Cứ ngỡ thị trường bất động sản ấm lại sẽ làm các dự án ngưng trệ trên đất vàng hồi sinh, nhưng thực tế cho thấy sự ngủ đông vẫn kéo dài không biết đến bao giờ, cho dù liên tiếp trong hai năm 2016 - 2017, TPHCM đã có nhiều cuộc họp đốc thúc…
Số phận hẩm hiu
Đầu tiên, số phận hẩm hiu có lẽ thuộc về hai dự án còn sót lại nằm trên đường Lê Duẩn, quận 1. Khu đất số 23 Lê Duẩn được biết đến qua sự đấu giá ồn ào vào năm 2015. Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - khách sạn Tân Hoàng Minh (THM) chiến thắng sau khi vượt qua 12 đối thủ khác trong một phiên đấu giá (ngày 23-6-2015) với số tiền 1.430 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền kỷ lục mà TPHCM thu được từ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất xưa nay! Khu đất có diện tích 55m x 55m, án ngữ hai mặt tiền đường Lê Duẩn - Nguyễn Du. Bất ngờ đã xảy ra khi ngay sau phiên đấu giá, THM có văn bản đề nghị hủy kết quả, lý do đơn vị tổ chức đấu giá đã có sai phạm về bước giá; đồng thời, không nộp số tiền đã trúng đấu giá. Cuối năm 2016, UBND TP đã buộc phải phát “tối hậu thư”, nếu không nộp hết số tiền trúng đấu giá sẽ hủy kết quả. Ngay lập tức, ngày 29-12-2016, THM gấp rút chuyển toàn bộ số tiền còn lại vào Kho bạc Nhà nước. Đến nay, Công ty Xổ số kiến thiết TPHCM đã dời đi, bên trong tòa nhà hoang vắng, còn tầng trệt biến thành bãi giữ xe.
Khu tứ giác đường Lê Thánh Tôn - Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực (quận 1) án binh bất động sau động thổ
Một khu đất có vị trí cực kỳ đắc địa khác, tọa lạc ba mặt tiền đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Chiêm, là dự án khu phức hợp Lavenue Crown, rộng 4.921m2. Chủ đầu tư là liên danh giữa Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TPHCM, Công ty cổ phần Tập đoàn Kinh Đô (KDC) và Mayflower Investment. Công trình hiện đại chưa thành vóc dáng thì năm 2015, ngành thanh tra phát hiện và yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ việc chuyển nhượng cổ phần thu lợi bất chính của các doanh nghiệp nhà nước. Dự án dừng đến nay, chỉ khổ là Công ty KDC - một bên liên doanh trong khu đất - đã đổ vào đây cả ngàn tỷ đồng. Thương vụ thể hiện trong Báo cáo tài chính năm 2010 của KDC: Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue, KDC sở hữu 50% vốn cổ phần, được thành lập do Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cấp ngày 10-9-2010, số vốn rót vào 600 tỷ đồng, nâng dần lên và giữ ở mức 1.050 tỷ đồng, từ năm 2012 cho tới nay. 7 năm bỏ ra ngần ấy số tiền, lãi mẹ đẻ lãi con không hề nhỏ, nhưng dự án vẫn án binh bất động, hiện tại chỉ là bãi giữ xe cho khu vực.
Dự án Lavenue Crown giờ là bãi giữ xe
Trắc trở nhất thuộc về dự án Saigon One Tower tại số 34 đường Tôn Đức Thắng, quận 1. Dự án có vị trí đắc địa số một trung tâm TP, nằm bên sông Sài Gòn, nơi giao nhau của các tuyến đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt. Mặc dù được khởi công xây dựng năm 2009, dự kiến hoàn thành trong năm 2011, nhưng tòa nhà chỉ hoàn thành phần xây thô rồi dừng lại, một khối bê tông loang lổ nằm ngay trung tâm TP, trở thành biểu tượng tiêu cực cho lĩnh vực bất động sản. Từ năm 2014 đến nay, TP tổ chức rất nhiều cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ, đốc thúc triển khai nhưng chưa có chuyển động đáng kể.
Nên đấu giá đất vàng
Một điểm tích cực dễ nhìn thấy, đó là trước chỉ đạo quyết liệt của TP, từ cuối năm 2016, có dự án bắt đầu rục rịch. Khu đất số 1 bis và 1 kép Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) đã được rào chắn thi công, hiện đang xây dựng phần móng. Cũng vì áp lực của TP, ngày 2-12-2016, chủ đầu tư dự án tòa tháp SJC tại khu đất nằm 4 mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực (quận 1) đã làm lễ động thổ dự án sau 10 năm “trùm mền”. Tuy nhiên, sau lễ lạc này, cánh cổng vào dự án vẫn đóng kín, bên trong có duy nhất một xe đào.
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, các khu đất vàng chậm triển khai có nhiều lý do, như liên quan đến thanh tra, chuyển đổi mục đích sử dụng… Hiện tại, TP đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu hướng xử lý. Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, phân tích rằng đất vàng bỏ hoang là do đầu tư dàn trải, các chủ đầu tư ảo tưởng sẽ thu lợi lớn nhưng khi vỡ bong bóng đã trở tay không kịp. Tiếp đó, dự án thế chấp ngân hàng, trở thành nợ xấu, mất khả năng tài chính, dẫn đến dở dang, dự án kéo dài không có lối thoát. “Nhằm tránh tình trạng trùm mền đất vàng, việc đầu tiên là các ngân hàng phải cùng tham gia tái cấu trúc tài chính dự án, bơm vốn cho dự án tiếp tục triển khai, hạ lãi suất để kéo giá thành xuống. TPHCM nên cho chuyển nhượng dự án tự do, công khai, minh bạch, sẽ tìm được nhà đầu tư phù hợp mà thu được thuế. Về lâu dài, nên tổ chức đấu thầu quyền sử dụng đất vàng, doanh nghiệp nào có đủ tiềm lực mới vào cuộc, ngân sách sẽ thu được khoản tiền lớn, tránh tình trạng chiếm đất vàng rồi bỏ đó, làm cho bộ mặt trung tâm TP nhếch nhác”, ông Lê Hoàng Châu nói.
LƯƠNG THIỆN