạo nên một quần thể động thực vật trên cạn và dưới nước giao thoa dưới một mái nhà rộng gần 20.000ha với 28 loài thú, 85 loài chim, 46 loài bò sát cùng 1.323 loài động - thực vật biển…

Với tôi, VQGCĐ còn thêm một kỳ thú: Những người giữ vườn và đang tạo thêm vẻ đẹp cho vườn. Trần Đình Huệ là những người như vậy.

Năm 2009, đến thăm VQGCĐ, Trưởng hạt kiểm lâm Trần Đình Huệ dùng xe gắn máy chở tôi rảo một góc vườn quốc gia. Đứng bên bìa rừng giáp mí nghĩa trang Hàng Dương, anh nói ngon lành: “Hai mươi năm em công tác ở hạt kiểm lâm, rừng Côn Đảo chưa hề bị hỏa hoạn, không bị con người chặt phá, dù chỉ một cái cây làm cột nhà. Người Côn Đảo bảo vệ rừng như bảo vệ căn nhà mình”. Không chỉ biết vận động nhân dân chung tay bảo vệ rừng, ban lãnh đạo VQGCĐ, nòng cốt là Hạt kiểm lâm do Trần Đình Huệ phụ trách còn tiến hành trồng mới 10.000 cây gỗ các loại như lát hoa, sao dầu rái và cây bản địa sống bên những cây nguyên sinh có đường kính từ 1,7 - 2m. Trên những lối mòn dẫn sâu vào rừng, đâu đâu tôi cũng bắt gặp những chú khỉ nhởn nhơ, những bầy cò trắng, chim câu chao lượn coi du khách như người quen thân.

Lần này tôi lại bay ra đảo, không quên đến thăm Trần Đình Huệ. Giờ anh đã là Phó giám đốc VQGCĐ, lại có bằng thạc sĩ khoa học. Gặp lại, Huệ gí vô tay tôi tập tài liệu “Thông tin về đất ngập nước Ramsar VQGCĐ” với đầy đủ các tiêu chí của rừng ngập nước. Anh giúp tôi hiểu về những giá trị độc đáo của hợp phần bảo tồn rừng và hợp phần bảo tồn biển của VQGCĐ. Trong số 1.077 loài thực vật ngập nước ở Côn Đảo thì 44 loài lần đầu tiên được phát hiện. Ở đây là nơi lý tưởng của những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu như vích và đồi mồi. Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 11 có khoảng 350 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ hơn 1.000 tổ, cung cấp 100.000 rùa con được thả về biển.

Trong câu chuyện của Huệ, tôi hình dung về chàng thanh niên sinh ra trong những ngày đầu Mỹ ồ ạt thả bom hủy diệt vùng Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình quê anh. Năm 1986, Trần Đình Huệ thi đậu khoa lâm nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Tốt nghiệp, Huệ tình nguyện xin ra công tác tại rừng đặc dụng Côn Đảo. Từ một cán bộ Phòng Khoa học anh được đề bạt hạt phó rồi hạt trưởng kiểm lâm, nay là Phó Giám đốc VQGCĐ. 25 năm anh gắn bó với rừng Côn Đảo, khởỉ nghiệp từ Côn Đảo, lấy vợ người Côn Đảo. Vợ anh - chị Huỳnh Thị Mai Dung vốn là nhân viên kế toán Trạm cung cấp điện Côn Đảo nay đã là Phó Giám đốc Trạm cung cấp điện - nước Côn Đảo. Lần đầu tiên đến với rừng Côn Đảo, Trần Đình Huệ hứng thú quan sát sự đa dạng sinh học vẫn còn vẹn nguyên, thỏa mãn cho anh khám phá, mở rộng việc nghiên cứu khoa học vượt qua giới hạn bản luận văn tốt nghiệp ngành lâm nghiệp ở nhà trường. Sống trong thời bao cấp đầy khó khăn, chàng sinh viên quê Quảng Bình cảm thấy ấm lòng vì được sống trong tình người Côn Đảo. Thời ấy, rừng Côn Đảo là một đơn vị nông - lâm trường, chú Bảy Sơn, một cựu tù chính trị công tác bên ngành công an thấy đời sống anh em bộ phận bảo vệ rừng của Trần Đình Huệ rất khó khăn đã đem gạo, nước tương, bột ngọt hỗ trợ, động viên Huệ cùng mọi người giữ rừng để nhân dân Côn Đảo có nước sinh hoạt quanh năm. Nhờ rừng Côn Đảo, anh hoàn thành luận án thạc sĩ khoa học. Anh còn làm Trưởng ban quản lý Quỹ bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên VQGCĐ, là một hợp phần của dự án bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học Côn Đảo do Quỹ Môi trường toàn cầu quốc tế và Tổ chức phát triển quốc tế Đan Mạch tài trợ. Nhờ nguồn vốn từ quỹ, VQGCĐ đã hỗ trợ 40 hộ gia đình có liên quan đến đa dạng sinh học VQGCĐ vay tới 100 triệu đồng/hộ, lãi suất ưu đãi để khai thác tài nguyên ven biển như vận chuyển du khách tham quan khu Ramsar, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi ong, thủy sản nước ngọt…

…Cảm ơn các anh Huỳnh Văn Thành, Trần Đình Huệ đã cho tôi thêm một lần đến với rừng Côn Đảo; đến với những câu chuyện khởi nghiệp ở huyện đảo đang đổi thay từng ngày.

KHUYNH DIỆP

Tin cùng chuyên mục