Đầu tư mạnh cho thực phẩm bền vững

Thời gian qua, tập đoàn đầu tư nhà nước Singapore Temasek đã tăng cường đầu tư cho ngành thực phẩm bền vững và các sản phẩm protein thay thế tại thị trường châu Á, trong bối cảnh xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến trên thế giới.
Thịt từ thực vật của Impossible Foods
Thịt từ thực vật của Impossible Foods

Mới nhất, Temasek đã thành lập một công ty mới được gọi là Nền tảng thực phẩm bền vững châu Á. Công ty này đang tìm cách liên doanh với Cremer (Đức) và ADM (Mỹ) - 2 công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vi sinh vật và thực vật. Ngoài ra, trong 3 năm tới, Temasek và Cơ quan Khoa học, công nghệ và nghiên cứu của Singapore sẽ đầu tư hơn 30 triệu USD cho một trung tâm đổi mới công nghệ thực phẩm. Dự án này nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các công ty thực phẩm công nghệ trên toàn khu vực châu Á, thông qua các chương trình cố vấn nghiên cứu và phát triển, năng lực vận hành và đầu tư tài chính. 

Từ năm 2013 đến nay, Temasek đã đầu tư hơn 8 tỷ USD cho công nghệ nông nghiệp, trong đó có những dự án như Impossible Foods sản xuất các loại thịt từ thực vật và Eat Just sản xuất protein từ tế bào. Cả 2 công ty này đều là những công ty khởi nghiệp “kỳ lân” (những công ty có giá trị trên 1 tỷ USD). Giám đốc quản lý mảng nông nghiệp của Temasek, ông Anuj Maheshwari, cho biết việc thành lập Công ty Nền tảng thực phẩm bền vững châu Á và Trung tâm đổi mới công nghệ thực phẩm mới giúp thúc đẩy các khoản đầu tư khác dành cho công nghệ sử dụng trong nông nghiệp và ngành sản xuất nông nghiệp. 

Theo ông Maheshwari, nguồn vốn đổ vào ngành công nghiệp thực phẩm rất nhiều, từ cả các nhà đầu tư ở lĩnh vực công và tư. Trong đó, Temasek là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Ông Maheshwari cũng nhận thấy, không chỉ các doanh nghiệp mà nhiều gia đình cũng muốn tham gia đầu tư cho ngành công nghệ thực phẩm và công nghệ nông nghiệp, trong khi ngày càng nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới quan tâm tới lĩnh vực này. 

Theo dữ liệu của Good Food Institute, năm 2020, đầu tư toàn cầu cho các sản phẩm protein thay thế (alternative protein) đạt mức 3,1 triệu USD, tức là gấp 3 lần so với năm 2019. Tuy nhiên, con số này được cho là còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế. Theo nghiên cứu chung của Temasek, PwC và Rabobank, ước tính chỉ riêng thị trường châu Á cũng đã cần hơn 1.550 tỷ USD đầu tư trong thập niên tới mới có thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm lành mạnh và thân thiện với môi trường. 

Ông Maheshwari cho biết, Công ty Nền tảng thực phẩm bền vững châu Á còn hỗ trợ những giải pháp thực phẩm bền vững như protein thay thế, giảm lãng phí thực phẩm, công nghệ giảm khí thải methane trong nông nghiệp - một nguồn thải chính dẫn đến biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat cũng nhấn mạnh đến mục đích của việc đổi mới công nghệ thực phẩm, đó là sản xuất hiệu quả hơn và giúp cắt giảm được lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính. “Thịt là nguyên nhân chính gây ra lượng khí thải CO2 liên quan đến thực phẩm. Protein thay thế là giải pháp bền vững hơn nhiều so với chăn nuôi gia súc, gia cầm truyền thống”, ông Heng Swee Keat nói. 

Yeoh Keat Chuan, Phó Giám đốc Phát triển doanh nghiệp của Temasek, cho hay công ty này sẽ góp phần giúp Singapore đạt được “tầm nhìn 30-30” (đáp ứng được 30% nhu cầu lương thực vào năm 2030). Để đạt được những mục tiêu đề ra, ông Maheshwari hy vọng giới chức quản lý thực phẩm sẽ dỡ bỏ những rào cản để thúc đẩy sáng tạo và phát triển lĩnh vực thực phẩm bền vững.

Tin cùng chuyên mục