Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự án này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) Lê Quang Huy cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.
“Hồ sơ dự án cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, nhưng cần được rà soát thêm để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật (như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính) và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, ông Lê Quang Huy nhận định.
Về vấn đề này, Ủy ban KHCNMT nhận định, tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn, doanh nghiệp nào càng nắm giữ nhiều băng tần di động thì doanh nghiệp đó sẽ càng có lợi thế cạnh tranh. Nếu không quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần phân bổ cho từng doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông và dẫn tới độc quyền doanh nghiệp.
Vì vậy, Ủy ban tán thành cần phải quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép nắm giữ, sử dụng để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số vô tuyến điện. Quy định này cũng được nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển... áp dụng.
Về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đáng lưu ý là phương thức cấp phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Cơ quan thẩm tra lưu ý, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là phương thức công khai, minh bạch, công bằng và được nhiều nước trên thế giới lựa chọn áp dụng . Phương thức này đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được triển khai trên thực tế.
Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình lý do trong 13 năm qua không thực hiện được quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành; đồng thời nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm tính khả thi của việc sửa đổi, bổ sung các quy định này trong dự thảo Luật nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển; quy định rõ những trường hợp nào phải đấu giá, những trường hợp nào phải thi tuyển.
Chiều nay (3-6), Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ ĐBQH về dự án luật này.