Năm 2020, khi Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2020, sự đóng góp vào thi và tuyển sinh trong hệ thống giáo dục ĐH của ĐHQG TPHCM càng rõ nét hơn.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ “3 chung” kéo dài được 13 năm, từ 2002 đến 2014. Nền tảng của kỳ thi “3 chung” là chung đợt thi, chung đề thi và dùng chung kết quả để xét tuyển, dựa trên trụ cột là chung đề thi.
Trong giai đoạn này, đã hình thành một nhóm những trường ĐH không tổ chức thi, thường là các trường ĐH dân lập, tư thục và một số trường ĐH địa phương. Thống kê cho thấy, ở các trường thành viên ĐHQG TPHCM hàng năm có trung bình khoảng 10% thí sinh đăng ký dự thi nhưng xét tuyển vào một trường không tổ chức thi khác.
Bên cạnh đó, công tác in sao đề thi cho các trường ĐH, CĐ là công việc nặng nề nhất của ĐHQG TPHCM trong suốt 13 năm thi “3 chung”. Trung bình hàng năm, Trung tâm In sao đề thi của ĐHQG TPHCM đảm nhận in sao đề cho khoảng 300 ngàn lượt thí sinh, cá biệt có năm đến gần 500 ngàn lượt thí sinh, trở thành trung tâm in sao đề thi lớn nhất nước.
Năm 2015 có một dấu ấn lớn trong lịch sử thi cử và tuyển sinh, khi mà lần đầu tiên hai kỳ thi song hành hàng chục năm trước là kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ “3 chung” được thống nhất thành một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPT QG). Với sự thống nhất này, hai khâu thi và khâu tuyển được tách riêng.
Trong hai năm đầu, ĐHQG TPHCM và các trường thành viên là chủ trì nhiều cụm thi ĐH tại TPHCM và một số địa phương. Từ năm 2017, quy định về xét tuyển có sự thay đổi lớn, cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng (NV), nhưng khi xét tuyển (bằng phương thức xét điểm thi THPT QG) chỉ cho phép thí sinh trúng tuyển 1 NV duy nhất.
ĐHQG TPHCM đã chủ trì nhóm lọc ảo, quy tụ gần 100 trường ĐH phía Nam, để thực hiện việc lọc ảo trong đợt xét tuyển. Bên cạnh đó, các phân tích dữ liệu điểm thi của các chuyên gia tuyển sinh ĐHQG TPHCM cũng góp phần cho việc điều chỉnh phù hợp hơn các chính sách, quy định của kỳ thi và xét tuyển như điều chỉnh khoảng cách điểm ưu tiên khu vực (năm 2018), quy định làm tròn điểm thi và điểm xét tuyển (2017).
Năm 2011, ĐHQG TPHCM dự kiến ưu tiên xét tuyển thẳng thí điểm học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TPHCM), tuy nhiên đề án này không được Bộ GD-ĐT đồng ý.
Từ kỳ thi THPT QG 2015, quyền tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH được mở rộng hơn, ĐHQG TPHCM đã thí điểm ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh 5 trường chuyên trên cả nước.
Đến năm 2016, ưu tiên xét tuyển thẳng được mở rộng đến 82 trường THPT chuyên. Trên cơ sở phân tích dữ liệu điểm thi và kết quả xét tuyển, năm 2017, ngoài 82 trường THPT chuyên trên cả nước, ĐHQG TPHCM tiếp tục mở rộng ưu tiên xét tuyển cho các trường THPT có kết quả thi THPT QG nằm trong tốp 100 của cả nước (tổng cộng có 132 trường THPT).
Năm nay, con số trường THPT trong danh sách ưu tiên xét tuyển thẳng của ĐHQG TPHCM đã lên đến 150 trường (cả nước có gần 3.000 trường THPT). Phương thức ưu tiên xét tuyển này được nhiều trường ĐH khác áp dụng từ năm 2017 đến nay, thậm chí có trường còn xét tuyển căn cứ trên danh sách các trường THPT do ĐHQG TPHCM công bố.
Khi các quy định về xét tuyển của Bộ GD-ĐT thay đổi liên tục từ 2015-2017, ĐHQG TPHCM đã chuẩn bị kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) cho riêng mình để có thể chủ động hơn trong tuyển sinh. Năm 2018, kỳ thi ĐGNL được tổ chức lần đầu tiên với 4.351 thí sinh và chỉ xét tuyển cho các trường thành viên ĐHQG TPHCM.
Kỳ thi ĐGNL năm 2019 của ĐHQG TPHCM đã phát triển rất mạnh, có tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả hai đợt lên đến hơn 50.000. Kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM được 33 trường sử dụng để xét tuyển (9 đơn vị trong ĐHQG TPHCM và 24 trường ngoài ĐHQG TPHCM).
Thí sinh tham gia kỳ thi ĐGNL phần lớn là học sinh các trường THPT chuyên và các trường THPT có kết quả thi THPT QG cao ở những năm trước; do vậy kết quả điểm thi ĐGNL nhìn chung cũng khá cao.
Đến năm 2020, xét tuyển bằng kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM với hơn 60.000 thí sinh đã trở thành phương thức xét tuyển phổ biến đại trà, sau phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT (643.000) và xét tuyển bằng học bạ THPT (ước khoảng 400.000). Có hơn 60 trường ĐH, CĐ dùng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết, ĐHQG TPHCM bắt đầu nghiên cứu đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH từ rất sớm, có thể nói ít nhất là từ năm 2008. Năm 2011, ĐHQG TPHCM đã có chủ trương rõ hơn về việc cải tiến công tác tuyển sinh (trong đó, có chủ trương tuyển thẳng học sinh Phổ thông Năng khiếu có học lực giỏi 3 năm, hoặc đạt giải học sinh giỏi toàn quốc). Tháng 3-2012, ĐHQG TPHCM đã có Dự thảo Cải tiến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ tại ĐHQG TPHCM, với ý chính là tách rõ 2 bước: thi và xét tuyển. Tháng 5-2014, Giám đốc ĐHQG TPHCM ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) và Tổ công tác chuyên môn của Đề án cải tiến tuyển sinh ĐH. BCĐ do chính Giám đốc ĐHQG TPHCM làm Trưởng ban. Nhiệm vụ chính của BCĐ là xem xét, đề xuất tư vấn cho Ban giám đốc về triết lý, mục tiêu, phương thức tuyển sinh tại ĐHQG TPHCM và trên cả nước. Từ nửa cuối năm 2016, ĐHQG TPHCM đã triển khai chuẩn bị các bước như: xây dựng cấu trúc đề thi; tập huấn cho chuyên gia về việc soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan; xây dựng ngân hàng câu hỏi nhằm đánh giá những năng lực cơ bản nhất để học tốt ĐH với kỹ thuật đặt câu hỏi phù hợp. Sau đó, tiến hành thử nghiệm các bài thi, câu hỏi cho hơn 700 học sinh khối 12, thu được những kết quả đầu tiên nhằm đánh giá, cải tiến. Sau đó, cuối năm 2017, đầu năm 2018, ĐHQG TPHCM tiếp tục tiến hành thi thí điểm tại nhiều địa phương khác nhau ở khu vực phía Nam. Đầu năm 2017, ĐHQG TPHCM cho phép Trường ĐH Quốc tế triển khai thí điểm thi năng lực do trường tổ chức, với quy mô toàn ĐHQG bắt đầu triển khai thi đánh giá năng lực từ năm 2018. Tháng 3-2018, ĐHQG TPHCM đã hoàn tất đề án tuyển sinh, gửi Bộ GD-ĐT, đồng thời tháng 4-2018 đã công bố công khai phương án tuyển sinh từ 2018 cho xã hội được biết. Các phương tiện tuyền thông đánh giá cao phương án tuyển sinh này của ĐHQG TPHCM. Ngày 7-7-2018, ĐHQG TPHCM đã chính thức tổ chức kỳ thi ĐGNL cho tới nay. THANH HÙNG tổng hợp |