TPHCM là một trong những điểm nóng về buôn bán động - thực vật hoang dã bất hợp pháp. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM. Hiện trung bình mỗi năm, trên địa bàn thành phố tiêu thụ cả ngàn tấn động vật và hàng chục ngàn tấn thực vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Một lần nữa, vấn nạn buôn bán các loại sinh vật hoang dã tại thành phố lại được dấy lên cấp thiết.
Khỉ đuôi dài được bảo tồn khá tốt tại rừng ngập mặn Cần Giờ, TPHCM
Giả thịt rừng, móc túi khách hàng tò mò
Ông Thắng nhận xét, áp lực tăng dân số, công nghiệp hóa, giao thông hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự gia tăng hoạt động buôn bán động - thực vật hoang dã bất hợp pháp, đã và đang gây nên những tác động to lớn đến môi trường sống và đa dạng sinh học. Sự suy giảm đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống của đa số người dân, nhất là người dân nghèo sống phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ của hệ sinh thái. Vì vậy, con đường duy nhất để tự cứu mình và trái đất là phải sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM, cho biết việc phát hiện và ngăn chặn tình trạng buôn bán động - thực vật hoang dã là vấn đề cực kỳ nan giải của các cơ quan chức năng ở thành phố hiện nay. Bởi lẽ việc buôn bán này mang lại lợi nhuận cực kỳ cao, nhu cầu tiêu thụ thì vẫn còn quá lớn nên các đối tượng bất chấp thủ đoạn, hậu quả, tìm mọi cách để săn bắt, vận chuyển trái phép. TPHCM hiện không còn nhiều loài quý hiếm nên hầu như không có săn bắt tại chỗ mà là điểm tập kết từ các nơi khác về: các loài chim nước từ miền Tây lên, các loài rùa, rắn từ Campuchia về hoặc một số loài từ Tây Nguyên xuống. Thứ nhất là để tiêu thụ tại thành phố, bán cho các nhà hàng làm thực phẩm hoặc bán nuôi nhốt làm thú cưng, làm đồ trang sức… Thứ hai, thành phố là điểm trung chuyển để từ đó đưa hàng ra phía Bắc, xuất lậu qua Trung Quốc hoặc theo đường cảng đi các nước khác.
Tuy vậy, theo phân tích của ông Lưu thì phần lớn động - thực vật hoang dã tập kết tại thành phố là để đưa đến các nơi khác bán. “Do nạn săn bắt trái phép và bảo tồn không tốt nên các loài động - thực vật hoang dã ngoài tự nhiên suy giảm trầm trọng, số lượng còn ít nên giá cực kỳ cao, tiêu thụ trong nước chỉ một nhóm nhỏ tiếp cận được mà thôi. Tôi khẳng định phần lớn các món thịt rừng được bí mật tiếp thị tại các nhà hàng, cửa hàng đều là đồ giả, thậm chí chỉ là những thực phẩm bẩn như thịt heo, bò thối... giả thịt rừng hoặc tử tế lắm thì là đồ nuôi thôi! Cho nên, người tiêu dùng nên tỉnh táo, đừng vì sự tò mò hay tính háo danh của mình mà để các nhà hàng có cơ hội móc túi”, ông Lưu cảnh báo.
Tăng giá trị sinh thái nhân văn
Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, động - thực vật hoang dã là một mắt xích quan trọng và có vai trò, ý nghĩ riêng trong đa dạng sinh học. Chẳng hạn, rắn bắt chuột, chim én bắt muỗi…, nếu rắn hay chim én bị tận diệt, các loài địch họa sẽ gia tăng, đa dạng sinh học sẽ bị suy giảm. Bên cạnh đó, các loài động - thực vật hoang dã còn có tính chỉ thị môi trường: Môi trường ô nhiễm, sinh vật héo úa và chết đi; ngược lại, môi trường trong lành thì động - thực vật phát triển tốt và con người cũng khỏe mạnh hơn. “Cho đến hôm nay, người dân vẫn dựa vào biểu hiện của thiên nhiên, cây cỏ để dự đoán thời tiết, sắp xếp công việc của mình. Động - thực vật hoang dã có mối quan hệ mật thiết với đời sống con người”, ông Long khẳng định. Do đó, xu hướng thiết kế các đô thị càng hiện đại thì càng cần có nhiều không gian để con người sống với thiên nhiên. “TPHCM có khu rừng ngập mặn Cần Giờ bảo tồn được khá nhiều loài động - thực vật hoang dã, quý hiếm. Bên cạnh đó còn có các khu công viên tập trung hay một số khu đất ngập nước ở Củ Chi, Bình Chánh… tạo được môi trường sống của thiên nhiên hoang dã. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán động vật hoang dã tràn lan đang khiến thành phố “mất điểm”. Một đô thị phát triển, ngoài các chỉ tiêu về kinh tế, hạ tầng kỹ thuật còn được đánh giá bằng giá trị sinh thái nhân văn và đạo đức môi trường. Lãnh đạo thành phố đang vận động toàn dân xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp - thân thiện thì cũng cần phải loại bỏ hình ảnh bắt nhốt, buôn bán động vật hoang dã tràn lan”, ông Long khuyến nghị.
Ông Nguyễn Xuân Lưu cho biết, việc gây nuôi, thuần hóa một số loài động - thực vật hoang dã được thành phố khuyến khích, vì vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vừa là một ngành nghề sản xuất đem lại thu nhập cao. Tuy nhiên, việc kiểm soát cũng không dễ dàng, vừa qua đã có một số cơ sở lợi dụng mác nhân nuôi để thu gom, nuôi nhốt và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Để đối phó với tình trạng này, thành phố đã phê duyệt chương trình gây nuôi, quản lý động vật hoang dã với những biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn. Về phía Chi cục Kiểm lâm cũng có kế hoạch tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên sử dụng động - thực vật hoang dã, “Chúng tôi mở rộng tuyên truyền trong công nhân viên chức, giới doanh nhân, vì người thu nhập trung bình không có điều kiện sử dụng động - thực vật hoang dã mà chỉ có những người thu nhập cao mới tiếp cận được”, ông Lưu nói. Và một điều cực kỳ quan trọng là sự vào cuộc, phối hợp của nhiều đơn vị chức năng như cảnh sát môi trường, quản lý thị trường, hải quan… trong việc phát hiện, ngăn chặn nạn vận chuyển, buôn bán động - thực vật hoang dã.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng đồng ý rằng, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học không chỉ là trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý mà còn là trách nhiệm của toàn cộng đồng, của bản thân mỗi con người chúng ta. Chính phủ đã có những nỗ lực lớn nhằm bảo tồn đa dạng sinh học như ban hành Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia. Ông Thắng cho rằng, các chính sách này đã đánh dấu một mốc quan trọng cho việc bảo tồn, tạo cơ sở pháp lý cho sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn đa dạng sinh học.
KHÁNH LÊ