Đầu tư cho giáo dục môi trường chính là cách xây dựng một thế hệ tương lai sống thân thiện với môi trường. Thế nhưng, dù ý kiến này đã được rất nhiều chuyên gia môi trường đề cập nhưng cho đến nay tại nước ta, việc triển khai vào thực tế vẫn rất hạn chế.
Cách đây không lâu, năm 2003, một dự án hỗ trợ nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường đã được triển khai sâu rộng trong hệ thống trường học. 11 trường tiểu học quận 6 đã tham gia chương trình. Theo đó, các em học sinh ngoài giờ học chính sẽ có thêm giờ học ngoại khóa về môi trường.
Các em được tiếp xúc với những giáo trình giảng dạy môi trường chuyên nghiệp, được ứng dụng kiến thức đã học vào hành động thực tế tại gia đình như biện pháp tiết kiệm nước, phân loại chất thải rắn trong hộ gia đình, bỏ rác đúng nơi quy định… Cao hơn nữa, mỗi trường còn huy động các em học sinh tham gia trồng vườn cây xanh để góp phần tăng mảng xanh cho trường, đồng thời dạy các em ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ mảng xanh của thành phố…
Chương trình đã thực sự thu hút hàng ngàn em học sinh tự nguyện tham gia và hơn hết, thông qua chương trình đã tạo cho các em những nền tảng kiến thức vững chắc, đủ để trở thành công dân sống thân thiện với môi trường trong tương lai.
Những tưởng kết quả của dự án trên sẽ được nhân rộng ra toàn thành phố và toàn quốc. Thế nhưng sau hơn 3 năm thực hiện thì dự án kết thúc và chương trình giờ học ngoại khóa môi trường trong các trường học cũng dừng lại. Một số trường tiểu học tự duy trì hoạt động nhưng chỉ mang tính chất tự phát và rời rạc. Nhiều nhất mỗi năm tổ chức cho các em học sinh đôi ba lần thi vẽ tranh về chủ đề em yêu môi trường hay phát động cuộc thi viết về môi trường.
Chỉ cần mỗi người dân thành phố không xả rác xuống kênh rạch thì trung bình mỗi ngày sẽ không có hơn 1.000 tấn rác lấp đầy hệ thống kênh rạch, tình trạng ngập nước cũng nhờ vậy mà được cải thiện đáng kể. Những biện pháp cải thiện môi trường mà các cơ quan chức năng đang làm chỉ giúp cải thiện chất lượng môi trường sống hiện tại. Để duy trì kết quả cải thiện này, đồng thời phát huy hơn nữa kết quả đạt được phụ thuộc rất lớn vào thế hệ tương lai. Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Bản thân trong nước cũng đã và đang phải trả giá rất đắt cho hơn 30 năm phát triển kinh tế nhưng thiếu quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Chính phủ đang phải kêu gọi người dân sống thích ứng với biến đổi khí hậu và chung tay cùng cơ quan chức năng cải thiện chất lượng môi trường sống, giảm thiểu thiệt hại do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu gây ra. Hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách đã chi cho các hoạt động trên. Vậy tại sao nhà nước không đầu tư cho việc giáo dục môi trường cho các trường học. Về lâu dài, việc đầu tư cho giáo dục này sẽ tạo nên một thế hệ công dân tương lai – thế hệ công dân sống thân thiện với môi trường. Chắc chắn rằng, thế hệ công dân thân thiện môi trường trên sẽ đưa ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường sống để phát huy tốt hơn kết quả cải thiện môi trường mà thế hệ hiện tại đã và đang làm.
HẠ LAN