Cụ thể, tại mục “Tồn kho BĐS”, thông cáo dẫn lại báo cáo của Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam, theo đó, giá trị hàng tồn kho BĐS đến hết năm 2019 ước tính khoảng 18.800 tỷ đồng; lượng hàng tồn kho BĐS năm 2020 tính từ quý 1 đến quý 3 đang giảm dần. Lượng hàng tồn kho BĐS chủ yếu nằm ở phân khúc căn hộ trung, cao cấp, căn hộ du lịch, nhà tái định cư… tại các vị trí xa trung tâm, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Thống kê này chưa đầy đủ. Bởi căn cứ theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2019, hàng tồn kho BĐS của 10 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM là ROS, KDH, DIG, DXG, FLC, NLG, SCR, QCG, NVL, VHM là 156.643 ngàn tỷ đồng. Còn theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2020 cũng của 10 doanh nghiệp nêu trên thì con số này là 171.732 tỷ đồng. Như vậy, từ quý 4-2019 đến quý 3-2020, chỉ tính riêng hàng tồn kho BĐS của 10 doanh nghiệp đã đội lên 15.000 tỷ đồng, tức là không có chuyện lượng hàng tồn kho BĐS đang giảm dần như báo cáo của Bộ Xây dựng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế là các doanh nghiệp BĐS đang rơi vào cảnh khó khăn chồng chất do tác động của dịch Covid-19.
Tiếp theo, tại mục “Đối với BĐS du lịch, nghỉ dưỡng”, báo cáo nêu: “Trong quý 3- 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm mạnh (giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019) do chưa mở cửa du lịch quốc tế, đường bay thương mại quốc tế cũng hạn chế, chỉ mở với một số khu vực đã kiểm soát tốt dịch bệnh… Công suất thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường trong quý 3 tăng nhẹ so với quý trước, tuy nhiên lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019…”. Nhận xét này khả năng chưa sát thực tế, bởi từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, chúng ta chỉ có một vài chuyến bay thương mại quốc tế với đối tượng khách rất đặc thù: chuyên gia, doanh nhân và cũng không ai có tâm trạng đi du lịch trong mùa dịch.
Thật bất ngờ khi Bộ Xây dựng phụ trách lĩnh vực BĐS nhưng báo cáo lại có những sai số. Tài liệu thu thập thực tế sai có dẫn đến sai về hoạch định chính sách? Dễ thấy nhất là trường hợp condotel. Cho tới thời điểm này, chưa có bộ luật nào chính thức “khai sinh” mô hình condotel nhưng việc xây dựng ào ạt cả trăm ngàn căn hộ condotel vẫn diễn ra khắp mọi miền đất nước. Các chủ đầu tư biến condotel thành “căn hộ tài chính”, hút nguồn lực rất lớn của xã hội đổ vào với lãi suất huy động rất cao. Hiện nay, chưa có căn hộ condotel nào được cấp giấy chủ quyền vì pháp lý không có... Mặt khác, những năm qua, thị trường BĐS bùng nổ, giá nhà “bay lên mây”, nhưng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, người nghèo đô thị lại vắng dần. Thực trạng này được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, và lẽ ra, trong quyền hạn, nhiệm vụ của mình, Bộ Xây dựng đã phải sớm có động thái mạnh mẽ, cụ thể để giải quyết.
Rõ ràng, với vai trò là “tư lệnh ngành”, Bộ Xây dựng có đủ quyền hạn để yêu cầu các địa phương báo cáo đầy đủ về tình hình phát triển thị trường BĐS, là cơ sở dữ liệu chính thống của quốc gia. Từ đó sẽ có báo cáo chính xác thực trạng, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách định hướng phát triển tương lai, nắn dòng đầu tư vào những phân khúc cấp thiết của xã hội, đặc biệt là các biện pháp để chống đầu cơ... Đây chính là trọng trách lớn lao, quan trọng nhất của Bộ Xây dựng đối với sự phát triển của đất nước!