Con tôm, hạt lúa, trang trại cà phê, vườn tiêu, điều; đồi chè, thanh long, xoài, vải… lâu nay lại là các loại nông sản xuất khẩu mang lại ngoại tệ cho đất nước. Năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu trái cây lần đầu tiên vượt mặt kim ngạch xuất khẩu dầu thô làm chúng ta không khỏi ngỡ ngàng, lạc quan tin tưởng vào sự bứt phá ngoạn mục cũng như tiềm năng nông nghiệp nước nhà. Mặc dù vậy, các nhà quản lý chính sách, các chuyên gia về kinh tế và bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng như bà con nông dân vẫn chưa thể hài lòng về một nền nông nghiệp phát triển manh mún nhỏ lẻ, phương thức sản xuất lạc hậu (nhiều nơi vẫn như 30 năm trước), dựa vào thiên nhiên, đầu ra phập phù may rủi, sản phẩm xuất khẩu không có thương hiệu…
Bước vào xu thế hội nhập mạnh mẽ với thị trường các nước, nông sản Việt Nam cũng như nông sản của nhiều quốc gia hòa chung vào chợ toàn cầu (giảm thuế dần bằng 0%, cạnh tranh bình đẳng), chúng ta mới nhận ra những nguy cơ tụt hậu và yếu thế của một nền nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, dù đầy tiềm năng, lợi thế. Trong đó, bộc lộ rõ nhất là về giá thành cạnh tranh và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm không được giám sát, quản lý tốt.
Để kịp thời “lột xác” ngành nông nghiệp, hơn 3 năm qua, Chính phủ đã kịp thời triển khai chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, gắn với nhu cầu thị trường, trong đó điểm nổi bật là sự vào cuộc mạnh mẽ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thông qua các mô hình đầu tư xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất trên quy mô lớn, hiện đại ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhu cầu bức thiết về nông sản sạch, nông sản an toàn càng thôi thúc các “đại gia” nhảy vào nông nghiệp trên mọi lĩnh vực chăn nuôi, rau củ quả, nuôi trồng thủy sản… Trong hội nghị về an toàn thực phẩm vừa tổ chức vào đầu tháng 2-2017, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, muốn có nông sản an toàn, chất lượng thì phải làm nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, sự kiện đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trở nên “hot” nhất trong năm 2017 là khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đi thăm và bấm nút khởi động các dự án nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Bình Phước và Hà Nam, đồng thời tuyên bố bản thân Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp thị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Qua tìm hiểu thực tế từ các địa phương, chưa bao giờ làm nông nghiệp công nghệ cao lại trở thành “cơn sốt” như hiện nay. Hàng ngàn mô hình đã ra đời trong vòng 1 - 2 năm trở lại đây, nhiều nơi bắt đầu hình thành những gương mặt doanh nhân nông dân kiểu mới. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế và nhà khoa học cho rằng, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao cần đồng bộ và có kế hoạch, không phải là một phong trào. Cũng cần làm rõ, hiểu rõ khái niệm thế nào là nông nghiệp công nghệ cao chứ không chỉ và không phải là vài nhà kính, nhà lưới, hệ thống cấy mô… Đành rằng doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao là người bỏ vốn ra và họ sẽ biết cách làm cho nó sinh lời, nhưng như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, Nhà nước phải có vai trò tư vấn số liệu, định hướng, cung cấp thông tin thị trường, “trải thảm đỏ” về vốn đồng thời với việc xóa bỏ các rào cản về thủ tục hành chính cản chân doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, bất cứ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đều được hỗ trợ, song hiện nay một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp cũng lo lắng là bài toán về nhân lực làm nông nghiệp công nghệ cao sẽ tìm ở đâu? Các cơ sở đào tạo nhân lực làm nông nghiệp công nghệ cao ngày càng ít và chắp vá. Theo Bộ GD-ĐT, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản từ năm 2010 đến 2014 chỉ chiếm 2% - 5% tổng quy mô tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp. Ngay cả doanh nghiệp nông nghiệp Nhật Bản qua Việt Nam để làm nông nghiệp công nghệ cao cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực được đào tạo. Còn theo GS Võ Tòng Xuân, thật là nghịch lý khi ở những nước phát triển trên thế giới, phần lớn nông dân đều được học hành bài bản, họ tự hào là nông dân, còn ở Việt Nam vẫn đang quan niệm chỉ người kém học mới làm nông dân. Trong tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Võ Tòng Xuân đề nghị, phải đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp và đổi mới tư duy chỉ biết làm lương thực (lo an ninh lương thực) sang nông nghiệp làm giàu, mà đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao để sinh lời, do chính doanh nghiệp làm là hướng đi kịp thời, sáng suốt.
PHÚC HẬU