Dạy cao học công tác xã hội dù không chuyên

(SGGP).- Ngày 7-11, Câu lạc bộ (CLB) Công tác xã hội chuyên nghiệp TPHCM và Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tại TPHCM tổ chức kỷ niệm Ngày Công tác xã hội thế giới tại Việt Nam lần thứ 18. Cùng ngày, hai đơn vị tổ chức hội thảo khoa học “Tiến tới chuyên nghiệp hóa nguồn lực công tác xã hội” với sự tham dự của các chuyên gia, người làm nghề công tác xã hội.

Được công nhận là một nghề vào năm 2010, đến nay, trong cả nước có 42 trường đào tạo ngành công tác xã hội. Chỉ tính riêng 11 trường cao đẳng, đại học đã đào tạo lại hơn 12.100 người trình độ đại học, hơn 5.000 người trình độ cao đẳng, trung cấp công tác xã hội. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 2.500 cử nhân công tác xã hội chính quy. Theo Thạc sĩ Lê Chí An, Phó Chủ nhiệm CLB Công tác xã hội chuyên nghiệp TPHCM, số lượng như vậy là quá nhiều trong khi xét về chất lượng đào tạo lại rất đáng lo. Thạc sĩ Lê Chí An nhận định, chúng ta đã buông lỏng khâu quản lý để các trường không có chức năng và không đủ điều kiện đào tạo chuyên ngành công tác xã hội cũng mở ngành. Nhiều trường chưa hoặc không có lực lượng giảng viên, giáo trình, tài liệu học tập, cơ sở thực tập… nhưng vẫn đào tạo ngành này. Thậm chí, có cơ sở đào tạo sau đại học ngành công tác xã hội trong hoàn cảnh nhân sự giảng dạy tập hợp giảng viên từ đủ các ngành nghề, trừ ngành công tác xã hội.

Trong khi đó, số lượng các cơ sở xã hội ở nước ta hiện khá lớn và nằm trong hệ thống an sinh xã hội do ngành lao động thương binh và xã hội quản lý. Nghịch lý ở chỗ, các cơ sở thiếu hụt nhân sự chuyên môn còn phần lớn sinh viên công tác xã hội ra trường không được tuyển dụng để làm đúng ngành nghề đã học. Mặc dù được nhà nước công nhận là một nghề nhưng do ngành còn mới mẻ nên chưa có sự công nhận của xã hội, nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về nghề này và bản thân sinh viên ngành công tác xã hội cũng chưa thực sự hãnh diện về nghề nghiệp mình đã học. Đạo đức nghề nghiệp của nhân viên xã hội chưa được xây dựng, quy định cụ thể bằng văn bản.

Các đại biểu khuyến nghị không nên mở rộng chương trình đào tạo đại học công tác xã hội vì có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp không thể tìm được việc làm trong ngành. Đồng thời, phải cải thiện phần thực hành cho sinh viên, khắc phục tình trạng sinh viên tốt nghiệp chỉ “biết về thực hành” chứ không biết “thực hành như thế nào”. Tình hình trên cũng đòi hỏi phải có một tổ chức chuyên ngành và độc lập để kiểm định chất lượng đào tạo công tác xã hội.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục