Đầu tư xử lý chất thải nguy hại - Vắng bóng “đại gia”

Nhuộm vải, xả thải trực tiếp ra môi trường
Đầu tư xử lý chất thải nguy hại - Vắng bóng “đại gia”

Xử lý chất thải nguy hại (CTNH) vốn đang là nỗi lo lớn của TPHCM. Mỗi ngày trung bình TP tiếp nhận hàng trăm tấn chất thải nguy hại phát sinh nhưng số chất thải được xử lý đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho môi trường rất ít. Số còn lại đang bị đổ tràn lan trong các khu dân cư. Trước thực tế này, từ năm 2007, TP đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực này nhưng đến nay vẫn thiếu vắng các nhà đầu tư lớn tham gia.

  • Doanh nghiệp lớn dè dặt

Lý giải thực tế này, ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, lĩnh vực xử lý CTNH rất khác với chất thải rắn đô thị. Sở dĩ các nhà đầu tư lớn đều tham gia xử lý chất thải rắn đô thị, nhiều đơn vị còn chạy đua với nhau về giá thành, công nghệ để được đầu tư vì lĩnh vực này cho phép họ có nguồn nguyên liệu, vốn đầu tư, công nghệ và đầu ra sản phẩm rất ổn định. Thậm chí họ còn có lợi kép nhờ thu được lợi nhuận từ chi phí xử lý rác do ngân sách nhà nước chi trả và tận thu sản phẩm tái chế từ rác. Thế nhưng ngược lại, họ khá dè dặt trong việc đầu tư xử lý CTNH vì nguồn nguyên liệu không ổn định, lại phân tán rải rác do phụ thuộc vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN).

Chất thải độc hại đổ bừa bãi phía trước một cơ sở tại phường Bình Hưng Hòa A. Ảnh: KIM NGÂN

Chất thải độc hại đổ bừa bãi phía trước một cơ sở tại phường Bình Hưng Hòa A. Ảnh: KIM NGÂN

Bản thân những DN lớn tham gia thị trường này phải cạnh tranh khá khốc liệt với nhiều DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Với những DN nhỏ, để tồn tại họ chỉ cần số lượng nhỏ đầu mối thu gom. Tuy nhiên với những DN lớn thì không thể tồn tại như vậy được... Hơn nữa, đầu ra cho sản phẩm tái chế từ loại chất thải này cũng được đánh giá là không ổn định.

Về phía nhà nước, ngoài việc hỗ trợ về vốn, thuế và đất thì khó can thiệp sâu hơn vào thị trường cạnh tranh của lĩnh vực xử lý CTNH. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, cho biết, hiện công ty vừa đưa vào hoạt động lò đốt CTNH nhưng công suất còn khá khiêm tốn, khoảng 21 tấn/ngày. Sở dĩ công ty chưa mạnh dạn đầu tư lớn vì còn phải thăm dò thị trường và xem xét nguồn nguyên liệu cung ứng.

Chính vì những trở ngại trên, cho đến nay chỉ có 4 công ty có đầu tư công nghệ xử lý với tổng công suất 30 tấn/ngày; còn lại là thu gom, vận chuyển. Trong khi đó, số lượng chất thải phát sinh hàng ngày lên đến 600 tấn/ngày. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho hàng trăm tấn CTNH đã và đang bị đổ bỏ tràn lan ngoài môi trường.

  • Doanh nghiệp nhỏ bị trói tay

Những yếu tố cần thiết để thu hút nhà đầu tư lớn tham gia lĩnh vực này còn thiếu nhưng với những DN vừa và nhỏ lại là cơ hội để phát triển. Đáng tiếc, những điều kiện cần để các DN nhỏ có thể mở rộng quy mô đầu tư, xử lý lại thiếu. TS Nguyễn Thị Phương Loan, Đại học Văn Lang TPHCM, cho biết, trong những năm qua, khi Luật Bảo vệ môi trường được siết chặt, số lượng DN có nhu cầu xử lý tăng lên. Tuy khối lượng chất thải của các DN không lớn nhưng nếu tổ chức kết hợp thu gom theo tuyến cũng có thể khắc phục được tình trạng phân tán nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng khối lượng chất thải, đồng nghĩa với việc DN xử lý cần phải mở rộng quy mô đầu tư xử lý chất thải nhưng khó nhất là không biết tìm đâu ra đất để đầu tư mở rộng nhà xưởng.

Ông Nguyễn Đăng Khuê, Phó Giám đốc Công ty Môi trường xanh, cho biết thêm, nhận thấy nhu cầu xử lý CTNH tăng nhanh, trong khi khả năng tiếp nhận của công ty chỉ khoảng 10 tấn/ngày nên công ty đã xin thuê thêm đất để mở rộng nhà xưởng. Thế nhưng, công ty đã bị Ban quản lý Khu chế xuất – Khu công nghiệp từ chối vì lý do ngành nghề nhạy cảm với môi trường. TPHCM đã quy hoạch khu xử lý CTNH nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện bồi thường giải tỏa xong nên DN vẫn phải chờ. Còn xin đầu tư tại các quận huyện thì không phù hợp với quy định. Để giải quyết khó khăn trên, công ty đã xin đất đầu tư tại nhiều tỉnh thành khác nhưng với cách đầu tư phân tán như hiện nay thì hiệu quả xử lý chưa cao. Ngoài ra, TPHCM vẫn là thị trường có khối lượng CTNH lớn nhất nước trong khi khả năng xử lý chỉ khoảng 1/20 khối lượng chất thải phát sinh.

Hơn nữa, tro sau khi đốt CTNH hiện đang tồn kho mà chưa biết chuyển giao cho ai. Về nguyên tắc, tro đốt này phải được chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị để thực hiện chôn lấp, nhưng cho đến nay dự án xây dựng bãi chôn lấp an toàn của công ty này chưa xây dựng xong. Để tự cứu mình, nhiều công ty đã phải hóa rắn tro đốt rồi lưu kho chờ đến khi nào bãi chôn lấp an toàn được xây dựng xong. Còn khả năng chờ được đến bao giờ thì phụ thuộc vào diện tích kho chứa của các DN. Chỉ có điều, diện tích kho chứa này cực kỳ hạn chế. Về lâu dài, để đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, rất cần các cơ quan chức năng gỡ bỏ những rào cản trên. Có như vậy mới mong giải quyết dứt điểm tình trạng giá cả xử lý chất thải nguy hại thôi leo thang và bị thải bỏ bừa bãi ra môi trường.

Nhuộm vải, xả thải trực tiếp ra môi trường

Báo Sài Gòn Giải Phóng liên tục nhận được phản ánh của nhiều người dân sống tại tổ 2, khu phố 1, phường Tân Thới Nhất, quận 12, liên quan đến vụ nhuộm vải, xả thải trực tiếp ra môi trường của hộ ông Trần Thanh Hải, địa chỉ số 44/9A, tổ 2.

Được biết, trước đây hộ ông Hải chỉ xin giấy phép chuyên kinh doanh giặt ủi, nhưng sau đó không rõ vì lý do gì mà hộ này kiêm luôn nhuộm vải. Toàn bộ hệ thống nước thải được chủ nhân xả trực tiếp ra các ống cống thoát nước vào ban đêm. Xưởng nhuộm quay lưng ra mặt đường Tân Thới Nhất, được một mảnh vườn trồng toàn cây xanh che khuất, rất khó quan sát hoạt động phía sau.

Vào buổi trưa, xưởng làm việc liên tục với hàng chục công nhân. Mùi nước xả hôi khét, bụi vải, khói muội than từ xưởng nhuộm bay mù mịt. Hầu hết nhà dân sống bên cạnh đều phải đóng cửa suốt ngày. Riêng dãy nhà trọ của công nhân, bụi vải, khói than đóng thành từng lớp dày.

Tình trạng nhuộm vải, xả nước thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của bà con diễn ra trong thời gian dài… nhưng không hiểu sao vẫn chưa bị xử lý. Thậm chí, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất Trần Thị Trung còn không biết có thực trạng này và hứa trả lời trong thời gian sớm nhất.

Như vậy, ít ra người dân cũng phải… chờ một thời gian nữa để các cơ quan chức năng vào cuộc. Và cũng không rõ tới khi nào người dân sống xung quanh xưởng nhuộm của ông Hải mới được sống trong môi trường trong lành, không hóa chất, khói bụi độc hại.

TH.HỒNG

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục