Lâu nay, có ý kiến cho rằng sở dĩ sinh hoạt cơ sở Đảng không phát hiện được tham nhũng, tiêu cực nội bộ là do đảng viên nể nang, ngại đấu tranh, thiếu dũng khí… Có người nói: Đúng. Có người than: Nói vậy mà không phải vậy?
Lập luận thứ hai cho rằng, để khẳng định đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, người tố cáo phải tập hợp đầy đủ chứng cớ, số liệu xác thực. Nếu không đủ những yếu tố trên, người tố cáo dễ bị cho là… lôi bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết hoặc… vu khống.
Trường hợp một vài đảng viên đứng đơn tố cáo thì bị quy là khiếu kiện tập thể, vi phạm Quy định 19 điều đảng viên không được làm. Những người tố cáo, trong trường hợp này, có khi trở thành “bị cáo” – bị cô lập. Mà muốn tập hợp đủ chứng cứ thì không dễ.
Bởi thực tế, có không ít vụ, cả bộ máy Thanh tra, Kiểm tra, Công an, Viện kiểm sát cùng vào cuộc còn chưa tìm ra manh mối; chứng cứ vẫn có thể bị che lấp, tiêu cực vẫn có thể bị chìm xuồng, huống chi một cá nhân…
Trong sinh hoạt hàng ngày, người ta có thể cảm nhận, nhưng tìm đủ chứng cứ xác thực thì… chịu thua! Do vậy, vào sinh hoạt đảng, tốt nhất là… im lặng hoặc nếu có phải góp ý phê bình thì cũng chung chung, khen một tí, chê một tí, vô thưởng vô phạt…
Nghe cũng có lý. Nhưng ngẫm kỹ, nói vậy hóa ra sinh hoạt cơ sở đảng hoặc là phải trưng ra bằng cớ để đấu tố nhau quyết liệt, hoặc là im lặng, dĩ hòa vi quý? Cả hai thái độ đó đều không đúng. Đấu tranh tự phê bình và phê bình mục đích là xây dựng Đảng– từng cá nhân và cả tập thể - trong sạch vững mạnh.
Do vậy, người nêu vấn đề và người giải trình đều phải thẳng thắn và trung thực trước Đảng, phải tự giác và tin cậy lẫn nhau. Nếu có thông tin xác thực về đảng viên vi phạm thì sự việc không chỉ dừng lại trong buổi sinh hoạt nội bộ. Còn nếu chỉ “nghe dư luận”, thì chí ít, đảng viên cũng rút kinh nghiệm để sửa mình trong sạch!
TUẤN SƠN