Xã hội càng phát triển, yêu cầu đổi mới dạy học cũng không ngừng tăng lên. Trong đó, ngoài mục tiêu truyền thụ kiến thức, trường lớp còn đóng vai trò bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em có thêm vốn sống, bản lĩnh, tự tin khi bước vào đời. Đáp ứng yêu cầu đó, nhiều cách dạy học mới đã ra đời, trong đó có dạy học bằng không gian mở, đem lại nhiều hứng thú cho học sinh.
Lớp học trên… sân thượng
Không có diện tích sân trường rộng lớn, không mất quá nhiều vốn đầu tư, không mời chuyên gia tham vấn, thầy và trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) bằng sự quyết tâm và cố gắng đã tạo ra vườn rau sạch tự trồng với nhiều chủng loại khác nhau như rau muống, mồng tơi, cải mầm… Trao đổi với chúng tôi, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết tất cả số rau này được học sinh trồng trong nhiều tháng qua trên khuôn viên sân thượng ở tầng 4. Dưới sự hướng dẫn của các cô bảo mẫu, học sinh sẽ được tận tay gieo trồng, chăm sóc những luống rau xanh đặt trong các thùng xốp. Lớp nhỏ được 8 thùng, lớp lớn 18 thùng. Mỗi ngày, các em sẽ thay phiên nhau lên tưới nước, chăm chút từng luống rau chờ đến ngày thu hoạch. Sau khi thu hoạch, số rau này sẽ được gom lại bó thành từng bó để bày bán tại hội chợ rau sạch do nhà trường tổ chức. Phụ huynh và khách tham quan có thể mua về ăn với giá 20.000 đồng/bó. Tổng số tiền thu được sẽ dùng làm quỹ lớp để các em chi tiêu trong các hoạt động cần thiết, trích một phần nhỏ đóng góp vào quỹ thiện nguyện chung của nhà trường.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) thu hoạch rau muống chuẩn bị bày bán tại ngày hội rau sạch của nhà trường
Chị Thanh Thảo, phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, từ khi trường tổ chức trồng rau, bé nhà chị tỏ ra thích đi học hơn. “Chưa kể đến bữa ăn, cháu còn ăn rau nhiều hơn trước, điều mà trước đây bố mẹ có nài nỉ cách mấy cũng không được. Cách đây ít ngày, bé còn xin phép mẹ cho trồng rau tại nhà để mẹ đỡ tiền chợ, đồng thời được tận tay chăm sóc, tưới tắm những luống rau. Tôi vui vì thấy con mình đã khôn lớn, biết quý trọng công sức lao động do mình và người khác làm ra”, chị Thảo bày tỏ.
Cùng mô hình này, nhiều tháng qua thầy và trò Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) đã cùng nhau chăm chút 288 thùng rau được đặt trên sân thượng ở tầng 3. Vườn rau được trang bị hệ thống tưới và thoát nước đầy đủ, sắp xếp vị trí các luống rau hợp lý để tiếp nhận ánh nắng mặt trời. Bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng của trường cho biết, vườn rau không chỉ mang lại niềm vui, sự hứng khởi cho học sinh khi đến trường mà còn giúp các em có thêm nhiều bài học về kỹ năng sống, bồi đắp thêm tình yêu thiên nhiên, cây cỏ quanh mình. Đó là chưa kể việc tổ chức trồng rau còn giúp hỗ trợ rất nhiều các bộ môn khác như tập làm văn, tự nhiên xã hội. Chính nhờ hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” này đã giúp tăng thêm sự gắn kết giữa giáo viên và học sinh, giúp các em hiểu được giá trị của sự đoàn kết, cùng nhau chia sẻ lao động và gặt hái thành quả. Tới đây, nhà trường đang có kế hoạch trồng thêm các giàn mướp, khổ qua, bầu bí để một mặt đa dạng chủng loại rau, phục vụ chính bữa ăn của học sinh, lại vừa giúp các em có thêm nhiều bài học bổ ích về cuộc sống.
Học ở ngoài trường
Cũng hướng đến mục tiêu cải tiến phương pháp dạy học, cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Gò Vấp) đã có buổi học ngoại khóa tiếng Anh sôi nổi, đầy ắp tiếng cười. Theo đó, thay vì ngồi trong lớp học nghe cô giới thiệu về tên các loài hoa, học sinh sẽ được trực tiếp ra công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), được tận mắt nhìn thấy, tận tay sờ vào những loài hoa có tên gọi giới thiệu trong sách vở. Thêm vào đó, các em còn được giáo viên giáo dục thêm một số bài học về cách ứng xử như không được ngắt hoa, không giẫm chân lên cỏ, không xả rác và chen lấn trong các hoạt động làm việc nhóm tại công viên.
Một tiết học ngoài trời khác do thầy Ngô Thành Nam, giáo viên Trường TH-THCS-THPT Việt Úc (quận 1) tổ chức thuộc về chủ đề giao thông. Lớp học được chia thành nhiều nhóm nhỏ. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ đến tham quan, học tập tại Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để được trực tiếp trao đổi với người nhà bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Song song đó, các em còn được giáo viên tạo điều kiện ra đứng “trực chốt” tại một số ngã tư để quan sát, ghi nhận thói quen tham gia giao thông của người đi đường. Bài học sẽ đến từ chính những ghi chép, hình ảnh được các em thu thập, thầy cô chỉ đóng vai trò xâu chuỗi, hệ thống lại kiến thức cho học sinh. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Nam cho biết đây là một trong những cách làm của mô hình dạy học theo dự án, giúp học sinh có thêm nhiều trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu.
Dạy học bằng không gian mở đang ngày càng được nhiều trường quan tâm, áp dụng. Không thể phủ nhận hàng loạt lợi ích mà phương pháp này mang lại như tăng thêm tính hứng thú, sáng tạo cho học sinh, giúp bài học trở nên bớt khô khan và tăng thêm tính thực tế, sinh động. Nhưng để mở rộng cách làm này vẫn cần có thêm nhiều hỗ trợ của phụ huynh (về mặt kinh phí) cũng như những hướng dẫn, tạo điều kiện của sở, ngành để các giáo viên có thể thỏa sức sáng tạo, đem lại nhiều tiết học bổ ích, mới lạ cho học sinh.
MINH QUÂN