Tại Hội nghị Quản lý và phát triển nuôi chim yến diễn ra chiều 20-4, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng nên tập trung phát triển thị trường tổ yến nội địa bền vững rồi mới tập trung nhân rộng mô hình xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo báo cáo sơ bộ của Cục Chăn nuôi, hiện nay, cả nước có 32 tỉnh nuôi chim yến với tổng số 4.283 nhà yến. Chin yến được nuôi nhiều nhất tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tiếp đến Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung… Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao mà từ việc nuôi chim yến tự nhiên giờ đã ấp nở nhân tạo được trứng chim yến, có kỹ thuật nuôi chim yến nhân tạo, dẫn dụ, di dời đàn yến, xây dựng nhà… Bên cạnh đó, nhờ cải cách thủ tục hành chính, minh bạch đầu mối quản lý đã giúp cho các doanh nghiệp, hộ tư nhân đăng ký được hoạt động được thuận lợi hơn.
Chăm sóc yến non Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, do chưa có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc phát triển nghề nuôi chim yến dẫn đến nhiều địa phương vẫn còn gặp khó khăn như vẫn chưa xác định được chim yến là vật nuôi hay động vật hoang dã để làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý, ô nhiễm tiếng ồn, quy hoạch vùng nuôi…
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp chú trọng đến vấn đề xuất khẩu tổ yến, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đừng quá hướng đến phát triển xuất khẩu mà quên đi việc tập trung vào thị trường trong nước.
Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết nhờ vào chế biến sản phẩm từ tổ yến mà tỉnh Khánh Hòa đã tạo công việc làm cho 9.000 lao động. Nếu tổ yến nhiều thì đồng nghĩa người dân Việt Nam có thể dùng sản phẩm từ yến với giá “mềm” để nâng cao sức khỏe.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng Cục Chăn nuôi với Hiệp hội Yến sào Việt Nam chưa phối hợp tốt với nhau để phát triển ngành nuôi chim yến. Hiệp hội chưa thể hiện được tốt vai trò tư vấn về kỹ thuật nuôi chim yến, thông tin thị trường, chưa tạo kết nối các doanh nghiệp tham gia…
Theo ông Vũ Văn Tám, việc thống kê số lượng nhà yến chưa chính xác đã làm cản trở phát triển nghề nuôi chim yến. Điển hình như theo số liệu của Hiệp hội Yến sào Việt Nam có khoảng 5.800 nhà yến thu hoạch khoảng 40 tấn/năm nhưng Chi hội Nhà yến Việt Nam thống kê lại có gần 4.000 nhà yến nhưng chỉ có 1.000 thu hoạch thành công với hơn 100kg/năm, các nhà còn lại chỉ khoảng 10kg/năm…
Có một thực tế hiện nay cơ quan quản lý nhà nước chưa theo kịp sự phát triển ngành nuôi chim yến, không nắm rõ con số thống kê chính xác về nhà yến, sản lượng thu hoạch hàng năm. Do đó, cần phải ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường. Cục Chăn nuôi và Hiệp hội Yến sào Việt Nam cần phải rà soát, xây dựng hoàn thiện các thể chế chính sách nhà nước nhằm quản lý tốt hơn về số lượng, môi trường, dịch bệnh… Ngoài ra, cần đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật để chim yến trở thành vật nuôi, tạo năng suất giá trị cao, tạo được thương hiệu sản phẩm tổ yến Việt Nam hướng đến thị trường xuất khẩu.
THANH HẢI