Đâu rồi tiếng rao: “Báo đây”

Hàng năm, đến ngày 21-6, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, là lòng tôi lại dâng lên nỗi niềm khoắc khoải nhớ hoài tiếng rao “báo đây” trong những chiều dần phai nắng. Tiếng rao đã trở thành kỷ niệm của thời xa xưa mà tôi không thể nào quên.

Hàng năm, đến ngày 21-6, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, là lòng tôi lại dâng lên nỗi niềm khoắc khoải nhớ hoài tiếng rao “báo đây” trong những chiều dần phai nắng. Tiếng rao đã trở thành kỷ niệm của thời xa xưa mà tôi không thể nào quên.

Thuở ấy, chúng tôi có thói quen đọc báo buổi chiều vì tất cả các báo đều phát hành vào buổi chiều. Cứ tầm 16 - 17 giờ, trên tất cả nẻo đường Sài Gòn, kể cả trong những con hẻm nhỏ, những chú bé tuổi 13-16, trên tay ôm chồng báo, chân chạy không ngơi nghỉ, miệng cứ rao liên hồi hai tiếng: “Báo đây”. Bởi vậy, hầu hết những người bán báo dạo phải còn trẻ tuổi mới đủ sức chạy suốt mấy tiếng đồng hồ. Vì thời gian bán báo chỉ ngắn ngủi khoảng 3-4 giờ, nếu kéo dài thêm là trời tối, kể như… báo ế. Những người bán báo dạo, dẫu có muốn đi bộ cũng không được, những người bán báo sẽ chạy qua mặt, giành hết bạn đọc. Còn những người mua báo dạo như chúng tôi, tới giờ đó cầm sẵn trên tay mấy đồng tiền lẻ, nghe tiếng rao báo văng vẳng ở đầu đường là nôn nao đứng chực bên hè phố chờ mua báo. Không hiểu từ lúc nào, lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến thú vị. Đó là đối với người bán báo, ai cũng rao hai tiếng: “Báo đây”. Còn với người mua, chúng tôi chỉ gọi gọn lỏn một từ: “Báo”. Hoàn toàn không tiếng nào khác.

Riêng tôi, cứ mỗi lần nhớ lại, thấy thương làm sao hai tiếng “báo đây” và đôi chân như không hề biết mỏi của những chú bé chạy bán báo dạo, kịp thời đưa báo mới đến với bạn đọc - người phát hành báo thầm lặng mà thủy chung, làm nên nhịp cầu vô cùng quan trọng giữa bạn đọc và nhà báo.

Sau giải phóng, mấy năm đầu Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng phát hành buổi chiều. Cứ khoảng 15 giờ, những người phát hành, những người bán báo dạo, đứng chờ giờ báo ra đông nghẹt trước cổng. Sắp đến giờ phát hành, cửa mở cho mọi người cùng vào để nhận báo. Sau đó đóng cửa lại, để bảo đảm sự công bằng, không ai được mang báo ra trước. Đây là thời điểm vui nhất, các nhà phát hành tranh thủ… điểm báo: tin bài nào nóng, hấp dẫn, đánh giá báo hôm nay bán được hay không. Mọi người náo nức chờ mở cửa để đưa báo đi sớm. Cửa vừa mở, y như bầy ong vỡ tổ, người ôm, kẻ vác báo ùa chạy ra rồi nhanh chóng chất lên xe chở về giao cho sạp báo. Còn những người bán báo dạo cất lên tiếng rao “báo đây” vang lên khắp nẻo đường.

Chúng tôi là dân ghiền đọc báo, trên đường đi làm về, ghé lại một sạp báo quen thuộc đứng vây quanh đó, chờ báo về mua, rồi đọc liền tại chỗ mấy cái tin nóng. Thương quá những chiều mưa, vẫn không làm cho báo phải đến muộn với bạn đọc. Mọi người cẩn thận gói báo trong bọc ni lông thật kỹ cho khỏi ướt, mưa mặc mưa, những chiếc bóng người cần mẫn nhạt nhòa trong mưa, đưa báo đến với bạn đọc cho kịp trước khi trời tối. Những đôi chân trần không giày dép, chạy đi trong cơn mưa gió lạnh lẽo, tiếng “báo đây” nghe sao mà chạnh lòng, da diết đến thắt tim.

Mấy năm sau, Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng như những báo khác đổi lại phát hành buổi sáng. Thời gian đầu, chúng tôi chưa quen đọc báo sáng, vẫn mua báo nhưng chỉ đọc sơ qua mấy cái tít rồi để đó, chờ tối về nghỉ ngơi đem báo ra đọc. Lâu lắm, mọi người mới quen dần với báo buổi sáng. Tuy nhiên, đến bây giờ, tôi vẫn thấy luyến tiếc đến sắt se một thời đọc báo buổi chiều và nhớ hoài cái không khí thật sôi động khi báo phát hành. Tiếng rao “báo đây” giờ chỉ còn trong tiềm thức.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục