
Cho đến thời điểm này, những chiếc HCV, HCB và HCĐ ở các kỳ Olympic vẫn chưa được nhìn nhận với một giá trị cao quý thật sự như những danh hiệu Grand Slam, Masters Series hay thậm chí International Series (hay Grand Slam, Tier I, Tier II với nữ). Với sự quan tâm của cả 3 tay vợt số 1 thế giới của ATP - Roger Federer, Rafael Nadal và Novak Djokovic (cùng chị em nhà Williams) - vào chiếc HCV ở Olympic lần này, liệu giá trị của những sự nhìn nhận có đảo lộn, có thay đổi?
Có thể, nhưng trước hết cần làm rõ vài vấn đề, rằng liệu chiếc HCV Atlanta 1996 chiếm bao nhiêu phần trăm chân giá trị trong số các danh hiệu khác của sự nghiệp lừng lẫy của Andre Agassi? Hay Mardy Fish xem chiếc HCB ở Athens 2004 quý hơn hay danh hiệu Washington Open quý hơn? Và 2 chiếc HCĐ Olympic đáng giá như thế nào với Goran Ivanosevic? Cuối cùng là những chiếc huy chương nội dung đôi đáng gia bao nhiêu phần trăm so với những danh hiệu đôi ở Grand Slam?
- Với chiếc HCV

Ivanisevic là một trong những người đầu tiên giành được huy chương cho thể thao Croatia.
Ngoại trừ các kỳ Grand Slam vốn được xem là “tối cao vô thượng”, một chiếc HCV chắc chắn có giá trị như bất kỳ ngôi vô địch ở một cấp độ giải đấu nào. Tuy nhiên, sẽ có một vài khác biệt ở đây.
Masters Cup (thường được cho là đứng đầu ở các Masters Series dù điểm số giành vé tham dự giải này cũng được tính từ các Grand Slam) hay WTA Championships - thu hút 8 tay vợt hàng đầu trong năm, đương nhiên có giá trị cao hơn chiếc HCV đôi chút.
Ở những Masters Series (hay những Tier I) có truyền thống và giá trị lịch sử lâu đời - kiểu như Roma Masters - danh hiệu vô địch ở đây cũng… được xem là có giá trị hơn với những tay vợt hàng đầu (với những tay vợt không phải hàng đầu, chiếc HCV Olympic hay một danh hiệu Rome Masters đều có giá trị tương đương, vì đều là những chiến thắng đầy bất ngờ, nhưng trên khía cạnh thể thao nói chung, chiếc HCV Olympic mang đến cái cảm giác… thân thiện!).
Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, chiếc HCV Olympic có thể có giá trị ngang hàng hoặc không bằng danh hiệu Davis Cup (tương tự giải VĐTG đồng đội giành cho nam) hay Fed Cup (tương tự giải VĐTG đồng đội giành cho nữ). Carlos Moya của Tây Ban Nha từng thể hiện sự hạnh phúc cao độ khi giành danh hiệu Rome Masters và Davis Cup 2004.
Người dân Nga cũng tỏ ra rất hân hoan với Davis Cup 2006 và Fed Cup 2007 và khó nói họ sẽ quan tâm thứ nào nhiều hơn chiếc HCV ở Sydney 2000 của Yevgeny Kafelnikov!
Với Andre Agassi, trên bảng thành tích danh giá của anh, chiếc HCV Olympic ở Atlanta 1996 được xếp sánh ngang về “chân giá trị” với ngôi vô địch Masters Cup 1990, và chỉ đứng sau các Grand Slam như Australia Open, Roland Garros, Wimbledon và US Open (Agassi là một trong số vài tay vợt hiếm hoi từng giành đủ 4 loại Grand Slam và cũng là người từng hoàn tất bộ sưu tập “Golden Slam” - “Golden Slam”: giành 4 Grand Slam và HCV Olympic trong cùng một năm).
Chiếc HCV Atlanta 1996 biến Agassi thành tay vợt nam đầu tiên giành “Golden Slam” càng có giá trị hơn với anh khi giành vinh quang trên sân nhà, cứu vãn một năm không thành công (Agassi không lọt nổi đến chung kết một Grand Slam nào).
Chiến thắng trước Sergi Bruguera trong trận chung kết đánh dấu một bước đệm khi số phận của Agassi tiến vào bước ngoặt mới. Có một điều đáng lưu ý, vợ của Agassi - Steffi Graf - cũng từng giành “Golden Slam” chỉ trong một năm 1988 với chiếc HCV Seoul 1988…
- Với chiếc HCB
Chắc chắn chiếc HCB Olympic không đáng giá bằng ngôi á quân ở một Grand Slam bất kỳ. Nhưng cũng chắc chắn rằng, đó là ngôi á quân đáng giá thứ 5 trong hệ thống tầng tầng lớp lớp các giải đấu trong quần vợt.
Với một số tay vợt, chiếc HCB ngẫu nhiên mang đến cho họ giá trị tỏa sáng bất ngờ, sau một thời gian dài chìm khuất trong bóng tối. Đó là trường hợp của Mardy Fish với chiếc HCB Athens 2004. Chiếc HCB ở Athens 2004 của Fish được xem như là một danh hiệu lớn trong sự nghiệp của anh.
Anh từng về thứ nhì ở Cincinnati Masters 2003 và Indian Wells Masters 2008, nhưng tất cả đều không thể sánh bằng chiếc HCB Athens 2004, thứ đã “phù phép và biến” anh trở thành tay vợt số 2 nước Mỹ cho đến khi James Blake thật sự quay trở lại để chiếm lĩnh vị trí này.
Fish chưa bao giờ giành ngôi á quân ở một kỳ Grand Slam nào, nhưng nên hiểu rằng, nếu anh làm được điều đó, cái “danh hiệu lớn duy nhất” mà anh có - chiếc HCB ở Olympic - sẽ rơi ngay vào hàng thứ yếu!
- Với chiếc HCĐ

Agassi (phải) trong buổi lễ trao huy chương ở Atlanta 1996.
Không chỉ trong quần vợt, trong bất kỳ môn thể thao nào (kể cả bóng đá), chiếc HCĐ thường không được đánh giá cao. HCĐ cũng là một dạng của thất bại, dĩ nhiên là thất bại có… an ủi (ở đây không tính đến những nền thể thao yếu “vớ” được các HCĐ).
Do vậy, chiếc HCĐ thậm chí không được xem trọng như một suất lọt đến bán kết Grand Slam bất kỳ hay thậm chí là suất bán kết ở một số giải đấu khác. Dù sao, với những… người được xem trọng nhưng chưa giành được thứ gì, HCĐ vẫn hơn là không có.
Có thể ví dụ vào trường hợp của… Andy Murray. Anh chưa có một danh hiệu lớn thật sự nào trong sự nghiệp. Nên chỉ cần anh giành được chiếc HCĐ ở Bắc Kinh 2008, anh cũng sẽ được người dân Anh quốc (Liên hiệp Anh) tung hê như một người anh hùng, giống như khi họ thấy Tim Henman lọt vào đến bán kết Grand Slam.
Còn với Goran Ivanisevic - người hùng một thời của quần vợt Croatia - chiếc HCĐ đôi và đơn ở Barcelona 1992 lại là cái gì đó rất… to lớn, vì đó là lần đầu tiên anh đại diện cho Croatia (vừa độc lập) ở Olympic.
- Huy chương ở nội dung đôi
Với những tay vợt chuyên đánh đôi - những người hiếm được… coi trọng khi xách vợt ra sân đấu mỗi một mình - một chiếc huy chương bất kỳ ở Olympic rất giá trị. Vì không ít thì nhiều, danh hiệu đôi ở Grand Slam không có giá trị cao như một danh hiệu đơn.
Một tay vợt giành á quân nội dung đôi ở Grand Slam thậm chí còn bị lãng quên nhanh chóng hơn, chứ chưa nói đến kiểu thành tích lọt đến tứ kết. Nhưng nếu anh giành được 1 huy chương, dù là HCB hay HCĐ, người ta sẽ dễ nhớ đến anh hơn.
Với Tây Ban Nha hay Thụy Sĩ, nếu Rafael Nadal hay Roger Federer kiếm thêm được chiếc huy chương nào ở nội dung đôi sau chiếc huy chương ở nội dung đơn, 2 anh sẽ được người dân tung hê rất nhiều - dù bình thường thì họ vẫn tung hê với những danh hiệu còn giá trị hơn rất nhiều.
Đơn giản bởi vì với thể thao Tây Ban Nha hay thể thao Thụy Sĩ, chuyện tìm kiếm một chiếc huy chương Olympic không đơn giản như kiểu của Mỹ, Trung Quốc… để có thể chọn lựa tầm quan trọng của từng chiếc huy chương.
Đương nhiên, sau Olympic Bắc Kinh 2008, với quan niệm mới của các tay vợt, với tầm cao mới của quần vợt nói chung và với cách nhìn nhận mới của khán giả đam mê, những chiếc huy chương Olympic sẽ được nhận biết với những giá trị mà chúng đáng ra phải được công nhận từ nhiều năm trước.
Để rồi, đến một thời điểm, có thể quần vợt Olympic được xem như là Grand Slam thứ 5, và đặc biệt hơn là nó chỉ đến mỗi 4 năm một lần. Còn bây giờ, hãy chờ xem ai sẽ giành huy chương ở Bắc Kinh 2008 nhé!
TIỂU PHI