Lâu nay dư luận vẫn lên tiếng nhiều về việc các đơn vị sân khấu công lập được rót kinh phí từ “bầu sữa” nhà nước, dù được tạo khá nhiều điều kiện thuận lợi nhưng vẫn lâm vào tình trạng khủng hoảng người xem. Hàng năm, người ta chạnh lòng chứng kiến sự ra đời khá ồn ã rồi “vụt tắt “ chóng vánh của những tác phẩm ngốn nhiều kinh phí từ những đồng thuế gom góp của người dân, do thưa vắng khán giả…
Trong khi đó, các đơn vị ngoài công lập do tư nhân, thường xuất thân nghệ sĩ, đảm trách, do không được bao cấp, họ nhọc nhằn, đam mê lao vào cuộc chơi đầy mạo hiểm, tự rút hầu bao lo đồng vốn, thuê mướn rạp, lo thu vén đủ các khâu từ nguồn nhân lực cho đến khán giả, doanh thu. Hơn một thập kỷ qua, một số đơn vị đã chứng tỏ được năng lực tổ chức trong kinh doanh nghệ thuật và bước đầu đã tạo dựng được thương hiệu riêng. Cho dù đây đó vẫn còn những lo ngại về sự non yếu về chất lượng nghệ thuật và giá trị tư tưởng, về chiều hướng tuyệt đối hóa nhu cầu người hưởng thụ dẫn đến “lạc chuẩn” trong một số vở diễn…, song có một thực tế đáng mừng là mảng ngoài công lập đã làm nên chuyện với hoạt động khá vượt trội, đóng góp đáng kể vào sự sôi động của đời sống sân khấu và giúp cho công chúng có thêm nhiều sự lựa chọn.
Trước thực tế này, các nhà quản lý văn hóa, bên cạnh niềm phấn khởi cũng còn cả sự trăn trở, suy xét: Làm sao đầu tư cho sân khấu một cách hiệu quả, làm sao khơi dậy được sự năng động và khát vọng sáng tạo của nghệ sĩ, thu hút được nhiều khán giả nhưng vẫn không bị “đánh mất mình” theo các chiều hướng lệch lạc như lạm dụng khai thác yếu tố tình dục, những màn cợt nhả, hời hợt hay những chuyện hồn ma bóng quỷ…
Thời gian qua, quản lý nhà nước dù có quan tâm đáng kể trong việc xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư nhưng thực tế cũng chưa thể nắm bắt hết, lường trước hết các vấn đề nảy sinh nên vẫn còn những chính sách chưa bắt kịp với những biến chuyển mới. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế khiến đời sống văn hóa nghệ thuật thêm sôi động, mới mẻ và phức tạp đòi hỏi tư duy mới và cách thức mới trong đầu tư nghệ thuật.
Để đầu tư hiệu quả, đòi hỏi những người quản lý, tham mưu quản lý văn hóa nghệ thuật phải am hiểu sâu sắc những vấn đề thiết yếu của lĩnh vực này để có thể định hướng đúng đắn, nhằm đảm bảo cho các hoạt động văn học nghệ thuật, trong đó có sân khấu, vừa phát huy tiềm năng sáng tạo một cách tự do, dân chủ vừa đáp ứng các yêu cầu của công tác tư tưởng trước tình hình mới. Khi mà trách nhiệm của quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thể hiện qua việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích, định hướng xuất phát từ thực tiễn, theo cách thức thuyết phục để đi đến sự đồng thuận thay vì áp đặt bằng những biện pháp mệnh lệnh, hành chính… thì việc đầu tư đúng hướng, đúng địa chỉ càng bao hàm nhiều ý nghĩa.
Điều cần sớm làm rõ là trong thời thị trường lĩnh vực nào cần được nhà nước bao cấp để bảo tồn và phát triển, lĩnh vực nào nhà nước và nhân dân cùng làm… để có những cơ chế, chính sách phù hợp. Đầu tư cho các đơn vị sân khấu ngoài công lập - nơi vốn quy tụ được nhiều tài năng sân khấu, để họ phát huy được tiềm năng sáng tạo và đóng góp cho xã hội là điều cần thiết, nhưng không thể đầu tư một cách tràn lan, cào bằng. Dù trong hay ngoài công lập thì chính yếu vẫn phải căn cứ trên hiệu quả hoạt động nhiều mặt làm thước đo, từ đó quyết định việc đầu tư. Nếu có các dự án nghệ thuật, như có thể là dự án dàn dựng một kịch bản hay, dự án về tác phẩm đầu tay của đạo diễn, hoặc dự án về xây dựng nguồn nhân lực… cần xem xét một cách khách quan và minh bạch làm cơ sở để mạnh dạn đầu tư.
Sự đầu tư không chỉ là việc chi ngân sách mà thông qua nhiều hình thức như những ưu đãi về giá thuê mặt bằng, về thuế, về việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi trong việc “đặt hàng” tác phẩm và cả khi xét trao các danh hiệu NSƯT, NSND... Chính sự đầu tư của nhà nước sẽ góp phần định hướng và nâng cao giá trị nghệ thuật, sức cạnh tranh cho sân khấu ngoài công lập.
Giới sân khấu đang mong đợi những chế độ chính sách cụ thể chứ không thuần túy là những lời động viên vỗ về. Chúng ta cũng đã có chính sách hỗ trợ cho các dự án nghệ thuật, mà gần đây nhất tại TPHCM, bước đầu sân khấu IDECAF đã nhận được tài trợ từ phía Sở VH-TT-DL để dựng vở về đề tài lịch sử phục vụ học đường… Đó cũng là tín hiệu vui, cho dù còn ít ỏi.
Đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật đang hoạt động có hiệu quả là con đường ngắn nhất để gặt hái được những thành quả cho đời sống văn học nghệ thuật; sao cho mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng tác động trở lại xã hội, khích lệ lòng tự tôn dân tộc, đề cao những giá trị truyền thống, giáo dục đạo đức lối sống và những giá trị văn hóa, lịch sử ngàn đời của dân tộc.
TRẦN BẠCH TUYẾT