
Trang “An toàn giao thông” báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 20-3-2006 có đăng bài: “Lấy bằng lái ô tô: Gian nan” phản ánh về tình trạng quá tải thí sinh đi thi ở 3 Trung tâm Sát hạch (TTSH) giấy phép lái xe. Ông Trần Minh Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Công chính (GTCC) TPHCM đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về việc này.

- Ông Trần Minh Dũng: Để giảm tải cho 3 TTSH này, Sở GTCC đã đưa ra các giải pháp như: Tạo điều kiện để tất cả các học viên học tại các cơ sở đào tạo được thực hành tại trung tâm với thời lượng 40 phút/ học viên, ban hành lịch khung theo tuần. Ngoài ra, việc nâng công suất mỗi kỳ sát hạch từ 250 lượt người lên 350 lượt người, cải tạo lại sân bãi, đầu tư trang thiết bị… tại các TTSH thời gian qua đã và sẽ giảm tải được tình trạng quá tải. Sở GTCC cũng đã chỉ đạo cho các cơ sở đào tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, đặc biệt là đầu tư thêm trang thiết bị, nâng cao chất lượng đào tạo, chuyên môn…
- PV: Vậy vì sao tình trạng quá tải tại các TTSH này vẫn còn, thưa ông?
- Theo tôi, vấn đề quá tải ở đây nằm ở phần ôn luyện chứ không phải phần thực hành. Thực tế cho thấy, việc chấm điểm, sát hạch bằng máy chính xác và công minh hơn nên học viên nào cũng mong muốn được thực hành và ôn luyện nhiều hơn trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Hiện nay, Sở GTCC đã xây dựng được lịch khung cho từng phần ôn luyện, thực hành và yêu cầu các đơn vị liên quan phải thực hiện theo lịch khung, có sự kết hợp tốt giữa các trung tâm đào tạo để tổ chức kỳ thi đủ số lượng… Nếu làm tốt những việc này thì sẽ giảm tải được tình trạng ùn ứ. Cũng cần phải nói thêm rằng, TTSH nếu chỉ dành để sát hạch không thì không thể xảy ra ùn ứ, nhưng thực tế các TT hiện phải đảm đương thêm phần ôn luyện cho các học viên. Tất nhiên, Sở sẽ kêu gọi các trung tâm tiếp tục đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng suất ôn luyện… để tránh quá tải.
- Đối với các dịch vụ ôn luyện “ăn theo” Sở sẽ giải quyết như thế nào?
- Liên quan đến việc cấp đổi bằng cho các đối tượng bị bấm lỗ bằng lái, Sở GTCC đã giao cho Trường Trung học GTCC có nhiệm vụ tổ chức ôn luyện và sát hạch cho các đối tượng này. Và để đảm bảo ôn thi có chất lượng, các học viên nên đăng ký học, sát hạch tại nơi đã được chỉ định.
- Sở có thể công bố trước lịch thi không?
- Vừa qua, Sở GTCC đã yêu cầu các cơ sở đào tạo đăng ký lịch học, thi cho học viên trước ngày thi một tháng và các thông tin về kỳ sát hạch đó sẽ được cập nhật, rà soát lại trước ngày thi chính thức một tuần. Các cơ sở đào tạo có nhiệm vụ thông báo cho các học viên về thời gian thi dự kiến trước đó 1 tuần. Nói là lịch khung dự kiến vì thực tế là có sự xê dịch đối với thời gian mãn khóa của học viên do bị dời ngày thi vì không đảm bảo số lượng…
Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn nói rằng, Cục Đường bộ Việt Nam nên phân thành 3 phần thi là thi lý thuyết, thi sa hình và chạy trên đường chứ không nên gộp chung thành 2 phần lý thuyết và thực hành như hiện nay nhằm giúp cho học viên quyền bảo lưu kết quả và chỉ đóng lại tiền cho phần nào thi hỏng, đồng thời giúp học viên giảm được chi phí sát hạch lại.
Thêm nữa, nhiều người bị hỏng là do tâm lý không tốt nên mong rằng cục sẽ cho phép người thi hỏng được đóng tiền thi lại ngay nhằm tránh cho học viên phải chờ đợi lâu. Ngành chức năng nên ban hành mức học phí mới cho phù hợp với chi phí đào tạo bởi mức học phí hiện nay được ban hành lúc xăng chỉ có 5.500 đồng/ lít đến nay đã 9.500 đồng/ lít. Đó là chưa kể lương của giáo viên cũng cần phải tăng, phải khấu hao sân bãi…
Nguyên Thảo