Mới đó mà đã 40 năm. Tôi còn nhớ như in buổi trưa hôm ấy, khi nghe tin xe tăng ta húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, như bão táp, chúng tôi ùa vào thị xã Tân An (Long An). Phố xá gần như vẫn còn nguyên vẹn. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nửa xanh, nửa đỏ không biết từ đâu đã rợp phố phường. Dọc con đường dẫn vào thị xã, quần áo, trang bị, vũ khí của các sắc lính “cộng hòa” nằm la liệt. Tôi chạy vào khu chợ lồng. Một phụ nữ chừng 50 tuổi, như đã đợi tôi từ lâu. Sao bà giống mẹ tôi đến thế…
Tác giả (thứ 2 từ phải sang) thăm chiến trường xưa tại tỉnh Long An.
Một
Đó là người dân đầu tiên của thị xã vừa giải phóng, tôi gặp. Bà có khuôn mặt đầy đặn, hàm răng trắng đều, toát lên vẻ phúc hậu, đằm thắm. Giọng ấm áp, bà kể với tôi mấy ngày nay “chạy loạn”, nghe tin quân giải phóng tràn vào thị xã, bà cùng chồng đưa bầy con lít nhít chạy về căn hộ nhỏ nằm dưới chân nhà lồng, lúc nào cũng ngột ngạt mùi thức ăn và hàng hóa. Bà hỏi thăm quê quán, gia đình tôi. Đã lâu lắm tôi không được nghe giọng nói ấm áp, thân thương như thế.
Bỗng nhiên tôi nhớ đến mẹ tôi thật nhiều. Giờ này, nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, chắc là bố mẹ tôi mong tin anh em tôi lắm. Làm sao báo tin cho mọi người biết rằng tôi vẫn còn sống. Chiến tranh đã kết thúc và trong nay mai tôi sẽ trở về nhà, về bên mẹ.
Có lẽ từ nỗi khát khao ấy, nên gặp bà, tôi cảm thấy gần gũi lắm. Không biết tự lúc nào, tôi gọi bà bằng má, như vẫn gọi các bà má miền Nam đã che chở, chăm sóc tôi trước khi truy kích giặc, tiến vào TP. Đặt trước mặt tôi ly nước dừa có những viên đá trong suốt, mát rượi, bà nói: “Con uống nước đi. Mấy ngày nay ở đồng, ở bụi chắc là mệt lắm. Trưa nay ở lại dùng cơm với gia đình. Loạn lạc, chẳng chuẩn bị được gì, có gì ăn nấy”.
Tụi trẻ dường như cũng đồng tình với mẹ. Chúng quấn quýt bên tôi như gặp lại người thân đi xa trở về. Mặc dù cả nhà giữ tôi ở lại dùng cơm, nhưng làm sao tôi có thể ở lại được. Thị xã vừa giải phóng, còn bao nhiêu công việc bộn bề đang chờ đợi.
Tôi xin phép về nơi trú quân và không quên hẹn có dịp rảnh rỗi, sẽ ghé thăm gia đình.
Cả nhà tiễn tôi thật lưu luyến. Tôi lấy làm lạ. Mấy tháng nay, chuẩn bị cho chiến dịch cuối cùng này, chúng tôi đã được quán triệt nhiều lần chính sách dân vận đối với vùng mới giải phóng, đặc biệt ở các đô thị. Rằng, phải giữ nghiêm kỷ luật, không được quá gần gũi, thân thiết với những đối tượng chưa rõ lai lịch; rằng, tránh xa những “viên đạn bọc đường”, những âm mưu, quỷ kế…
Bây giờ, gặp những người dân bình thường này, không chỉ bà mẹ có giọng nói, dáng đi, nụ cười hao hao giống mẹ tôi mà cả các em, những đứa con của ông bà, đối với tôi thật gần gũi, ấm áp. Tôi chú ý đến người con trai cả của ông bà, có dáng thư sinh, cặp kính trắng dày bản trên khuôn mặt hiền lành, tuấn tú. Cậu tên là Vũ Thành. Tuy vẫn giữ khoảng cách nhất định, nhưng ngay từ lần gặp đầu tiên, Thành đã tỏ ra thích thú khi nói chuyện với tôi. Em hỏi nhiều về cuộc sống của người lính và dường như cố gắng tìm hiểu xem quân giải phóng có sức mạnh gì mà thắng được quân đội Mỹ và cả hệ thống chính quyền, quân đội chế độ cũ được trang bị hiện đại, đầy đủ như vậy?
Đóng quân ở thị xã chưa đầy một tuần, đơn vị tôi nhận lệnh hành quân đến một vùng đất khác làm nhiệm vụ truy kích tàn quân và giúp dân ổn định cuộc sống. Tôi và Thành thường xuyên viết thư cho nhau và lâu lâu rảnh rỗi, tôi về Tân An thăm lại gia đình em.
Một lần, khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, Vũ Thành gặp riêng tôi, hỏi nhỏ: “Anh à, em muốn viết đơn nhập ngũ. Anh thấy thế nào?”. Tôi thực sự bất ngờ về chuyện này, vì trước đó, tôi nghe má nói Thành đã thi đậu đại học. Nếu không có chiến tranh, chỉ vài năm nữa thôi cậu sẽ trở thành bác sĩ. Ước mơ và khát vọng ấy không chỉ của riêng Thành mà là của cả gia đình lao động nghèo, đông con này.
Tôi không giấu được xúc động, nói: “Trai thời loạn, em nghĩ thế đúng đó. Nhưng phải có quyết tâm cao mới thực hiện được đấy”. Thành rủ rỉ: “Thì em cũng học tập anh và các anh bộ đội giải phóng đó thôi. Các anh không tiếc tuổi xuân, vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc. Chúng em bây giờ có thấm tháp gì?”.
Thành nói là làm. Một tháng sau, tôi nhận được thư em. Thành cho biết, em đang cùng đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Tôi vui lắm khi nghe tin, đơn vị của em được giao chốt chặn ngay Đồn biên phòng Long Khốt, nơi cách đây không lâu, Trung đoàn 174 của chúng tôi đã từng chiếm giữ và biết bao đồng đội tôi đã nằm lại, không trở về sau ngày toàn thắng.
Một lần, nhân chuyến công tác trên biên giới, tôi đã đi tìm Thành. Anh em trong đơn vị Thành cho tôi biết, Thành chiến đấu thật dũng cảm, bị thương và chuyển về tuyến sau. Hết đợt công tác, tôi ghé thăm gia đình Thành. Cũng giống như mẹ tôi và biết bao bà mẹ có con chiến đấu ngoài mặt trận, mẹ Thành héo mòn trong sự lo âu, chờ đợi. Mẹ hỏi tôi, giọng nghẹn ngào: “Con ra ngoải có gặp em Thành không? Nó thế nào?”. Không biết trả lời sao. Tôi không thể nói dối mẹ, nhưng cũng không thể nói đúng sự thật. Giọng tôi ấp úng: “Dạ, con có đi tìm em, nhưng đơn vị chú ấy đã hành quân đi nơi khác…”.
Cổ họng tôi như có vật gì chặn lại. Tôi bỗng nhớ đến mẹ tôi. Sau chiến tranh, tôi khoác ba lô trở về, câu đầu tiên mẹ tôi cũng hỏi như thế: “Con về , còn em con đâu?”. Em tôi đã ở lại rừng sâu, không trở về sau ngày chiến thắng.
Cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc đã cuốn hút biết bao chàng trai, cô gái dấn thân cho sự nghiệp giữ nước và cũng tạo dựng nên dáng sừng sững của biết bao bà mẹ chiến sĩ - những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Khi cuộc chiến đấu giúp bạn ở Campuchia diễn ra quyết liệt, tôi theo các đơn vị tình nguyện Việt Nam hành quân dọc dài đất nước Chùa Tháp. Một ngày nọ trở về tòa soạn, tôi nhận được thư của Thành. Em báo tin, điều trị xong vết thương, vì lý do sức khỏe, Thành được đơn vị cho giải ngũ và tiếp tục vào học bác sĩ.
Gần đây, tôi có dịp trở lại chiến trường xưa cùng đoàn làm phim quân đội. Từ Đồn biên phòng Long Khốt, chúng tôi về thị xã Tân An, nay đã là TP Tân An. Tôi tìm đến nhà Thành. Năm tháng đi qua, mọi sự đã thay đổi. Duy chỉ có lòng người vẫn thế. Ba Thành đã theo tổ tiên từ hơn chục năm nay. Bà mẹ có hàm răng trắng, khuôn mặt phúc hậu mà tôi đã gặp sau ngày TP giải phóng cách đây gần 40 năm cũng vừa mới ra đi. Tôi thắp nhang đứng lặng hồi lâu bên di ảnh các cụ mà những tưởng đâu đây, nụ cười, dáng đi, giọng nói của người đã khuất hiển hiện y nguyên.
Trong tiếng máy quay phim rào rào, tôi nghe tiếng trả lời phỏng vấn của bác sĩ Vũ Thành: “Những người lính bộ đội Cụ Hồ mà tôi gặp sau ngày giải phóng đã cuốn hút tôi. Và bây giờ, nếu cho tôi chọn lựa một lần nữa, tôi cũng sẽ chọn con đường mà mình đã đi qua. Nước có giặc thì đi đánh giặc giữ nước như biết bao thế hệ cha anh đã lựa chọn”. Bỗng nhiên Thành quay sang tôi: Em nghĩ thế phải không anh?
Tôi khẽ gật đầu, mỉm cười. Trong ký ức tôi hiện lên hình ảnh cậu học trò có dáng thư sinh, cặp kính trắng dày bản lúc nào cũng ngự sẵn trên khuôn mặt hiền lành, tuấn tú. Bỗng nhiên tôi nhớ đến câu hỏi của Thành 40 năm về trước: “Sức mạnh nào đã giúp những người lính Cụ Hồ đánh thắng được những kẻ thù hung bạo, nhiều tiền, lắm của đến như thế?”.
Bằng chính sự dấn thân của mình, chắc chắn Vũ Thành và những người cùng thế hệ với em đã trả lời được câu hỏi đó - Tôi nghĩ thế.
Hai
Đã lâu tôi không gặp chị Sáu. Mới đây nhân đám tang chị Võ Thị Thắng, người con gái có nụ cười bất tử, tình cờ tôi gặp chị Sáu ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Chị Sáu là đồng hương, đồng đội với chị Võ Thị Thắng. Khi chị Thắng bị địch bắt sau vụ ám sát hụt tên ác ôn ngụy ở quận 6 thì chị Sáu cũng đang hoạt động ở đây. Hai người con gái xinh đẹp, nết na của quê hương Bến Lức (Long An) cùng một trận tuyến giữa TP Sài Gòn phồn hoa, tráng lệ.
Mấy chục năm trôi qua, mọi thứ có thể đổi thay, nhưng nụ cười và giọng nói của chỉ Sáu vẫn thế. Dáng đi nhanh nhẹn và giọng nói sôi nổi như ngày nào: “Chị tranh thủ xuống viếng chị Thắng, rồi phải về ngay với anh Hai mày. Dạo này ổng không được khỏe. Lại còn đàn heo, gà và vườn tược nữa chứ”. Tôi chưa kịp lên tiếng, thì chị Sáu đã nói tiếp: “Ráng sắp xếp thời gian, bữa nào rảnh lên anh chị chơi. Có nhiều chuyện muốn nói với em đó”.
Chị Sáu lên xe, còn mở cửa kính ô tô dặn với tôi: “Ráng lên anh chị sớm nhé?”. Chị Sáu đi rồi, một mình tôi lững thững bách bộ trong khuôn viên nhà tang lễ. Tiếng quân nhạc du dương cử bài Hồn tử sĩ.
Mới đó mà đã 40 năm. Ngày ấy Sư đoàn 5 của chúng tôi được giao nhiệm vụ từ Ba Thu vượt qua cánh đồng Chó ngáp về cắt đứt lộ 4, giải phóng thị xã Tân An. Để bảo vệ cửa ngõ quan trọng phía Tây Nam Sài Gòn này, địch đã tập trung ở đây một lực lượng lớn, tạo thành tuyến phòng thủ vững chắc gồm các sư đoàn 7, 9, 22; Liên đoàn 6 biệt động, Trung đoàn 6 thiết giáp và 3 tiểu đoàn bảo an, địa phương quân…
Giải phóng đồn bót, dọn đường đưa lực lượng ép sát mục tiêu, hàng ngày chúng tôi phải chịu nhiều đợt oanh tạc của phi pháo địch từ Tân An, Thủ Thừa và Tân Sơn Nhất. Giữa tháng 4-1975, chúng tôi ép sát thị xã Tân An, ấy là lúc cuộc chiến diễn ra quyết liệt. Phối hợp với chúng tôi có lực lượng địa phương. Tôi không ngờ người phụ nữ tham gia chỉ huy một mũi tiến công ngày ấy là chị Trần Thị Sữa (Sáu Sữa).
Dạo chị Sáu làm Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa, tôi có dịp về thăm lại chiến trường xưa. Đích thân Bí thư Huyện ủy Sáu Sữa dẫn chúng tôi thăm lại trận địa cũ. Đến kênh Rạch Đào, tôi thấy mắt chị Sáu đỏ hoe. Giọng lạc đi, chị nói: Nơi này 9 anh em của Trung đoàn 3 đã hy sinh vào giữa tháng 4-1975. Chị ước ao ngày nào đó sẽ xây dựng nơi đây một tượng đài để ghi nhớ sự hy sinh cao cả của những người lính Cụ Hồ trước ngày toàn thắng.
Sau này về tỉnh, tham gia Thường vụ tỉnh ủy, làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chị Sáu luôn để tâm đầu tư cho các vùng đất chiến trường xưa. Ngày ấy từ Tân An xuống huyện biên giới Vĩnh Hưng, ô tô chạy phải mất cả ngày. Tỉnh lộ 49 chơi vơi vắt qua cánh đồng Chó ngáp, mùa mưa lầy lội, ngập úng, mùa khô bụi mù, bỏng nắng...
Là Đại biểu Quốc hội (Khóa 8), chị Sáu nhiều lần đề xuất với Trung ương đầu tư cải tạo Đồng Tháp Mười, trong đó có tỉnh lộ 49. Chị gặp trực tiếp Bộ trưởng Bộ GTVT lúc bấy giờ là ông Trần Danh Lưu (Hai Lưu) xin kinh phí để làm đường. Và sau 3 năm thi công, con đường dài gần 100km trải nhựa từ trung tâm tỉnh đến các xã vùng biên giới đã hoàn thành. Đó là tỉnh lộ 62. Vì sao lại là 62? Tìm hiểu kỹ tôi mới biết, để ghi nhớ hai con người có công lớn tạo dựng nên con đường này là chị Sáu Sữa và ông Hai Lưu, người ta đã đặt tên con đường như thế.
Tác giả (phải) và ông Trình Tự Kha trong lần trở về Long Khốt.
Năm 2000, chị Sáu Sữa nghỉ hưu. Mọi người thật bất ngờ khi nghe vị nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tuyên bố lấy chồng và theo chồng lên biên giới khai hoang, lập ấp.
Ai cũng biết, chị Sáu đã có một đời chồng. Trong kháng chiến chống Mỹ, chị đã xây dựng gia đình riêng với một đồng đội - anh Năm Kịch. Nhưng chưa kịp hưởng trọn tuần trăng mật, người chồng thân yêu của chị đã hy sinh trong một trận đánh không cân sức. Từ đó, chị Sáu gác lại chuyện riêng, lao vào công việc.
Sau này, trong quá trình công tác, chị gặp anh Hai Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, một người đàn ông cũng có hoàn cảnh éo le như chị. “Rổ rá cạp lại”, chị bảo thế. Anh chị đến với nhau sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ với dân, với nước.
Điều lạ, ít ai ngờ tới, anh chị không chọn nơi đô thị, đầy đủ tiện nghi để an hưởng tuổi già mà lại lên vùng biên giới xa xôi, nơi căn cứ địa kháng chiến một thời để sinh sống như những cặp uyên ương vừa mới trưởng thành.
Anh Hai Ninh, lớn hơn chị Sáu 5 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao. Mọi việc đều đến tay chị Sáu. Hàng ngày, bà con ở đây vẫn thấy có một người phụ nữ, áo bạc màu, nón lá, khăn rằn cuốc đất, tưới cây, chăm sóc người già... Ai cũng nghĩ đó là người làm công. Cho đến khi thấy người đàn bà “làm công” ấy xuất hiện trên ti vi trong buổi lễ truyền hình trực tiếp, mới biết, đó là bà Trần Thị Sữa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên đại biểu Quốc hội…
“Thôi, nhắc lại chuyện cũ ấy làm gì”, chị Sáu gọi điện cho tôi bảo thế - “Rảnh lên đây đi làm từ thiện, tình nghĩa với anh chị”. Một bạn đồng nghiệp lên thăm anh chị Sáu trên biên giới Tây Ninh cho tôi biết, anh chị vừa tặng trên 30 con bò giống cho bà con nghèo vùng sâu và đang tiếp tục “tiếp sức” cho nhiều gia đình khác vượt qua đói nghèo, lam lũ.
À ra thế, nguyên do anh chị Hai Ninh - Sáu Sữa ra biên ải là vậy. Hưu trí mà không nghỉ ngơi. Còn sức còn tiếp tục cống hiến cho dân, cho nước. Vậy nên chăng, thêm một lần nữa đặt tên cho trang trại của anh chị - Trang trại 62?
Thời buổi này, có những con người bình dị mà cao quý như thế, thật đáng kính trọng.
Ba
Chúng tôi đến Đồn biên Phòng Long Khốt khi mặt trời đã đứng bóng. Nắng gió đồng bằng hào phóng quá. Lần nào cũng vậy, trở lại mảnh đất đã thấm biết bao xương máu của đồng đội này, lòng chúng tôi cứ chơi vơi như đang bồng bềnh trên sóng nước. Trình Tự Kha (Sáu Kha) không giấu được xúc động. Chuyến đi này, bên cạnh những người bạn chiến đấu cũ, còn có cả người vợ thân yêu của anh. “Cả đêm qua, dường như bà xã mình không ngủ, cứ lọ mọ suốt đêm” - Sáu Kha nói. Bác sĩ Tuấn Thanh, vợ anh, quả thực là một người chu đáo. Ngoài việc đặt heo quay, nấu xôi, sớm nay, khi mặt trời chưa mọc chị đã ra chợ chọn những bông hoa, trái cây tươi mới nhất để cúng viếng đồng đội của chồng nơi chiến trường xưa.
Khác lần trước, chúng tôi không thả hoa vào ban đêm mà giữa trưa bỏng nắng này, các chiến sĩ biên phòng Long Khốt dùng tắc ráng đưa chúng tôi chạy dọc dòng sông, thả hoa viếng đồng đội. Sáu Kha bảo xuồng dừng lại bến sông, cạnh cây cầu sắt đã cũ kỹ. Chính nơi này khẩu ĐKZ của trung đội anh đã bị chìm khi vượt sông. Nhiều đồng đội đã nằm lại nơi đây. Thân thể họ đã tan biến vào dòng sông biên giới này.
Tôi nhớ lại cách đây hơn 40 năm, vào một chiều mùa mưa, tại căn cứ Rừng Nhum, Trung đoàn 174 đón nhận lớp chiến sĩ mới. Là cán bộ tuyên huấn trung đoàn, tôi nói chuyện truyền thống đơn vị với họ. Gọi là chiến sĩ mới, nhưng phần lớn họ là sinh viên, có người vừa tốt nghiệp đại học ở nước ngoài và có cả thầy giáo, cán bộ các cơ quan nhà nước nữa. Trong số đó có Trình Tự Kha. Kha là kỹ sư hóa vừa tốt nghiệp tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Với dáng người cao to, nước da màu bánh mật khỏe khoắn, Kha được chọn về làm pháo thủ của Đại đội 17 hỏa lực. Vừa huấn luyện vừa đánh giặc, trận đầu Kha và đồng đội Đoàn 2020 của anh “đụng” Long Khốt. Lạ nước, lạ cái, nhiều đồng đội của Kha đã nằm lại bên dòng sông biên giới này. Nỗi nhớ thương đồng đội khôn nguôi, Sáu Kha tâm sự, tụi mình còn sống đến ngày hôm nay là “lãi” lắm rồi. Phải làm thay việc của người nằm xuống.
Suy nghĩ như vậy nên sau chiến tranh, xuất ngũ, Sáu Kha đã chọn những nơi gian khổ, thiếu thốn nhất để làm việc. Thời TP mới giải phóng, anh xung phong xuống công tác tại Duyên Hải, Cần Giờ, nơi được coi là đầu sóng ngọn gió của TPHCM. Chưa hết, vài năm sau, tôi lại nhận được tin Kha chuyển ra Côn Đảo. Một lần, tao ngộ giữa ngã tư Phú Nhuận, nhìn cái dáng phong trần, phảng phất tráng sĩ của anh, tôi đã nói vui rằng, dường như Sáu Kha sinh ra để “ăn sóng, uống gió”. Kha chỉ cười. Hàm răng trắng, ánh mắt ấm áp ấy đã theo tôi mấy chục năm nay.
Cách đây gần chục năm, thăm lại chiến trường cũ, Sáu Kha bàn với tôi vận động tài trợ xây ngôi đền thờ đồng đội bên dòng sông Long Khốt. Được sự ủng hộ của các doanh nghiệp và sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, chúng tôi đã thực hiện được ước mơ: xây dựng ngôi đền thờ liệt sĩ tại chính nơi chiến trường khốc liệt năm xưa. Ngày khánh thành, Sáu Kha cùng công ty của anh đã cúng tiến một quả chuông đồng nặng hơn 150kg, trên chuông có khắc 4 câu thơ: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc / Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia / Ngàn năm mãi mãi ngân nga/ Tiếng chuông Long Khốt gấm hoa dâng đời.
Chuyện nghĩa tình trả mãi khôn nguôi, Sáu Kha luôn suy nghĩ tìm cách đền ơn đáp nghĩa. Anh đồng hành chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP về những vùng căn cứ kháng chiến cũ làm chuyện nghĩa tình. Không chỉ ra tận Nho Quan (Ninh Bình) xây dựng trạm xá tặng bà con đã từng cưu mang mình trước khi vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, mà còn sang tận Campuchia, tổ chức khám và chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa…
|
TRẦN THẾ TUYỂN